(Toquoc)-Giảm tải là điều không chỉ phụ huynh mà cả giáo viên, học sinh cũng đều mong mỏi trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc đưa nội dung giảm tải sau khi đã vào năm học mới được nhiều chuyên gia nhận định rằng bước đi này hơi vội vàng, chưa được chuẩn bị thấu đáo. GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.
Theo GS. Đào Trọng Thi: Khi làm bất cứ điều gì liên quan đến giáo dục, đặc biệt là giảm tải là vấn đề chuyên môn rất phức tạp. Đãng lẽ, khi làm việc này thì chủ trương cũng phải đưa ra kịp thời để có thời gian thẩm định một cách chắc chắn. Vì nếu thẩm định không tốt thì không hiệu quả.
Năm nay, Bộ GD- ĐH đưa ra chủ trương trước mắt giảm tải nội dung chương trình thì tôi cho rằng đó là chủ trương đúng và chủ trương tốt. Nhưng chủ trương này nó có hiệu quả hay không còn phụ thuộc mình chuẩn bị như thế nào.
Trong các công tác chuẩn bị có rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời gian. Chủ trương này theo tôi hơi gấp quá. Đáng lẽ, chủ trương phải được đưa ra trước vài tháng, nhân tiện các thầy cô được đi tập huấn thì nó sẽ khác.
Giảm tải chương trình nội dung nói thì dễ, nhưng giảm tải cái gì, cắt nội dung nào, không phải giảm tải là cắt bừa, không thể cái cần thì không cắt, lại cắt đúng cái cần.
Thứ nữa, khi thiết kế chương trình, người ta có tính đến tính toàn thể, mình không thể cắt đoạn này đoạn kia vì không khéo nó làm hỏng đoạn khác. Vì có những kiến thức tôi dạy đoạn sau phải có kiến thức đằng trước. Hơn nữa, trong giáo dục, nội dung không phải là những dấu cộng mà nó là sự liên kết. Tất cả đều có giá trị để tạo ra một hiệu quả tiếp thu của học sinh.
Trong chủ trương hướng dẫn, định hướng của Bộ có nói đến năm vấn đề cần giảm tải. Một trong số đó là cắt những cái gì trùng lặp. Nhưng cắt những cái gì lặp lại nhiều lần chưa chắc đã đúng, bởi vì cái trùng lắp ấy đôi khi là thể hiện phương pháp giảng dạy. Cũng như khi người ta thiết kế chương trình, họ thiết kế theo phương pháp đồng tâm. Có nghĩa là năm nay tôi dạy nội dung này, nhưng tôi dạy đến đây thôi vì lứa tuổi trẻ ấy mới tiếp thu được đến đấy. Sang năm tôi lại quay lại nội dung đó, có thể lặp lại một chút nhưng nội dung được sâu hơn và rộng hơn.
Chủ trương giảm tải có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào việc chuẩn bị như thế nào (Ảnh minh hoạ: Internet)
-Nhiều nhà khoa học cho rằng nên tinh giản chương trình thay vì cắt giảm chương trình, ông nghĩ sao về quan điểm này?
+ Cắt giảm nhưng phải dưới dạng tinh giản. Tinh giản là một việc làm theo chiều hướng tích cực. Nhưng để làm cụ thể thế nào thì không đơn giản. Tôi ủng hộ nhưng không phải đơn giản, nói thế là được thế. Bộ chỉ dừng lại ở mức đó nên rất khó cho các cơ sở, khó cho các nhà trường trong việc triển khai ý định.
Vì ý định được chuẩn bị tốt ở phía trên thì độ khó sẽ không đẩy xuống phía dưới. Đáng lẽ, cái khó ở cấp trung ương là Bộ phải giải quyết vì Bộ có thể can thiệp vào chương trình giảng dạy, nội dung giảng dạy. Bộ làm một cái chung cho các sở, nhưng trình độ các sở lại khác nhau, có sở trình độ kém hơn, rồi lại để cho các trường làm, để cho các thầy làm… Nếu giáo viên ta rất giỏi, phương pháp rất thành thạo thì thực hiện được, nhưng có một thời kỳ mình đào tạo giáo viên dạy cái gì thì đào tạo đúng cái đó. Bộ phải gánh trách nhiệm mình làm giảm tải tương đối, hướng dẫn đến mức cụ thể, để sau đấy không cần sở không cần trường nữa. Cái cụ thể đó đưa cho người giáo viên, nếu tập huấn được càng tốt. Do đó quyển hướng dẫn phải được chi tiết đến mức giáo viên đọc quyển hướng dẫn đó và tự giảng dạy được.
- Như ông đã nói ở trên, giảm tải không phải đơn giản là chuyện cắt cái này hay cắt cái kia. Nhiều người cũng cho rằng, trước khi đưa giảm tải vào thực hiện, Bộ cần phải mời các chuyên gia đến để góp ý xem nên giảm như thế nào. Ông nghĩ sao?
+ Cái dở của Bộ là khi tiến hành giảm tải đã không tập trung những người soạn chương trình lại. Bởi, họ có ngồi lại thì họ mới biết giảm tải nên bớt cái gì thì không hỏng, bớt cái gì thì hỏng.
Lúc đầu nghe chủ trương rất phấn khởi vì nhu cầu xã hội cũng nhiều năm rồi bây giờ mới thấy có hưởng ứng từ cơ quan quản lý. Nhưng vừa rồi nghe thấy sự chuẩn bị cập rập quá, chưa đâu vào đâu thì cũng bắt đầu thấy nghi ngờ, không biết có hiệu quả không hay đây chỉ là khẩu hiệu. Nếu đây là khẩu hiệu thì chỉ trấn an người ta được một thời gian ngắn. Tôi cho rằng, sau một thời gian nữa có thể không được cái gì mà kết quả còn ngược lại, người ta có thể bắt đầu phân vân, hoang mang.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét