Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Cán bộ sử dụng bằng giả, có bị tội? - (PLTP)


Triệt phá các đường dây làm bằng giả, công an phát hiện không ít cán bộ, công chức sử dụng bằng giả để đi học, tăng lương, bổ nhiệm... Theo luật, hành vi này là phạm tội nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị khởi tố.
TAND một huyện ở tỉnh Quảng Bình vừa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để tránh lọt người, lọt tội trong vụ Nguyễn Chí Thiện và đồng phạm làm bằng giả.
Cán bộ xài bằng giả
Theo hồ sơ, Thiện cùng các anh em là Nguyễn Chí Nam, Nguyễn Chí Nhân chung vốn mở một cơ sở in tại huyện. Nhờ quan hệ rộng, Thiện bắt được nhiều mối làm ăn chủ yếu từ các cơ quan nhà nước về cho cơ sở. Từ năm 2009, ba anh em Thiện bắt đầu tổ chức làm bằng giả với số lượng lớn để bán với giá từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngày 25-4-2011, ba anh em Thiện bị bắt. Tại cơ quan điều tra, cả ba khai đã làm hơn 20 bằng giả các loại, nhiều nhất là bằng tốt nghiệp THPT.
Sau đó cả ba bị khởi tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo khoản 2 Điều 267 BLHS. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra xác định được 20 người mua bằng giả của anh em Thiện, trong đó có nhiều cán bộ đang công tác tại xã, huyện nhưng xét thấy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên chỉ xử phạt hành chính.
Sau khi VKS truy tố, TAND huyện này đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cho rằng VKS đã bỏ lọt người, lọt tội đối với những người mua bằng giả của anh em Thiện. Theo tòa, chủ thể của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không chỉ là những kẻ làm bằng giả, bán bằng giả mà còn là những người sử dụng bằng giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đối chiếu với những trường hợp mua bằng giả của anh em Thiện thì đều thỏa mãn dấu hiệu này, cần phải xử lý hình sự.
Luật đã có nhưng không xử lý
Đây không phải là vụ án gây tranh cãi hiếm hoi về chuyện không xử lý hình sự cán bộ sử dụng bằng giả. Năm năm trước, một phó chánh án TAND tỉnh An Giang cũng từng bị phát hiện sử dụng bằng giả nhưng không bị xử lý hình sự. Sau khi bị TAND Tối cao kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, ông này vẫn được tiếp tục giữ chức đến khi nghỉ hưu.
Điều 267 BLHS đã quy định rất rõ rằng người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là phạm tội. Dù vậy trên thực tế, hầu như chưa bao giờ cơ quan tố tụng khởi tố người sử dụng bằng giả cả mà chỉ xử phạt hành chính hoặc kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật. Vì sao?
Một thẩm phán TAND Tối cao lý giải: Phần lớn người sử dụng bằng giả bị phát hiện là cán bộ, công chức có nhiều cống hiến, nhiều thành tích trong công tác... Do đó, khi phát hiện, cơ quan tố tụng thường có tâm lý “du di”, nhận thấy nếu khởi tố họ chỉ vì sử dụng bằng giả thì có phần quá nặng tay. Một vụ không xử lý, các vụ sau cũng không xử lý và đều viện chung một lý do là “chưa gây hậu quả nghiêm trọng” dù dấu hiệu này không phải là dấu hiệu định tội.
Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM cũng nhìn nhận thực tế này. Ông phân tích: Nếu những người mua bằng giả chưa sử dụng thì không truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng nhưng nếu họ đã sử dụng bằng giả để đi học đại học, xin việc, tăng lương, bổ nhiệm... thì lúc đó hành vi của họ cấu thành tội phạm. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự họ sẽ tạo ra suy nghĩ trong xã hội là xử lý không công bằng, nhất là khi những người sử dụng bằng giả lại là những người có chức quyền trong các cơ quan, tổ chức.

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a. Có tổ chức;
b. Phạm tội nhiều lần;
c. Gây hậu quả nghiêm trọng;
d. Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.
(Theo Điều 267 BLHS)
Cần hướng dẫn rõ hơn
Đối với người sử dụng bằng giả, BLHS chưa quy định cụ thể mức độ vi phạm đến đâu thì mới bị xử lý hình sự. Chẳng hạn, một cán bộ đem bằng giả nộp cho tổ chức nhưng chưa được hưởng lợi lộc gì thì khác ra sao với trường hợp nhờ đó mà đã được xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn hay được tăng lương?
Chính bởi luật không cụ thể nên đã tạo sự không thống nhất trong cách đánh giá hậu quả nghiêm trọng hay không nghiêm trọng để làm căn cứ để xử lý. Vì vậy cần thiết phải sớm có hướng dẫn tạo sự thống nhất giữa các ngành, tránh xử oan nhưng cũng tránh lọt người, lọt tội.
Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC,
VKSND TP Đồng Hới (Quảng Bình)
Phải khởi tố
Theo tôi, để pháp luật được thực thi nghiêm túc, tránh tình trạng cán bộ vì lợi ích cá nhân nên gian dối thì phải mạnh tay xử lý hình sự cả người làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức lẫn người sử dụng giấy tờ mà biết rõ nó là giả mạo. Chỉ nên xử phạt hành chính khi làm giả hay sử dụng giấy tờ giả mạo giữa các cá nhân với nhau mà thôi.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM
HOÀNG YẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét