Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Những 'bóng hồng' trong cuộc đời hoàng đế Quang Trung


Cập nhật lúc :7:01 PM, 22/09/2011
(ĐVO) Theo một số tài liệu, hoàng đế Quang Trung có ít nhất 7 bà vợ và dự định cầu hôn với công chúa nhà Thanh, nhưng việc không thành vì ông đột ngột băng hà.
>> Thực hư chuyện vua Quang Trung 'cầu hôn' công chúa nhà Thanh

Vua Quang Trung là một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XVIII, với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc cùng những trận đánh dẹp loạn trong nước và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào...


Vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân qua nét vẽ của hậu thế.

Sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung ghi rằng, vua có Chính cung hoàng hậu họ Phạm, Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân, hoàng hậu Bùi Thị Nhạn và các bà vợ khác, như: bà mẹ của Nguyễn Quang Thùy, bà Trần Thị Quy người Quảng Nam, bà Phi họ Lê người Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Bích người Quảng Trị.

Chính cung hoàng hậu họ Phạm

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, bà họ Phạm năm 16 tuổi được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Năm 1788, bà được phong làm hoàng hậu, lúc đó tròn 30 tuổi. Như vậy, Chính cung hoàng hậu sinh vào khoảng năm 1759, kém Nguyễn Huệ (sinh năm 1753) 6 tuổi.

Sách Tây Sơn Tiềm Long lục chép, hoàng hậu họ Phạm tên thật là Phạm Thị Liên, người Bình Định, là anh em ruột với Hộ giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái úy Phạm Văn Tham và Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà Phạm Thị Liên lại còn là anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Ðắc Tuyên và Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật.

Bà Phạm Thị Liên là một phụ nữ thôn dã, hiền lành, gắn bó với Nguyễn Huệ trong những “chặng đường vì nước vì dân” nên được ông rất mực quý trọng và thương yêu. Chính cung họ Phạm sinh hạ được 5 người con: 3 trai, 2 gái. Trong số con trai, Quang Toản được lập làm Thái tử, về sau là người kế tục sự nghiệp của vua Quang Trung nhưng không lấy gì làm xuất sắc. Hai người còn lại: một tên Quang Bàn, được phong Tuyên công Lãnh Ðốc Trấn Thanh hóa; một tên Quang Thiệu được cử làm Thái tể. Về con gái, có một người lấy Nguyễn Văn Trị, viên phò mã giữ cửa biển Tư Hiền, bị Nguyễn Ánh bắt vào năm 1801.

Theo các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà, nhất là lá thư của giáo sĩ Girard đề ngày 25/11/1792 gửi giáo sĩ Boiret ở Macao, thì khi hoàng hậu lâm bệnh, vua Quang Trung đã cho mời thầy thuốc người Âu đến chữa bệnh và đến khi hoàng hậu mất thì nhà vua đau đớn vật vã đến phát điên phát cuồng. Bà mất ngày 29/3/1791, nhưng đến ngày 25/6, mới đưa đi chôn cất. Bà được truy tặng là Nhân cung Ðoan tĩnh trinh thục nhu thuần vũ hoàng chính hậu. Mộ chôn ở dưới chân núi Kim Phụng, phía Tây thành phố Huế.

Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Công chúa Lê Ngọc Hân (sinh năm 1770) - con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông - là người tài sắc vẹn toàn. Năm 1786, bà kết hôn với Nguyễn Huệ khi ông đem quân ra đánh Thăng Long. Năm 1789, Ngọc Hân được phong làm Bắc cung hoàng hậu. Bà có hai con với vua Quang Trung là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc. Bà từ  trần ngày mồng 4 tháng 12 năm 1799 tại Huế. Năm 1801, các con của bà bị Nguyễn Ánh bắt xử tử ở Huế, sau đó được một đồ đệ cũ của Tây Sơn tên là Hài bí mật đưa hài cốt 3 mẹ con về táng tại quê ngoại ở làng Phù Ninh (Bắc Ninh); bị phát giác, vua Thiệu Trị ra lệnh phá huỷ đền thờ, đào hài cốt đổ xuống sông.

Nhiều sử gia cho rằng, Ngọc Hân lấy vua Quang Trung là cuộc hôn phối chính trị ở lúc thế nước chẳng đặng đừng. Sau cuộc mai nối chớp nhoáng 3 ngày của Nguyễn Hữu Chỉnh, lễ cưới Ngọc Hân và Nguyễn Huệ được tổ chức hết sức trọng thể ở Thăng Long. Sau đó, nàng công chúa xinh đẹp đã rời cung cấm nhà Lê, về sống với Nguyễn Huệ ở trong phủ bên bờ sông Nhị.

Vì giỏi văn thơ, Ngọc Hân được Nguyễn Huệ yêu say đắm. Nguyễn Huệ cũng được Ngọc Hân xem như một vĩ nhân hiếm có. Không chỉ yêu vì nết, Nguyễn Huệ còn trọng Ngọc Hân vì tài, nên giao coi giữ các văn thư trọng yếu, phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Tuy nhiên, trong thực tế, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng; đồng thời khuyên giải cho chồng trong nhiều việc hệ trọng khác như khuyên chồng chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Nhạc... Minh chứng cho điều này là công việc của Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân trong việc triều chính ở Phú Xuân lúc vua Quang Trung còn sống, được ghi lại trong một số biểu văn đương thời.

Cụ thể, một số bài biểu chúc mừng Ngọc Hân nhân dịp tết Đoan Ngọ (5 - 5 âm lịch) có đoạn như sau (Bài biểu do triều thần chúc tụng): "…Kính nghĩ Hoàng hậu là ánh sáng toả lan của lá ngọc cành vàng, là chi nhánh của sông Ngân, sông phái. Lúc bà vu quy cung nhân theo thử bậc, thuận lòng giúp rập, giặt giũ áo xiêm, tiếng tột đã chói lọi, nên cung kính thuận hoà, khi đưa dâu theo hằng trăm cỗ. Lúc gà gáy, nửa đêm, bà ân cần giúp hoàng đế mặc áo thêm để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là bà, có một lần bà đã động viên nhắc nhở quân binh mang áo giáp ra chiến trường thì phải mang về chiến thắng.
Về tề gia trị quốc, Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của hoàng đế. Bà khiêm nhường hoà nhã, vẫn phát huy mãi cái phẩm chất trong sáng tự nhiên”.

Một bài biểu khác chúc mừng Hoàng hậu Ngọc Hân có đoạn: “Kính nghĩ hoàng hậu bệ hạ là dòng dõi hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc kinh Thư, giải kinh Dịch làm nền tảng cho việc đẹp đẽ dồi dào, siêng cần lo thành tựu nghiệp cả. Sinh nhà Hạ, hưng nhà Chu, tạo lập nên công nghiệp lớn”.

Hoàng hậu Bùi Thị Nhạn

Tài liệu sưu tầm dân gian ở Bình Định cho biết, Bùi Thị Nhạn là người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Bà là em Bùi Đắc Tuyên, giỏi võ nghệ; là cô của Bùi Thị Xuân. Sau khi bà Phạm Thị Liên chết, bà Nhạn được Nguyễn Huệ lấy làm vợ và sau này, cũng được phong làm Chính cung Hoàng hậu.
Bùi Thị Nhạn rất chăm học văn lẫn võ; được nhân dân tôn tặng danh hiệu là Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Tuy nhiên, bà khác với Bùi Thị Xuân là luyện tập võ nghệ chỉ để phòng thân, chứ không phải để làm nên nghiệp lớn. Vì thế, sau khi kết duyên cùng Nguyễn Huệ, bà rời quân ngũ về chăm lo gia đình bên chồng.
Theo Võ nhân Bình Định, vào năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh đánh Phú Xuân, khi vua Cảnh Thịnh và bà Bùi Thị Xuân kéo quân ra chống giặc, Bùi Thị Nhạn đã lên ngựa cầm gươm dẹp tan được những người hùa theo địch quân cướp phá kinh thành. Bà tổ chức lại các toán cấm vệ quân và sắp xếp hàng ngũ tùy tùng chuẩn bị theo vua Cảnh Thịnh ra Bắc, vì lúc bấy giờ các quan văn võ đều trốn biệt không người chỉ huy. Một toán người có võ trang định xông vào thành nội cướp giựt tài sản của triều đình, bà một mình đánh tan hết lũ giặc cướp. Sau đó, bà theo vua về Bắc Hà.
Ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), bà dùng gươm tự sát khi nhà Tây Sơn hoàn toàn thất thủ.
Bà mẹ của Nguyễn Quang Thuỳ
Sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung viết, Nguyễn Quang Thuỳ là con ai? Đây là câu hỏi đối với nhiều người quan tâm đến gia thế của vua Quang Trung và cũng gây nhiều ngộ nhận, kể cả vua Càn Long nhà Thanh. Quang Thuỳ lớn tuổi hơn Quang Toản, đã có tên trong danh sách sứ bộ chúc thọ 80 tuổi vua Thanh năm 1790 - khiến Càn Long tưởng là con trưởng của Quang Trung nên phong cho làm Thế tử; sau biết không phải nên phong cho Quang Toản.

Quang Thuỳ từng làm Tiết chế, trấn nhậm cả Bắc Hà, nhưng không phải là con của hoàng hậu họ Phạm và Ngọc Hân. Sau ngày vua Quang Trung chết, một giáo sĩ tiết lộ: "Ông để lại hai người con. Người được chỉ định nối nghiệp là người đích tử duy nhất, nhưng còn một người khác lớn tuổi hơn đang cai trị xứ Bắc là con của nàng hầu".

Bà Trần Thị Quy người Quảng Nam

Không rõ bà Trần Thị Quy được Nguyễn Huệ chọn làm thứ phi năm nào và có con với Nguyễn Huệ không, nhưng đây là trường hợp đầu tiên ở đất Quảng Nam phát hiện được một bà vợ của vua Quang Trung. 
Tương truyền, trong những ngày Tây Sơn thất thế, bà Trần Thị Quỵ bị quân của Nguyễn Ánh bắt được đưa lên bãi cát Kim Bồng chém đầu, rồi thả trôi sông. Thi hài của bà được nhân dân bí mật vớt lên khâm liệm và mai táng cẩn thận ở cánh đồng thuộc xứ Trà Quân làng Thanh Đông.
Bà Phi họ Lê người Quảng Ngãi

Bà này có một con trai với vua Quang Trung, nhưng cuộc đời của bà đến nay vẫn không rõ. Tuy nhiên, sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung cho biết, hoàng tử con bà bị Nguyễn Ánh giết năm 1801.

Bà Nguyễn Thị Bích người Quảng Trị

Theo wikipedia, bà Nguyễn Thị Bích là con gái út thứ 16 của viên quan nhỏ vào mạt kỳ thời chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Bà cũng có một con trai với vua Quang Trung. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà trốn về Vĩnh Ân (nay thuộc xã Cát Hanh huyện Phù Cát tỉnh Bình Định) để nương thân, lúc chết được chôn ở gò Thỏ, Vĩnh Ân, tỉnh Bình Định.


Vĩnh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét