Thứ Ba, 20/09/2011 22:06
Trong khi nhiều bài học môn lịch sử phải cắt bớt thì môn văn học chỉ điều chỉnh 5 bài ở khối 11, một bài ở khối 12
Sở GD-ĐT TPHCM đang triển khai tài liệu hướng dẫn giảm tải của Bộ GD-ĐT đến các trường. Theo nhiều giáo viên, việc giảm tải chương trình sách giáo khoa (SGK) lần này nếu có “giảm” được cho học sinh thì giáo viên là người phải “tải”.
Giảm trên nền kiến thức tối thiểu
Đối với môn lịch sử, nhiều bài học sẽ chuyển thành bài đọc thêm hoặc gộp lại, thậm chí cắt bớt.
Ông Vũ Quang Thọ, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, cho rằng trước đây, khi chương trình giáo dục được cho là quá tải với học sinh, Bộ GD-ĐT đã thực hiện giảm tải lần thứ nhất với cuốn chuẩn kiến thức kỹ năng.
Đây là tài liệu trọng tâm và những kiến thức tối thiểu học sinh phải có. Việc giảm tải năm nay chỉ là giảm tải trên nền kiến thức tối thiểu bằng việc cắt xén những bài được cho là không cần thiết (!?). Theo ông Thọ, cắt xén cũng là một cách giảm tải nhưng do bớt bài học nên giáo viên sẽ dành nhiều thời gian để thay đổi phương pháp dạy học và củng cố kiến thức cho học sinh.
Tại hội nghị triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý giáo viên môn sử đối với những bài học đã hướng dẫn không dạy, nếu ảnh hưởng đến những bài học sau thì vẫn phải bổ sung kiến thức cho học sinh nhưng không đưa vào kiểm tra, đánh giá.
Từ hướng dẫn giảm tải, năm học tới, các nội dung đã giảm tải cũng sẽ không đưa vào dạy cho học sinh giỏi ở TPHCM. Sở cũng lưu ý về một số sai sót trong tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT như ghi sai mục trong bài từ mục 3 (ở SGK) thành mục 2 (bài 28, lớp 9); chữ “Nhật Bản” (ở SGK) thành “Mĩ” (bài 9, lớp 9).
Nếu được giảm tải chương trình, việc học tập của học sinh sẽ bớt căng thẳng. Ảnh: TẤN THẠNH
Để giảm tải theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Ngọc Tân, giáo viên dạy môn sử Trường THCS Hai Bà Trưng, cho biết giáo viên phải đối chiếu SGK, sách chuẩn kiến thức kỹ năng và hướng dẫn giảm tải để phân phối thời gian dạy và lồng ghép các hoạt động khác như chiếu phim, thảo luận nhóm cho phù hợp.
Nhiều giáo viên phàn nàn phải mua SGK mới cho tiện hoặc bỏ công thực hiện thêm một thao tác nữa là kiểm dò SGK cũ và mới do trong tài liệu giảm tải Bộ GD – ĐT lưu ý: “Tài liệu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học dựa trên SGK của NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2011 (là SGK của chương trình chuẩn đối với cấp THPT). Nếu giáo viên và học sinh sử dụng SGK của các năm khác thì cần đối chiếu với SGK năm 2011 để điều chỉnh, áp dụng cho phù hợp”.
Thi cử vẫn dàn trải
Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định, so sánh giữa yêu cầu giảm tải môn địa mà bộ mới ban hành với chuẩn kiến thức kỹ năng mà các giáo viên đang sử dụng: “Những nội dung giảm tải trùng với sách kiến thức kỹ năng thì các giáo viên không phải vất vả dò lại, cứ theo đó mà dạy.
Tuy nhiên, đối với những phần giảm tải có độ chênh với sách kiến thức và kỹ năng, các giáo viên phải làm thao tác so sánh, đối chiếu, nếu không thì học sinh sẽ gặp khó khăn trong quá trình học, thực hành các bài tập”- bà Trang khẳng định.
Trong khi nhiều bài học ở môn lịch sử phải cắt bớt thì môn văn học chỉ điều chỉnh 5 bài ở khối 11, một bài ở khối 12. Một giáo viên môn văn ở huyện Nhà Bè cho rằng chương trình THPT khá nặng với học sinh nhưng đợt giảm tải này không thay đổi nhiều. Ngay cả cách kiểm tra, thi cử cũng vẫn dàn trải như trước đây.
Rối hơn Theo ông Nguyễn Đình Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, tài liệu giảm tải vừa ban hành có giảm tải thật nhưng nhiều giáo viên cho là không khoa học. Điều đó ảnh hưởng đến tính hệ thống chương trình. Vậy việc ban hành tài liệu giảm tải này có thực sự giảm tải cho học sinh hay không? Ông Thịnh cho là không, bởi học sinh học để đối phó với thi cử mà đề thi thế nào thì giáo viên, học sinh sẽ dạy và học như thế. Do vậy, muốn giảm tải cho học sinh, Bộ GD-ĐT cần cải tiến mạnh mẽ cách ra đề thi. Thực tế lâu nay, nhiều giáo viên đã giảm tải cho học sinh bởi họ trực tiếp đứng lớp nên biết đâu là nội dung quan trọng cần nhấn mạnh, tập trung cho học sinh. “Tôi tin chắc rằng giáo viên ở trường không nhất nhất tuân theo tài liệu giảm tải này”- ông Thịnh nhấn mạnh. Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Cảnh, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, nói tài liệu giảm tải này sẽ không giải quyết được căn cơ vấn đề quá tải của học sinh mà làm cho giáo viên rối hơn. Vì thế, ngoài cải tiến cách ra đề thi, bộ nên giao quyền chủ động cho các sở GD-ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để các sở sẽ chủ động được chương trình. H.Lân |
MINH QUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét