Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Bằng cấp giả mới chỉ là một vấn đề - (Dân Trí)


(Dân trí) - Hàng trăm bạn đọc đã thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ về vấn nạn bằng cấp giả và những hệ lụy khác của nền giáo dục nước nhà. Đa số thống nhất quan điểm: thà chịu đau một lần để "trị dứt bệnh" cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn...
 >>  Giáo dục Việt Nam: Học để thi
 >>  Hệ lụy đau lòng trước nạn “mua bán” bằng cấp
 >>  " Thầy xin em…"
Cũng với quan điểm đó, Lam hoangminhlam@live.com thổ lộ: “Cách đây 6 - 7 năm tôi cũng đi gia sư cho 1 cô bé học lớp 9. Trước khi vào dạy có hỏi qua bố mẹ cô bé xem học hành thế nào và được trả lời rằng: toán, lý học rất tốt chỉ có môn Hoá là hơi kém. Sau khi dạy được 2 buổi thì nhận ra 1 sự thật phũ phàng. Cô bé chẳng biết một cái gì cả, học như 1 con vẹt không suy nghĩ. Khi bắt làm 1 bài trong sách giáo khoa thì em ý bảo bài này đã làm ở lớp rồi, thế nhưng mình vẫn bắt làm lại thì không làm được. Hỏi ra mới biết ở lớp em chép của bạn. Còn môn Lý thì ôi thôi, học thuộc lý thuyết làu làu, nhưng bảo áp dụng vào bài thì không biết làm thế nào. Thế mà hàng năm vẫn đạt học sinh giỏi mới sợ. Trước đây tôi có đọc bài "Tại sao lại có “Chùa Thầy” và "Tại sao sinh viên phải đi “Chùa Thầy”, thấy rất thích. Bài này cho tôi cái nhìn đa chiều về vấn đề dạy và học ở Việt Nam.

Mong rằng các nhà quản lý  đọc những bài như thế này để tìm ra biện pháp giải quyết tận gốc rễ của vấn đề” – độc giả này nhấn mạnh.   

Hàng loạt bằng giả đã bị thu giữ và đang tiếp tục xác minh. (Ảnh: PLTPHCM)
 
Lã Đinh Hưng Yên Ladinh7@gmail.com phân tích: “Thực trạng đáng buồn không thể vui được vì:

Thứ nhất là cơ quan chủ quản là Bộ GDĐT cũng chưa có đường đi đúng với hướng của mình. Bộ không hề có văn bản nào hướng dẫn về cách thi và học tại các trường đại học, nên người không đỗ vào trường này lại đỗ vào trường khác. Đến khi ra trường đều là tốt nghiệp đại học nên như nhau.

Thứ hai mở quá nhiều trường đại học và cao đẳng nên cứ trượt trường này lại vào trường khác. Thật quá buồn, đến nay hầu như các trường đều không tuyển đủ sinh viên.

Thứ ba hiện tại chúng ta có bao nhiêu sinh viên ra trường đã được đi làm, còn bao nhiêu vẫn đi làm những việc mà hầu như không phải học cũng làm được. Trong số những người đi làm có bao nhiêu là làm đúng ngành mình học. Thực tế buồn hơn là nhiều giới chức không học gì cũng vẫn giữ ghế... Hiện nay bằng cấp là tiêu chí, nhưng có lẽ chỉ đúng là 'tiêu trí' thôi!”
 
Theo Nguyễn Lê Lenguyen@yahoo.com, thì đến giờ chưa chấm dứt được nạn bằng cấp giả là vì chúng ta chưa “bắt đúng bệnh":  “Tôi cho rằng, chúng ta nhận diện việc mua, bán bằng cấp giả chưa chính xác. Một người lính mà nhận diện mục tiêu mù mờ thì sao có thể bắn trúng vòng 10 được? Ai chạy, ai mua, ai bán bằng cấp? Nhiều vụ việc lắm rồi, vậy chúng ta xử lý được mấy người  (có lẽ chỉ 1 phần triệu)?

Cũng giống như chống tham nhũng. Xử lý cho được những kẻ mua bằng giả ấy khó lắm. Họ không chỉ có ô, dù, mà chủ yếu là những kẻ lo lót kín kẽ rồi, có mác hẳn hoi, đang đà thăng tiến... Thành ra, xử lý bọn họ là rất khó. Mà ai xử họ chứ? Chẳng có anh dân đen nào to gan lớn mật dám làm đâu, đụng vào họ là mình chết trước...

Tôi xin nói rõ thêm, có một nơi xem ra bán bằng giả rất phổ biến, thịnh hành... mà còn được đủ mọi thứ.! Đó là những ngôi trường được phép mở hẳn hoi, nhưng chỉ dạy - học qua loa, rồi tìm mọi cách để học sinh có được bằng. Ngay cả một số khoa của các trường CĐ, ĐH cũng thế, học càng lên cao thì tiền mua tất nhiên càng đắt. Những cái học giả mà bằng thật ấy mới càng nguy hiểm vô cùng. Khổ nỗi ai cũng biết mà hình  như không ai có trách nhiệm để chấn chỉnh, sửa đổi...." 
 
Trong khi đó, Nguyễn Mạnh Hùng nmhung51@yahoo.com lý giải nguyên nhân bằng cấp giả "phải tồn tại" vì những lý do: “Các vị đang có một chức nào đó thì lại muốn leo cao hơn, họ cần bằng cấp... Tôi đang học thạc sĩ mà cũng thấy nản chí quá. Ngay tại quê tôi Lạc Đạo - Văn Lâm - Hưng Yên, một vị bí thư xã muốn giữ cho cái ghế của mình mới ngày nào từ trình độ cấp tiểu học, đến nay đã có bằng đại học. Tôi phải công nhận giỏi thật. Tôi phải học hành 16 năm trời thi thố vất vả mới có cái bằng cử nhân đại học, thế mà người ta chỉ cần tốt nghiệp lớp 5 rồi 7 năm sau đã có bằng đại học. Siêu thật...”
    
Còn nguyễn xuân thịnh: thinh0508@yahoo.com lý giải nguyên nhân dẫn đến chảy máu “chất xám” vào các công ty nước ngoài: “Mình hiện giờ cũng là sinh viên đại học và mình cũng muốn học thạc sĩ, nhưng không phải vì đam mê mà là vì công việc cần có nó. Thử hỏi các nhà tuyển dụng nếu không luôn yêu cầu bằng cấp cao thì làm sao có chuyện mua bằng?  Đầu vào các trường đại học thì thấp, sinh viên vào không đủ khả năng theo học nhưng lại muốn điểm cao, vậy thì lại phải 'chạy' điểm. Trong lớp mình học có 80 người nhưng trong đó gần 1 nửa là đi học vì cái bằng mà thôi. Công việc đã có bố mẹ lo cho rồi, vì đơn giản thời nay có tiền là được. Sinh viên ta có câu:  
“Đừng tự hào vì mình nghèo mà học giỏi
Hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo”
Tuy nhiên không thể phủ định những bạn sinh viên giỏi thật sự. Nhưng những bạn đó chắc chỉ xin được việc trong các công ty nước ngoài hoặc tư nhân mà thôi”

Nick suy ngẫm: buon@gmail.com bức xúc: “Tôi vừa học xong cao học ở nước ngoài. Muốn về Việt Nam đi làm. Nhưng đâu đâu họ cũng đòi bằng cấp cho cao. Tôi thấy buồn. Vì sao các nước có nền khoa học tiên tiến, kinh tế phát triển họ lại sử dụng tương ứng giữa bằng cấp và nghề nghiệp? Tại sao chúng ta lại lãng phí cả về tiền, thời gian, nhân lực, tài năng của người lao động đến thế? Đi đâu, cũng gặp ông tiến sĩ này, ông giáo sư nọ. Và cũng không thiếu người bằng đỏ đại học, bằng cao học phải đổi nghề, thất nghiệp...”

xuanthi: xuanthi@gmail.com nếu thực trạng đang diễn ra kèm kiến nghị: “Hiện nay đang có chủ chương chuyển đổi giáo viên thường thành giáo viên cao cấp ở các huyện thị, mà một trong những  yêu cầu bắt buộc là GV phải có bằng B tiếng Anh. Thực trạng đang diễn ra là họ đang đua nhau đi mua bằng B tiếng Anh. Mà “họ” ở đây toàn là lãnh đạo các phòng các sở giáo dục hoặc lãnh đạo các trường học, tôi biết họ chưa qua một lớp học nào về tiếng Anh, vậy mà vẫn ngang nhiên có bằng B (?)

Thử hỏi chính các thầy cô còn như thế thì chống tiêu cực ở đâu? Đề nghị Bộ GDĐT xem xét thật nghiêm túc vấn đề này để giữ kỉ cương và dẹp những chuyện tiêu cực trên. Những người đã được xét chuyển cần rà soát lại để chuyển cho đúng. Chúng tôi đang chờ xem Bộ sẽ xử lí ra sao...”

“Làm sao các du học sinh dám trở về nước? Bạn học thật giỏi, bạn được đầu tư thật nhiều về tiền của cũng như thời gian từ gia đình. Bạn đi du học, bạn trở về cũng chỉ là một kỹ sư và sánh vai với “những kỹ sư khác”. Bạn không quen chạy vạy, làm công ty nhà nước lương thấp quá, không vị thế gì, không sống nổi. Đi làm kỹ sư bán hàng cho các công ty nước ngoài, cái bằng du học vứt đi. Bạn “điên” hoặc “khùng” mà trở về!

Tôi là một du học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài về và được học bổng nhà nước 100%. Cuộc đời đi học tôi cũng có tiếng là giỏi, nhưng đã 20 năm ra công tác rồi, chưa bao giờ tôi thấy cơ quan nói: Bạn ơi hãy nghiên cứu cho tôi cái a, cái b, cái c ... Chán lắm các bạn ạ” - trăn trở của Triệu Chí Trung: ficbrewery@yahoo.com nói thay tâm trạng nhiều người con xa xứ trở về trước cơ chế việc làm và đãi ngộ trong nhiều cơ quan ở nước ta hiện nay...

 Trần Bách

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét