TP - “Trong gia đình, người lớn thường áp đặt trẻ con. Ngoài xã hội, cấp trên áp đặt cấp dưới, không thích cấp dưới cãi mình. Cái đó tạo thành một sức ì của cả xã hội, len vào trong nhà trường” - GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội từng thốt lên như vậy.
Ảnh minh họa. |
Cách học thầy giảng giải - trò ghi nhớ, thầy đọc - trò chép vẫn tồn tại phổ biến. Một phụ huynh phàn nàn, làm văn, cô giáo gợi ý mùa thu trời bắt đầu se lạnh, lá cây ngả màu vàng, cậu học trò viết lá cây màu đỏ, màu nâu, cô giáo bảo sai. Tả về mẹ, cô gợi ý mẹ rất chăm đi chợ nấu ăn, chăm sóc cả nhà, mẹ rất yêu thương em. Cậu ta tả mẹ thường la mắng, cáu gắt mỗi khi em bị điểm kém, cô trừ điểm !
Trái với phương pháp giáo dục cũ hạn chế tư duy sáng tạo, giáo dục hiện đại cho rằng phải khơi dậy tư duy sáng tạo ở trẻ. Theo GS Hồ Ngọc Đại, thầy là người thiết kế - trò là người thi công. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại đưa ra nguyên tắc vàng: Học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, nhờ vậy mà phát triển tư duy, nhờ vậy mà trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này.
Nguyên tắc vàng cấm thầy đưa đến cho học sinh sản phẩm làm sẵn, bắt học sinh ghi nhớ. Tiếc là hiện nay, những gì khơi gợi các em sáng tạo chưa nhiều. Ngành giáo dục có cố gắng, nhưng chưa bứt phá. Công nghệ học ít thay đổi, nếu có chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Cuộc chạy đua thành tích đã làm méo mó mục đích cao cả của giáo dục. Nạn học thêm tràn lan ở mọi cấp, học đủ loại sách tham khảo mà thống kê còn nhiều hơn SGK, ngay từ khi các em bước vào lớp 1. Cả xã hội cuốn theo cuộc đua tranh, nhưng chất lượng giáo dục lại giảm sút. Cuộc đua chắc chắn không đưa các em tới thành công sau này, bởi nó không cho các em một tư duy sáng tạo.
Đừng bắt các em nhồi nhét kiến thức chỉ vì để có điểm số cao nhưng lại trống rỗng về cảm xúc. Không ai phủ nhận những người độc lập trong tư duy là những người có sáng kiến, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm và có bản lĩnh để đi đến thành công.
Nguyễn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét