Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Bộ GD&ĐT hướng dẫn “lách luật”?

28/09/2011 14:13:32

- "Chính Bộ GD&ĐT hướng dẫn “nói là tự nguyện” nhưng vì thiếu hướng dẫn cụ thể nên thành ra… “lách luật” thể hiện trong việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh" - ĐB Đào Trọng Thi nói.
TIN LIÊN QUAN

Theo quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục, “ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/19/2010 thì các trường được “huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh… hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy – học”.

Mặc dù trong văn bản này, Bộ GD&ĐT đã lưu ý việc huy động đóng góp phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện nhưng trên thực tế thì các cơ sở giáo dục đã vận dụng quy định nêu trên để huy động phụ huynh học sinh đóng góp các khoản ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh.
a
Việc thu chi này không được công khai minh bạch, gây nhiều bức xúc với phụ huynh học sinh. Ảnh minh họa

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng 28/9, khi cho ý kiến về việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến các khoản đóng góp này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi đã thắng thắn chỉ rõ: Chính Bộ GD&ĐT hướng dẫn “nói là tự nguyện” nhưng vì thiếu hướng dẫn cụ thể nên thành ra… “lách luật” thể hiện trong việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Quy định tại Khoản 5, Điều 11 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008 của Bộ GD&ĐT thì “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số địa phương, đã là đóng góp “tự nguyện” thì cơ quan nhà nước không thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về khoản thu này.

Kết quả giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH về giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy: Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; mua sắm điều hóa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập; bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo… Nhìn chung việc thu chi này không được công khai minh bạch, gây nhiều bức xúc với phụ huynh học sinh.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH, ông Đào Trọng Thi cho rằng, cần sửa đổi Điều lệ Ban đại diện cha mẹ phụ huynh, để không bị nhà trường “giật dây”.

“Tôi nghe phụ huynh nói họ làm theo theo gợi ý của giáo viên, của nhà trường. Các khoản, mức đóng góp thì phụ thuộc vào phụ huynh “đại gia”, không phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số cha mẹ học sinh.
Để đóng góp tự nguyện, dân chủ Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bầu độc lập chứ không do nhà trường giới thiệu. Hỏi ý kiến về khoản thu mới phải bỏ phiếu kín, chứ phát phiếu in sẵn người ta ngại, không dám nói, thành ra áp đặt”, ông Thi bức xúc.
Theo báo cáo của UBND 39 tỉnh, thành phố và kết quả Ban Dân nguyện làm việc với 12 tỉnh, thành phố cho thấy, ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, các trường phổ thông, nhất là ở thành phố, thị xã, thị trấn, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền khác nhau để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh trường, lớp học, mua học cụ, mua đồ chơi…
Văn Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét