Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Giảm tải kiểu mì ăn liền


Cập nhật lúc :8:05 AM, 25/09/2011
(Đất Việt) Theo các chuyên gia giáo dục, khi muốn giảm tải chương trình sách giáo khoa, cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục hiện nay là gì, học để phục vụ những yêu cầu gì cho xã hội, xu hướng phát triển của thế giới, để từ đó mới có những hướng dẫn giảm tải hiệu quả.
>>Giảm tải, có cũng như không
>>Lùng nhùng giảm tải

Dù có nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương giảm tải nhưng cách thực hiện chưa được dư luận đồng tình. Một giáo viên trường THPT Phú Nhuận (TP HCM), cho rằng: “Việc lấy ý kiến, tập hợp, phân tích và chọn nội dung học để đưa vào tài liệu giảm tải không thể thực hiện qua loa trong vài tuần. Tôi thấy ngày 17/8 mới công bố dự thảo để lấy ý kiến cán bộ, giáo viên cả nước gửi về Vụ Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học, sau đó 2 tuần Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn giảm tải. Liệu 2 vụ này có đủ thời gian và năng lực để xử lý kịp ý kiến đóng góp của các nơi gửi về?”. Cũng theo giáo viên này, việc giảm tải hiện nay có lẽ chỉ là giải pháp tình thế mà Bộ đưa ra để trấn an dư luận chứ ai lại giảm tải theo kiểu cắt xén chuyển dịch cơ học như thế.



Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD - ĐT lấy ý kiến giảm trong 1 - 2 tuần rồi quyết định ngay là quá gấp gáp.

PGS Văn Như Cương cũng đồng quan điểm và cho rằng, Bộ GD - ĐT lấy ý kiến trong 1 - 2 tuần thì gấp quá, mà phải làm trong 2 tháng. Nên lấy ý kiến theo kiểu “thành tâm” gồm những công đoạn: đưa cho mọi người đọc trong vài ngày, rồi viết thư góp ý; ban tổng hợp và phân loại các ý kiến; ban dự thảo họp lại để chỉnh sửa các ý kiến; phê duyệt rồi mới phổ biến triển khai.

Nhận định về kế hoạch giảm tải của Bộ GD - ĐT, giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng Bộ làm như vậy là chữa cháy. Cách làm bài bản là phải thành lập hội đồng, mời những chuyên gia trong ngành của từng môn học, thậm chí có chuyên gia nước ngoài đến xem xét lại chương trình, xem xét trình độ kỹ thuật của Việt Nam đi theo hướng nào, thế giới theo hướng nào để định hướng giảm tải. Từ đó, soạn lại chương trình học. Cần có lộ trình
Theo ông Đào Việt Hùng, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GD-ĐT nên tổ chức rà soát để giảm trùng lặp giữa một số môn. Ví dụ: môn Vật lý và Kỹ thuật công nghệ, môn Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp;… Đồng thời, Bộ nên tổ chức mời các chuyên gia giáo dục để thành lập một ủy ban nghiên cứu và viết lại sách giáo khoa cho hợp lý hơn. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng giảm tải không đơn thuần là cắt một cách định lượng mà là sự cân đối thời lượng dạy và học để thực hiện tốt yêu cầu dạy làm người, dạy cách học cho học sinh. Quá trình chọn lọc nội dung chương trình sách giáo khoa phải làm rõ yêu cầu dạy làm người phù hợp với từng lứa tuổi HS, từ tiểu học với những hành vi nhân cách cụ thể, đến THCS với phương pháp tư duy khoa học, phương pháp tự học. Khi học sinh bước vào bậc THPT thì chương trình giảng dạy chú trọng phát triển năng lực tiếp nhận.

Để việc giảm tải thật sự hiệu quả, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, đề nghị: “Thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên tập trung nghe ý kiến của giáo viên để năm sau tiếp tục điều chỉnh bài dạy cho tốt hơn. Đồng thời phát động các chuyên gia, nhà giáo giỏi soạn những câu hỏi tình huống để rèn tư duy và tính năng cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ đưa những đề kiểm tra lớp 10, 11 và những đề thi lớp 12 theo kiểu tư duy thay vì phải học thuộc lòng.

Còn giáo sư Văn Như Cương thì cho rằng, chương trình học nặng chứ không phải sách giáo khoa nặng. Bởi vậy phải bỏ đi từng bài, thậm chí từng chương. Muốn làm như vậy, phải nghiên cứu rất kỹ. Có thể bỏ những chương không ảnh hưởng đến các môn học khác, không ảnh hưởng về sau. Việc giảm tải phải làm cẩn thận và mạnh dạn bỏ đi khoảng hơn 20% chương trình trong sách giáo khoa.
T. Trúc – B.Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét