(CATP) Tình trạng buôn bán bằng giả đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Mặc dù bị lên án, phê phán nhưng ma lực của chiếc bằng giả vẫn khiến nhiều người lóa mắt, tự biến mình thành những kẻ tiếp tay cho nạn buôn bán bằng giả ngày càng lộng hành. CẦN LÀ CÓ Nắm được nhu cầu cần bằng cấp của nhiều người, các “cò” không ngần ngại tung ra đủ chiêu, kể cả nhắn tin qua điện thoại, email như một món hàng bình thường đem rao bán khắp nơi. Thấy điện thoại báo có tin nhắn lạ, cô bạn đồng nghiệp của tôi tò mò mở lên xem: “Nếu anh/chị có nhu cầu mua bằng TOEIC, TOEFL, bằng cấp ba, đại học vui lòng liên hệ với mình, giá cả phải chăng, bảo đảm bằng thật 100%”. Để tìm hiểu, tôi gọi cho số điện thoại nọ thì được yêu cầu phải chuyển khoản trước 10% số tiền để đặt cọc rồi mới tiến hành làm. Khi tôi ngỏ ý mua một bằng đại học chuyên ngành Báo chí Truyền thông của trường Đại học KHXH&NV TPHCM, đầu dây bên kia ra giá 20 triệu đồng, không quên nhấn mạnh: “Chị cứ yên tâm, bảo đảm bằng thật 100%, có bảng điểm, hồ sơ gốc đầy đủ. Nhưng chị phải chuyển khoản trước 2 triệu đồng tiền cọc, sau khi nhận được tiền bọn em sẽ cho người liên hệ với chị để lấy hình, thông tin và 30% số tiền. Phần còn lại sẽ thanh toán đủ khi giao bằng”. Tôi thắc mắc, nếu chuyển khoản mà không có hóa đơn hay giấy tờ thì lấy gì đảm bảo. Đầu dây bên kia, người đàn ông gằn giọng: “Làm bằng kiểu này phải tin nhau thôi, không tin thì không làm. Nếu chị sợ thì làm thử chứng chỉ Anh văn hay vi tính, giá rẻ chỉ có 800 ngàn đồng rồi làm bằng đại học sau”. Khi thấy tôi ngỏ ý muốn hẹn gặp, anh ta ngần ngừ rồi cho biết đang ở tận Cần Thơ. Dạo qua một số trang mua bán trên mạng, chúng tôi thấy khá nhiều thông tin nhận làm bằng giả, công khai cả số điện thoại. Tất cả đều quảng cáo “bằng thật 100%, đầy đủ hồ sơ gốc”, thậm chí có chỗ còn bao sao y công chứng, nếu mất có thể cấp lại... Giá cả của các loại bằng cấp này cũng khá chênh lệch, rẻ nhất là chứng chỉ Anh văn, vi tính văn phòng từ 500 ngàn đồng đến dưới 1 triệu đồng. Còn lại các loại bằng cấp ba, bằng đại học thì dao động từ 5 triệu đến 20 triệu đồng tùy theo ngành “hot” và trường “top”. TIỀN MẤT TẬT MANG Khi công ty yêu cầu tất cả nhân viên nộp lại bằng cấp để kiểm tra và bổ sung hồ sơ, chị T.L.K (ngụ Q6) rất lo lắng vì chứng chỉ Anh văn của chị đã bị thất lạc khá lâu. Nghe một người bạn rỉ tai về dịch vụ làm chứng chỉ giả cấp tốc chỉ mất 5 ngày, chị K. nhanh chóng nhận lời. Sau khi đưa cho một người tên C. (ngụ Q.Tân Phú) 1,2 triệu đồng, tuần sau chị nhận được một chứng chỉ B Anh văn xếp loại khá do một trung tâm ngoại ngữ tận Hà Nội cấp. Chị K. vội đem tới nộp cho công ty. Không ngờ một tháng sau, chị bị ban thanh tra công ty mời lên yêu cầu tường trình về việc sử dụng bằng giả. Cũng vì nóng lòng muốn có một tấm bằng đại học, anh N.H.L đã phải “ngậm quả đắng” vì gặp trúng kẻ lừa đảo. Cuối tháng 8, công ty anh L. có đợt thanh tra, bổ sung hồ sơ dành cho các trưởng phòng. Do trước đây chỉ học hết trung cấp nhưng trong bản khai với công ty anh L. vẫn ghi trình độ đại học. Khi công ty yêu cầu nộp bằng, anh L. vội vã lên mạng để tìm mua một tấm bằng đại học. Qua nhiều lần tìm kiếm, anh liên lạc được với một người tên Hưng (ngụ Q2) và đồng ý mua một tấm bằng Đại học Bách khoa giá 22 triệu đồng. Anh L. đưa trước cho Hưng 7 triệu đồng, số còn lại thanh toán sau khi nhận bằng. Một tuần sau, Hưng gọi điện báo với anh L. do Bộ Giáo dục kiểm tra gắt gao nên rất khó cấp bằng và yêu cầu anh L. đưa thêm 7 triệu nữa. Đã lỡ “leo lên lưng cọp”, anh L. đành đưa tiền tiếp cho Hưng. Nhưng sau đó số điện thoại của Hưng không liên lạc được. Anh L. vội tìm đến nơi Hưng ở thì chủ nhà trọ cho biết y đã dọn đi đâu không rõ. Ngày 21-8, Công an phường Bình Hòa, TX. Thuận An, Bình Dương phối hợp cùng tổ bảo vệ dân phố, Đội phòng chống tội phạm phường Bình Hòa bất ngờ kiểm tra hành chính tại phòng trọ số 5 cơ sở trọ ở KP. Bình Đáng, P.Bình Hòa do Nguyễn Văn Tôn (28 tuổi) và Phạm Huy Bảo (21 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) thuê trọ. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện các thiết bị in bằng giả như máy scan, máy ép nhựa, mực in... và nhiều chứng chỉ giả đã được làm xong. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - Trưởng khoa Báo chí Truyền thông trường Đại học KHXH&NV TPHCM, dù bất kì trường hợp nào cũng không nên sử dụng bằng giả vì chỉ cần một cuộc điện thoại kiểm tra tại trường cấp bằng sẽ phát hiện ra ngay. Không có bất kì loại bằng giả nào có hồ sơ gốc hay bảng điểm thật như lời các “cò” vẫn rao bán. | ||
TƯỜNG VI - NGUYỄN HUÂN | ||
Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011
Bằng cử nhân báo chí giá... 20 triệu đồng - (CA TP. HCM)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét