Posted on 26.09.2011 by nguyentrongtao
NGUYỄN TRỌNG TẠONước ta có ba Hoàng Cầm đều rất nổi tiếng, đó là Hoàng Cầm tướng, Hoàng Cầm bếp và Hoàng Cầm thơ. Trong bài viết này tôi chỉ nói tới một trong ba ông Hoàng đó: nhà thơ Hoàng Cầm.
Nhà thơ Hoàng Cầm năm nay (1993 – NTT) đã ngoài bảy mươi, ông đã sáng tác ngót nghìn bài thơ, có bài được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thưởng huân chương tại trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và cũng có bài làm cho đời ông điêu đứng bị xuyên tạc, bị kiểm thảo, cải tạo, bị vào nhà đá. Nhưng thôi, nhắc lại chuyện buồn làm gì nữa, mấy năm nay những bài thơ “rắc rối” ấy cũng đã được in ra. Và chúng ta lại có thêm một Hoàng Cầm Lá Diêu Bông tiếp nối Hoàng Cầm bên kia sông Đuống lừng lẫy một thời. Theo ông thì chính bài thơ Lá Diêu Bông mới thực sự là bài thơ quan trọng của đời ông, nó đưa nghệ thuật thơ Hoàng Cầm đạt tới đỉnh cao trong toàn bộ sáng tác của mình. Nhưng khi trò chuyện với ông, tôi được ông cho biết: Đấy không phải là bài thơ do ông làm ra. Tôi không khỏi ngạc nhiên, đề nghị ông giải thích rõ hơn về điều này. Hoàng Cầm rít một hơi thuốc lào thật kêu, thong thả phả khói, rồi ông rủ rỉ kể lại rằng:
- Vào một đêm mùa đông năm 1959 trời rét lắm, tôi nằm tại nhà riêng (43 Lý Quốc Sư, Hà Nội) mà không sao ngủ được. Quá nửa đêm, vợ tôi nằm bên cạnh đã ngủ say lắm rồi. Tôi nằm trằn trọc mãi, trong tay vẫn còn nguyên tập giấy và cây bút mà tôi vẫn cầm theo thói quen trước lúc đi ngủ. Bỗng tôi nghe văng vẳng bên tai một giọng nữ rất trong trẻo, nhưng không phân biệt được là giọng của ai. Cái giọng nữ trong trẻo ấy cứ đọc lên rành rọt từng lời một, và tôi nghiêng người về phía ngọn đèn ngủ 6 oát chép tốc ký toàn bộ bài thơ này. Khi giọng đọc ngừng hẳn, không còn gì để ghi nữa, tôi cầm nguyên giấy bút như vậy ngủ thiếp đi. Sáng dậy, tôi phải sắp xếp lại những chữ xiêu vẹo đã may mắn ghi được trong đêm. Thế là tôi có trong tay bài thơ Lá Diêu Bông như sau này các bạn đã đọc được. Vậy thì nó là bài thơ không phải của tôi làm, mà là của một thần linh nào đấy đã nhờ tôi chép lại mà thôi.
Tôi tin giọng kể chân thành của ông, và tôi cũng tìm cách để lý giải về điều đó:
- Trường hợp của anh làm tôi nhớ lại một câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Thơ có tuổi và chiêm bao có tích”. Tôi cho rằng anh đã làm bài thơ Lá Diêu Bông trong chiêm bao. Vậy anh có thể biết rõ cái “tích” của giấc chiêm bao này?
- Đúng như vậy, sau khi có bài Lá Diêu Bông rồi, tôi cứ thường nhớ về một mối tình thật đẹp bắt đầu từ năm tôi lên 8 tuổi. Đấy là một buổi chiều thứ bảy, tôi trọ học trên tỉnh về thăm nhà. Nhà tôi bên cạnh một cái ga xép, có mấy cái quán quê lèo tèo bên đường số 1. Mẹ tôi cũng có một cái quán hàng xén. Tôi vừa bước vào ngõ thì thấy một cô gái đang cúi mua gì đó chỗ quán mẹ tôi. Nắng chiều chênh chếch vào hai bắp chân thật đẹp dưới váy cô. Bỗng cô ngoảnh mặt lại nhìn tôi, và tôi cũng nhìn vào gương mặt kiêu sa của cô. Lập tức tôi thấy mình choáng váng, sự choáng váng mà sau này tôi biết là người ta vẫn gọi là tiếng sét ái tình. Đúng như vậy, đấy là cú choáng của tình yêu nam nữ thực sự. Sau đó tôi được biết cô gái tên là Vinh, 16 tuổi – hơn tôi đến 8 tuổi. Chị Vinh – tôi vẫn gọi chị như vậy – mồ côi cha, sống với mẹ và em nhỏ trong căn nhà bên kia đường. Mỗi tuần về nhà một lần, tôi thường đứng thơ thẩn trước ngõ ngóng sang nhà chị, mong được nhìn thấy chị. Và hễ trông thấy chị là tâm hồn tôi bỗng rạo rực, lâng lâng đến khó tả. Người ta nói như vậy là đã phải lòng rồi. Lên tỉnh, tôi thường nhớ chị, và tôi đã làm một bài thơ về chị. Bài thơ lục bát, có đầu đề là “Gửi chị Vinh của em”. Bài thơ của tuổi học trò tôi không còn nhớ gì nữa, nhưng đấy là bài thơ đầu tiên của đời tôi.
- Dĩ nhiên là nội dung bài thơ ấy không liên quan gì tới cái lá Diêu Bông sau này?
- Tôi cũng không rõ là nó có liên quan hay không, nhưng những rung động của “mối tình đầu” ấy thì còn lại âm hưởng rất rõ ràng trong tôi. Đặc biệt là ấn tượng của lần cuối cùng gặp chị, năm tôi 12 tuổi. Đấy là một buổi chiều đông, đang chơi thơ thẩn trước ngõ tôi bỗng thấy chị Vinh đi từ nhà ra phía cánh đồng đã gặt, chỉ còn nhấp nhô cuống rạ. Tôi bám theo chị. Chị mặc áo lụa đã bạc màu, yếm cánh sen và chiếc váy vùng Đình Bảng gấp nhiều li buông chùng như võng. Mỗi bước đi của chị làm cho chiếc váy lượn dập dờn như sóng, để lộ hai gót chân trắng như ngó cần. Mái tóc chị mới gội, buông xoã, toả mùi thơm của bồ kết, hương nhu đầy quyến rũ. Chị đi tìm một cái gì đó trong những bụi cây lúp xúp dọc bờ ruộng. Bỗng chị quay lại ngạc nhiên nhìn thấy tôi, và mắng yêu: “Ơ, sao mày đi theo tao lẵng nhẵng mãi thế nhỉ?”. Lời mắng của chị không làm cho tôi sợ, mà ngược lại, nó làm cho mặt tôi nóng ran lên, và tôi thấy toàn thân bỗng ấm áp và dễ chịu vô cùng. Đến một gò đất, chị lại vạch cây để tìm cái gì đó. Tôi bước lên gần chị, mạnh dạn hỏi: “Chị tìm cái gì đấy, chị Vinh?”. Chị Vinh ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt tôi, chị vừa như đùa, vừa như xa xôi: “Chị đi tìm cái lá… (Chị nói tên một cái lá gì đó nhưng tôi không sao nhớ nổi). Đứa nào tìm được cái lá ấy, ta gọi là chồng”. Tôi nhìn vào mắt chị và cảm thấy như lạc vào mê cung. Tâm hồn tôi bỗng bay bổng, phiêu diêu trên chín tầng mây. Nhưng chị lại tiếp tục đi tìm, có thể chị tìm một cái lá thuốc nào đấy mà không tìm được. Gần tối, chị bảo: “Thôi, ta đi về đi em”. Rồi chị dắt tay tôi đi trên đồng chiều còn trơ cuống rạ lạnh se. Sáng hôm sau, tôi ra tàu lên tỉnh và xa chị từ đó… Hoàng Cầm ngừng kể, rút một hơi thuốc lào, mắt lim dim chìm vào làn khói, rồi ông nói: Có thể đấy là cái “tích” của giấc chiêm bao lá Diêu Bông!
- Đã là chiêm bao thì nó thuộc vào thế giới huyền ảo thôi. Nhưng cái tên lá là Diêu Bông thì chắc anh giải thích được chứ?
- Tôi chịu. Vì trong cuộc đời thực làm gì có lá Diêu Bông. Chả thế mà sau đó Bùi Minh Quốc đã làm một bài thơ mở đầu bằng câu: “Thôi ta chẳng thèm tìm lá Diêu Bông”…
- Còn Thanh Thảo thì lại reo lên: “Chết mẹ đây rồi cái lá Diêu Bông?”.
- Rắc rối thế đấy. Bài thơ Lá Diêu Bông cũng đã gây rắc rồi cho tôi một dạo. Có người bảo, đấy là tại tôi đã báng bổ thánh thần, dám đưa mép váy lên ngang với cửa võng là cửa điện thờ thần thánh linh thiêng, nên tôi đã bị thần thánh trừng trị, và tôi đã phải trả giá nặng nề. Nhưng nào tôi có ý báng bổ gì đâu, tôi chỉ chép lại bài thơ trong chiêm bao đó thôi.
- Và cũng chỉ để tặng chị Vinh của mấy chục năm về trước… Nghe nói sau này anh có gặp lại chị Vinh, đúng thế không?
- Không những gặp lại, mà chúng tôi còn chụp chung với nhau một tấm ảnh kỷ niệm. Lúc ấy (sau khi bài Lá Diêu Bông được Tạo đưa in lần đầu tiên trên tạp chí Sông Hương, 1988), chị Vinh đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, còn tôi thì tóc cũng đã bạc trắng. Một tờ báo đã đăng bức ảnh này và coi chúng tôi là 2 nhân vật Chị và Em của bài thơ. Bây giờ thì chị đã không còn nữa…
Hoàng Cầm bỗng im lặng dài trong một nỗi buồn mênh mông xa vắng. Tôi thì thầm nhẩm lại bài thơ. Đến câu cuối, ông bỗng cao hứng hoạ theo bằng một “giọng ngâm vàng” trời phú, nghe như từ một cõi xa xôi huyền bí nào vọng lại:
Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời… ới diêu bông…
Huế, 5 – 1993
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét