Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Doanh nghiệp xăng dầu “bắt nạt” người tiêu dùng - (NLĐ)

Thứ Hai, 26/09/2011 11:05

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định như trên và cho rằng cần phải cải cách cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu

* Phóng viên: Là chuyên gia kinh tế cao cấp, bà nhìn nhận thế nào trước ý kiến khác nhau giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về giá xăng dầu?
- Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng đây là dịp tốt để xem xét lại toàn bộ việc tổ chức kinh doanh xăng dầu ở nước ta từ trước tới nay. Nếu được, nên tiến hành cải cách cơ bản về kinh doanh xăng dầu vì lĩnh vực này có rất nhiều bất ổn mà lớn nhất là không tạo được cơ chế thị trường.
Về danh nghĩa, có sự cạnh tranh giữa 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng thực tế là hoàn toàn không phải vậy vì 3 doanh nghiệp lớn chiếm tổng cộng 90% thị phần.
Tôi thực sự mong có một cuộc cải cách để sắp xếp lại hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo vệ lợi ích lớn hơn của nền kinh tế và người dân. Không thể để doanh nghiệp xăng dầu “bắt nạt” người tiêu dùng bao năm nay như vậy.
* Bà có cho rằng việc hai bộ quản lý Nhà nước, thậm chí Bộ Công Thương (đơn vị chủ quản) và doanh nghiệp đưa ra số liệu khác nhau về lỗ lãi càng cho thấy sự tù mù, thiếu minh bạch giá xăng dầu hiện nay?
- Bản thân Bộ Công Thương và doanh nghiệp cũng còn mâu thuẫn với nhau trong các số liệu giá cả thì không biết họ quản lý theo cách nào. Bản thân ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex, hôm trước còn nói là lỗ nhưng hôm sau lại báo lãi. Như vậy là không minh bạch.
Thời điểm này là dịp tốt để xem xét lại toàn bộ việc tổ chức kinh doanh xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH
Điều không minh bạch thứ hai là ông Bùi Ngọc Bảo nói rằng không xác định được lỗ lãi của từng mặt hàng xăng dầu bởi vì… tính gộp. Điều này thật phi lý vì bất kể người kinh doanh nào cũng phải tính toán cụ thể lỗ lãi của từng mặt hàng chứ đừng nói tới doanh nghiệp cỡ như Petrolimex.
* Gốc rễ của tình trạng thiếu minh bạch giá xăng dầu hiện nay là do sự độc quyền?
- Thông thường, những ngành kinh doanh độc quyền rất muốn tù mù vì minh bạch thì tất cả đều biết những con số thực và lợi ích riêng của họ được đặt lên trên lợi ích chung của xã hội. Vì thế, muốn kiểm soát độc quyền thì trước hết phải bắt họ minh bạch tối đa bằng cách yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp, niêm yết ra thị trường chứng khoán…
* Thưa bà, chúng ta đã thấy lợi ích to lớn từ sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông. Điều này giúp ích gì trong việc hình thành thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh?
- Cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông là bài học rất sáng giá cho việc phá bỏ độc quyền trong nhiều ngành ở nước ta. Ngay đối với bản thân doanh nghiệp độc quyền trước đây là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), sự cạnh tranh cũng vô cùng hữu ích. VNPT khó phát triển như hiện nay nếu không có sự cạnh tranh ban đầu từ Viettel và sau này là các doanh nghiệp viễn thông khác.
* Người hưởng lợi không chỉ có doanh nghiệp mà còn người tiêu dùng và cả nền kinh tế?
- Đối với nền kinh tế, giá cả các mặt hàng như xăng dầu ảnh hưởng rất mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước cũng như giá thành các ngành sản xuất kinh doanh khác.
Mặt khác, giá xăng dầu tăng cũng khiến các mặt hàng kém cạnh tranh hơn vì giá thành cao hơn. Vì thế, giá xăng dầu cạnh tranh là có lợi cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
Phạm Dương thực hiện

  • Phạm Khắc Tiến
    26/09/2011 00:24
    Từ lâu, tôi rất "mê" bà Phạm Chi Lan vì sự thông thái và những tâm huyết của bà đối với nền kinh tế nước nhà. Người am hiểu như bà mà cho rằng doanh nghiệp xăng dầu "bắt nạt" người tiêu dùng, thì những bức xúc của người dân về chuyện xăng dầu hoàn toàn có cơ sở. Phải chăng những ai có thế lực đang tiếp tay cho sự "tù mù" cũng đang gián tiếp bắt nạt người tiêu dùng? Mong Bộ Công thương có lời giải đáp thỏa đáng.
  • Đồng Quang Minh
    26/09/2011 03:07
    Bà Phạm Chi Lan nói quá đúng, phải cải tổ lại tổ chức kinh doanh xăng dầu để nhà nước và nhân dân được hưởng lợi. Có ai đi buôn bán mà lại không tính lỗ lãi cho từng mặt hàng, kể cả bà bán rau ở chợ quê? Thế mà Bộ Công thương còn bảo lãnh cho Petrolimex mới kỳ lạ. Thực ra họ làm "tù mù" thì cũng chỉ một nhóm lợi ích nhỏ buôn bán và quản lý xăng dầu được hưởng lợi kếch xù thôi, còn nhân viên bán xăng tại các cửa hàng có lẽ cũng chỉ có thu nhập khiêm tốn.
  • CÔNG DUY
    26/09/2011 03:39
    Quá nhiều người nói và nói quá nhiều, nhưng chẳng thấy ai làm được gì cả. Điều người dân cần nhất bây giờ là ai sẽ mạnh dạn đưa ra quyết sách để có cạnh tranh thật sự hầu mang lại lợi ích cho nước, cho dân. Xin đừng nói nhiều nữa. Hãy dũng cảm bắt tay vào làm đi...
  • Nguyễn Duy
    26/09/2011 04:05
    Chính phủ phá bỏ thế độc quyền về ngành Viễn thông. Bây giờ, ngành Viễn thông của mình đứng trong top đầu trong khu vực. Điện lực và dầu khí nước ta còn có điều kiện phát triển thuận lợi (vị trí địa lí có nhiều thủy điện, mỏ dầu...) hơn viễn thông nhiều, tại sao? Nếu phá vỡ thế độc quyền 2 ngành này, không bao lâu 2 ngành này sẽ phát triển vượt bậc và đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam.
  • trần công danh
    26/09/2011 07:04
    câu nói "những ngành kinh doanh độc quyền rất muốn tù mù vì minh bạch thì tất cả đều biết những con số thực" quá hay,quá đúng với thực trang của những cty kinh doanh độc quyền như hiện nay.mà tiêu biểu nhất là cty xăng dầu.họ tung ra rất nhiều quả mù để không cho ai còn biết đâu là thật đâu là giả.để từ đó họ thuận tiện và tự do trục lợi,đem lợi ích về cho riêng cho mình,nhưng lại thiệt hại cho nhân dân và đất nước thì rất lớn.củng đả đến lúc cần phải cải tổ cái cơ chế độc quyền quá củ kỉ,lạc hậu ,lỗi thời mà nếu cứ tồn tại thì chỉ có hại cho đất nước và nhân dân mà thôi.
  • Khánh Q.6
    26/09/2011 07:19
    Còn ngành điện lực nữa thì sao?. Làm sáng tỏ luôn đi.
  • Nguyen
    26/09/2011 07:41
    Các ông các bà nói rất hay, rất chí lý ,rất tâm huyềt ,khổ nỗi chỉ thấy toàn là nói là hứa, hứa từ cầu cống đường xá, vệ sinh đất đai, sông nước ,ô nhiễm càng lúc càng tệ, đường xá cầu cống, sau dăm tháng là tan nát, lún sụt.. Xin hãy làm nhiều hơn nói cho con dân nhờ.
  • Hulk
    26/09/2011 07:51
    "... muốn kiểm soát độc quyền thì trước hết phải bắt họ minh bạch tối đa bằng cách yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp, niêm yết ra thị trường chứng khoán…" Tôi không đồng ý với bà Phạm Chi Lan ở điểm này. Với đặc thù của ngành xăng dầu ở Việt Nam, muốn giảm độc quyền phải tách hoạt động kinh doanh của Petrolimex ra cho doanh nghiệp khác, tức là giảm phạm vi hoạt động của Petrolimex để tăng cạnh tranh. Nếu không làm được việc này thì phải thay đổi tiêu chí hoạt động của Petrolimex là phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ túi tiền của mình.
  • Minh Pháp
    26/09/2011 07:53
    Cần xóa độc quyền,  cho tất cả doanh nghiệp cùng đấu thầu đầu tư để đưa vào kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh như Viettel đối với ngành viễn thông. Thành lập một bộ quản lý  từ khâu nhập đến khâu phân phối, một tổ kiểm toán độc lập và kiểm tra định kỳ và ko định kỳ. Giải thể quỹ xăng dầu,  lập quỹ bình ổn năng lượng quốc gia, có biện pháp rừng trị thẳng tay những doanh nghiệp, cây xăng nào hoạt động gian dối.
  • Tư Ếch
    26/09/2011 07:59
    Đúng thế ! giá xăng dầu cạnh tranh là có lợi cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế , đến lúc đó người dân còn được hưởng khuyến mãi tặng 100% hoặc 50% giá trị khi đổ xăng . Mà các công ty xăng dầu vẫn báo cáo có lãi , như các mạng điện thoại di động hiện nay đó thôi . Khi còn ở thế độc quyền chẳng bao giờ nghe Vinaphone báo cáo có lãi , dù là cuộc đi hay gọi đến chủ thuê bao vẫn bị tính tiền cước . Còn bây giờ khuyến mãi tặng 100% rồi 50% lia lịa vẫn có lãi , nếu xăng dầu còn thế độc quyền thì người dân vẫn bị móc túi dài dài . Hy vọng luồng gió mới của Bộ tài chính sẽ đem lại cơn gió mát lành cho hàng triệu người dân chúng tôi
  • hung
    26/09/2011 08:11
    Xăng dầu lộng hành móc túi người dân ai cũng biết nhưng không làm gì được vì  được sự bảo kê.
  • TRUNG TRINH
    26/09/2011 08:11
    Tưởng đâu có xăng VN rồi thì dân được hưởng lợi chút ít, ai dè còn tệ hơn.
  • tran van hanh
    26/09/2011 08:20
    Phải mạnh dạn cải tổ, không thể nào chấp nhận được tình trạng độc quyền đang ngự trị bấy lâu nay.
  • hoang nguyen
    26/09/2011 08:51
    Đang chờ kết quả thanh tra.Hy vọng công bố cho người dân biết.
  • hoang
    26/09/2011 08:56
    Tốt nhất là lập Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội để cạnh tranh với Petrolimex . Giống như bên viễn thông,  lúc đầu ra viettel thì bị Vinaphone đì. Nhưng vì là quân đội, nên cuối cùng mới phá được thế độc quyền của Vinaphone.
  • Nhân Dân
    26/09/2011 09:13
    Lợi ích Nhà nước, lợi ích người dân, đang bị sự độc quyền, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lợi dụng để trục lợi, xâm hại nghiêm trọng. Không hiểu sao Nhà nước cũng là " nguyên đơn" mà thiếu quyết liệt khi đòi quyền lợi cho mình ?!
  • Nhân Dân
    26/09/2011 09:13
    Lợi ích Nhà nước, lợi ích người dân, đang bị sự độc quyền, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lợi dụng để trục lợi, xâm hại nghiêm trọng. Không hiểu sao Nhà nước cũng là " nguyên đơn" mà thiếu quyết liệt khi đòi quyền lợi cho mình ?!
  • TVT
    26/09/2011 09:27
    Đọc bài phỏng vấn ông thứ trưởng Bộ Công thương trên Vnexpres mà thấy ngán ngẩm. Tù mù giá cả là cách lấp liếm để trục lợi người tiêu dùng.
  • hoàng văn
    26/09/2011 09:42
    Doanh nghiệp xăng dầu còn mang tính độc quyền. Chuyện tính lỗ, lãi của mấy ông đó đưa cho mấy bà hàng rau cũng tính được. Nói chung là dân thiệt! cần phải minh bạch.
  • Minh
    26/09/2011 11:25
    Theo tôi biết thì các đầu mối nhập xăng dầu đều là công ty con của các quan chức Petrolimex, nên giá xăng dầu nhập về vn bao giờ cũng rất cao, nên các cty nói lỗ cũng có lý của nó. Còn cái lãi là các công ty con này hưởng, chỉ cần nâng giá nhập vào 10% thì với kim ngạch 5 tỷ usd thì các công ty con này ăn được 500 triệu usd = 10.000 tỷ vnd hàng năm rồi.
  • Tiếng Vang
    26/09/2011 11:51
    Về quyền của người tiêu dùng, điểm 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: Người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng mua và sử dụng. Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại tới tài sản của người tiêu dùng, tổ chức đó phải có trách nhiệm bồi thường theo điều 23 của Luật này. Cái khó là bồi thường theo cách thức nào thì hiện chưa có cơ chế rõ ràng. Vậy, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (VINASTAS): Hãy lên tiếng và ý kiến Bảo vệ người tiêu dùng VN đi chứ.
  • Trần Huỳnh
    26/09/2011 12:10
    Phải bóc tách đâu là lợi ích nhóm làm lũng đoạn thị trường xăng dầu để nhân dân chịu thiệt !
  • thanh tùng
    26/09/2011 12:43
    Bây giờ và không thể chậm hơn nữa việc tạo ra thị trường cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu ở việt nam . Đó là niềm mong ước của người dân vn , trước mắt là xăng sau đó là điện , thuốc chữa bệnh , nước sinh hoạt v...v và v....v .
  • Nhật Thiện
    26/09/2011 13:01
    Trong cuộc hội thảo về điều hành giá xăng dầu do Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh chủ trì. Tại hội thảo,đại diện Bộ Công Thương liên tục khẳng định tại thời điểm giảm giá xăng dầu ngày 26/8, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang bị lỗ,còn Tổng giám đốc Petrolimex khi được ông Huệ yêu cầu cho biết từng mặt hàng xăng dầu lỗ lãi ra sao thì ông không trả lời được,song cũng khẳng định là bị lỗ .Tuy nhiên, những lập luận thiếu cơ sở đã bị ông Huệ bác bỏ và nói rằng nếu cần công bố gian lận thì ông sẽ công bố gian lận .Ngay hôm sau hội thảo, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex lại nói là thời điểm giảm giá có lãi 500$/lít.Quản lý điều hành một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước ,có thị phần chiếm giữ hơn 60% lại có thể phát biểu trước sau bất nhất như vậy là không thể chấp nhận được,nếu không nói là ngụy biện thiếu trung thực .Nay thêm ý kiến phân tích của bà Phạm Chi Lan ,chuyên gia kinh tế cao cấp thì mọi việc đã rỏ,vì theo bà ,những ngành kinh doanh độc quyền rất muốn tù mù vì minh bạch thì tất cả đều biết những con số thực và lợi ích riêng của họ được đặt trên lợi ích chung của xã hội.Vậy mà không hiểu sao lãnh đạo Bộ Công Thương cứ khăng khăng đứng vế phía các doanh nghiệp, liên tục đưa ra những lập luận để chứng minh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ lũy tiến hàng ngàn tỷ đồng và đang có nguy cơ mất vốn nên không thể đảm bảo việc dự trữ ,cung ứng đủ nhu cầu được .Việc quản lý ,điều hành giá xăng dầu do nhà nước thực hiện ,người dân không thể nào hiểu được ,chỉ mong rằng các đoàn kiểm tra của Bộ Tài Chánh cần thực đầy đủ trách nhiệm của mình ,chí công-vô tư làm rỏ thực hư việc lỗ lãi như thế nào để người dân được biết.Xin nói rỏ ràng rằng :người dân cần sự minh bạch,chớ không nhất thiết yêu cầu phải được giảm giá xăng dầu ngay bây giờ .Chỉ mong những cấp lãnh đạo nhà nước được Đảng phân công và người dân tin tưởng giao phó điều hành Đất nước ,hảy đặt lợi ích của toàn người dân và Đất nước lên hàng đầu ,bất cứ ai làm ngược lại đều phải bị xử lý theo pháp luật.
  • nguyen manh
    26/09/2011 13:07
    Xăng dầu (Petrolimex, PVoil,XD quân đội), điện (EVN), Dầu khí (PVN)phải được cổ phần hóa và tách biệt giữa SX và kinh doanh thì mới hòng mong có minh bạch. Đơn cử Dầu khí(PVN) chỉ có hút dầu ( tài nguyên chung của quốc gia)mang bán lấy tiền rồi đầu tư cho các cty con của Dầu khí thì thữ hỏi ngành dầu khí làm sao không hơn các ngành khác ( báo VN đã đăng lương trung bình lao động trong dầu khí là 16 triệu đồng/tháng, còn các cấp lãnh đạo phải 80 triệu đồng/tháng), có thấy vô lý không ?
  • phạm dương
    26/09/2011 13:15
    Ở Mỹ có luật chống độc quyền, công ti nào mà độc quyền gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế thì hoặc phải chia tách ra để cạnh tranh hoặc không chia được thì nộp phạt hàng trăm triệu đô. Nước ta muốn có nền kinh tế thị trường để phát triển cho kịp thế giới thì nên làm như họ, mặc dù sẽ phải động chạm. Vấn đề có vì: một xã hội công bằng dân chủ văn minh hay không là ở đây đấy .
  • Nam
    26/09/2011 13:54
    DN" Anh ơi vẫn chưa giảm được vì còn lỗ" NN "ừ chú tính coi, thì anh có nói gì đâu" " Làm gì nhớ cẩn thận, nhớ chưa chú mày"
  • thucduong.com.vn
    26/09/2011 13:59
    "Bản thân ông Bùi Ngọc Bảo- Tổng Giám đốc Petrolimex, hôm trước còn nói là lỗ nhưng hôm sau lại báo lãi. Như vậy là không minh bạch ". Chuyện trẻ con đấy mà, nói sai mai nói lại có sao đâu". Đúng là bó tay...
  • lê phù sa
    26/09/2011 14:05
    Dân nghèo đang trả lương thưởng cao ngất ngây cho Dầu khí & Điện lực. Chỉ nói hiện tượng thôi nhé (còn thực chất cơ cấu thu chi như thế nào thì ai biết nói thêm coi): mặt bằng LƯƠNG mỗi CBCNV của 2 ông Dầu khí và Điện lực hơi bị khủng đấy, dân tình ai cũng nói vậy. Chưa kể BỔNG, THƯỞNG càng ngất ngây. Vậy mà toàn kêu lỗ. Thử hình dung 1 người dân bình thường è cổ trả tiền xăng xe, gas & điện, nghĩa là 2 món đó chiếm phần lớn chi phí trong cuộc sống của gia đình. Trong khi quá choáng với ông bà hàng xóm làm Dầu khí & Điện lực, lại còn kêu lỗ. Và họ hiểu rằng cái GIÁ CAO vô lý họ đang phải trả là để cho đồng lương thưởng của hàng xóm nhà mình cao ngất ngây.
  • ha
    26/09/2011 18:18
    Mong hai Bộ trưởng ngồi lại với nhau bàn bạc giá xăng, gas, điện, để NLĐ chúng tôi bớt khổ. Bàn bạc để cho ra giá đúng với giá thế giới chứ đừng thỏa hiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét