Thứ Ba, 20/09/2011 23:00
60 tân cử nhân Trường ĐH Sư phạm ở Ninh Thuận đang bức xúc vì bị Sở GD-ĐT tỉnh này… bỏ rơi, mặc dù họ được “đào tạo theo nhu cầu của ngành”
Năm 2006, Sở GD-ĐT Ninh Thuận xét tuyển trên 170 học sinh tốt nghiệp THPT đưa đi đào tạo giáo viên bậc THPT (hệ chính quy, tập trung) ở 4 bộ môn: lý, địa, tin học và giáo dục thể chất tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đây là đề án có tính chiến lược của Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hằng năm ở tỉnh này. Theo đó, số sinh viên cử tuyển được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí 4 năm học và sẽ “được bố trí công tác sau khi tốt nghiệp, theo sự phân công của tổ chức” như lời hứa của đơn vị chủ quản khi tuyển sinh.
Giữa tháng 6-2011, trong tổng số sinh viên được đào tạo theo đề án nói trên, có 140 sinh viên tốt nghiệp, được Trường ĐH Sư phạm TPHCM cấp bằng cử nhân. Số tân cử nhân sư phạm này đã nộp hồ sơ tuyển dụng, với mong muốn được phân công giảng dạy ngay trong năm học mới 2011-2012. Tuy nhiên, sau “năm lần, bảy lượt” xét tuyển, hiện Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận chỉ bố trí công việc cho 80 tân cử nhân; số còn lại đành… ngậm ngùi quay gót trở về “nằm nhà chờ thời”. Lý do được sở đưa ra: Các trường không còn chỉ tiêu!
Được giảng dạy là tâm nguyện của các tân cử nhân sư phạm vừa được “đào tạo theo địa chỉ”
Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều bậc phụ huynh bức xúc cho rằng khi thực hiện đề án “Đào tạo theo địa chỉ”, đương nhiên ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã khảo sát rất kỹ nhu cầu giáo viên của từng môn học theo quy mô phát triển trường lớp hằng năm. “Như vậy cớ gì bây giờ để con em chúng tôi thất nghiệp. Hơn 4 năm trời theo học đại học, tiền bạc tốn kém có ít đâu…” - một phụ huynh có con và cháu ruột không được xét tuyển nói.
Không chỉ bức xúc vì đào tạo rồi… “mang con bỏ chợ”, dư luận ở Ninh Thuận còn bị… sốc hơn khi biết rằng văn bằng chính của 140 tân cử nhân hiện đang bị “nhốt” tại Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-9, vì sao có chuyện “tréo ngoe” này, một phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận giải thích: “Số sinh viên này được đào tạo bằng 50% kinh phí của tỉnh, nếu giao văn bằng chính, họ đi nơi khác làm việc thì sao (?!)…”.
Xem ra lập luận của lãnh đạo sở chủ quản không thuyết phục chút nào. Bởi lẽ ngay cả việc bố trí việc làm cho các tân cử nhân sư phạm ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận còn chưa thực hiện đúng cam kết, hà cớ gì bắt họ… chịu thất nghiệp?!
Bài và ảnh: Lê Trường
- Trần Anh Tuấn21/09/2011 10:14Cách trả lời của Phó Giám đốc cũng như giải quyết bằng cách giam bằng của Sở GD Ninh Thuận vừa tắc trách, quan liêu và vô tâm đối với dân.
- Quốc Hòa21/09/2011 12:01Vậy ai trả lại cho họ 4 năm. Cách trả lời vừa quan liêu vừa vô cảm.
- trần quốc hoàn21/09/2011 13:59Nên thay Ban Giám đốc Sở giáo dục đi cho rồi.
- thu nguyên21/09/2011 16:38Số sinh viên này được đào tạo bằng 50% kinh phí của tỉnh, nếu giao văn bằng chính, họ đi nơi khác làm việc thì sao? Không đi làm thì sống bằng gì. Nếu tỉnh anh không tạo điều kiện cho họ làm việc, vậy sao các anh không thử liên hệ đến các địa phương khác, tạo điều kiện làm việc cho họ.
- Phạm Nhàn21/09/2011 22:27Xin chia sẻ những "nỗi niềm" cùng với 60 tân cử nhân ĐHSP TP.HCM tại Ninh Thuận. Đối với Sở GD & ĐT Ninh Thuận, bản thân tôi cùng với nhiều đồng nghiệp khác (lúc ấy công tác tại Trường Sư Phạm Ninh Thuận, nay là Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận)là những nạn nhân một thời (cách đây hơn 15 năm). Chúng tôi đã bị buộc phải rời xa mái trường SP, mái trường như mái nhà thứ hai đã gắn bó từ khi mới chập chững bước vào nghề, mà chẳng rõ lí do vì sao họ lại "chuyển" chúng tôi đi ?! Quyết định của Sở GD & ĐT, của một số người có quyền, có thế (Sở và Trường SP lúc đó)đã làm cho chúng tôi(đa số là GV của Trường SP cấp 1, trước khi sát nhập với Trường SP cấp 2)phải ra đi tứ tán, người trụ lại tại Ninh Thuận, người đi tỉnh khác, người thì về lại quê nhà...Đau đớn nhất là tôi trong hoàn cảnh gia đình li tán, cha xa con vợ xa chồng (vợ chồng mỗi người giữ một đứa, phải sống ở hai nơi - do chưa chuyển được cùng lúc), không tiền, không nhà cửa... Vậy mới thây rằng họ thật tàn nhẫn, chỉ với một quyết định (đối với họ thì chỉ một chữ ký, một lời "tham mưu"...)nhưng biết bao nhiêu người phải rơi vào những hoàn cảnh khốn đốn, dở khóc dở mếu...!!! May thay, đến nay tôi vẫn còn...và tình cờ biết được thông tin này trên NLĐ. Cám ơn tác giả Lê Trường đã có tiếng nói hộ những tân cử nhân cũng đang khóc dở mếu dở như chúng tôi thuở nào! Một lần nữa, xin chia sẻ những nỗi niềm "oan trái" với những thầy giáo đang còn..."ngồi chờ" tương lai! Mong các bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi vì tôi tin rằng dư luận xã hội sẽ ủng hộ nguyện vọng "không...chịu thất nghiệp" của các bạn !