TPO - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Trưởng khoa tiếng Anh - Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa được Microsoft vinh danh là một trong 50 giáo viên xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ trong lễ vinh danh của Microsoft. |
Đây là danh hiệu nằm trong khuôn khổ chương trình “Đối tác giáo dục Microsoft” - một trong những chương trình giáo dục có uy tín, nhận được nhiều sự cổ vũ trên toàn cầu.
“Sau cuộc thi tuyển từ hơn 500 giáo viên được công nhận là giáo viên sáng tạo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tại trụ sở Microsoft tháng 5-2011, tôi được giám đốc chương trình thông báo là một trong 50 người được chọn vì có những điểm gây ấn tượng mạnh đối với ban giám khảo”.
Điều gây ấn tượng mạnh mà thầy Vũ nói đến là Ed Quiz – phần mềm quản lý, tạo vào trộn đề thi trắc nghiệm trên giấy, có thể dùng cho tất cả các môn học. Đây được đánh giá là công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả, thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động kiểm tra và đánh giá.
Partners in Learning Institute (Chương trình đối tác giáo dục) là chương trình tập huấn nhằm phổ biến các hoạt động giảng dạy và học tập sáng tạo trên toàn thế giới. Chương trình giúp cho những giáo viên được lựa chọn truyền đạt lại cho những giáo viên khác những phương pháp giảng dạy hiệu quả sử dụng CNTT trong lớp học và giúp học sinh tiếp thu những kĩ năng quan trọng của thế kỉ 21, cũng như kĩ năng tư duy phản biện, kĩ năng sử dụng CNTT và kỹ năng cộng tác. |
Đối với nhà trường, Ed Quiz Server giúp giảm chi phí in ấn, tổ chức thi cử và thời gian chấm thi.
Ngoài phần mềm Ed Quiz được UBND TPHCM trao giải nhì “Sáng tạo kỹ thuật và sáng chế” trong lĩnh vực giáo dục (tháng 6- 2010), một sản phẩm khác của thầy Vũ là Ed Toefl iBT – phần mềm hỗ trợ các thầy cô giáo tổ chức và xây dựng tài liệu tiếng Anh cho học thi chứng chỉ Toefl iBT - cũng được nhận giải khuyến khích của ban tổ chức và giấy khen của Sở giáo dục TPHCM.
Hiện, những phần mềm do thầy Vũ phát triển đang được lưu hành rộng rãi trên mạng Internet và được sử dụng tại nhiều cơ sở trên cả nước.
Theo thống kê số lượng download, phần mềm Ed Quiz đang dẫn đầu trên trang web của mạng giáo viên sáng tạo “Microsoft Partners in Learning”. Nó có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ kiến thức cho học sinh ôn tập trước mỗi kỳ kiểm tra, thi cử.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ. |
Không những sử dụng công trình nghiên cứu của mình vào công tác dạy học, thầy Vũ còn ứng dụng thêm một số phần mềm làm phim, nhạc, ảnh… của Microsoft trong những giờ lên lớp để hướng dẫn học viên của mình. Đặc biệt, thầy triển khai phương pháp dạy các bộ môn tại khoa Anh Đại học Sư phạm TPHCM theo mô hình e-learning, kết hợp "mặt đối mặt" và trực tuyến, được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay.
Những phương pháp dạy học tiên tiến của thầy Vũ được đông đảo sinh viên tiếp nhận và hưởng ứng. Theo số liệu trong một báo cáo khoa học của thầy Vũ, có đến 87% học viên thích thú với phương pháp dạy và học kiểu này.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ sinh năm 1981 tại Ý Yên, Nam Định. Năm 10 tuổi, thầy Vũ cùng gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống. Ít ai biết rằng, cậu bé Nguyễn Ngọc Vũ từng phải vật lộn với môn tiếng Anh ngày nhỏ, giờ đã trở thành trưởng khoa tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm TP HCM và là một trong 50 giáo viên được Microsoft vinh danh. Ngoài tiếng Anh, thầy cũng biết thêm tiếng Pháp và tiếng Trung. Tháng 6 – 2009, thầy Nguyễn Ngọc Vũ nhận học vị Tiến sĩ. |
Lấy ví dụ về điều này, Tiến sĩ Vũ cho rằng, nếu trong tiết học lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ, thay vì cho học sinh, sinh viên xem các hình ảnh, đoạn phim về chiến dịch, giáo viên có thể chia lớp thành nhóm, rồi phân công tìm tài liệu, hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, từ những tư liệu tìm được, giáo viên hướng dẫn các em làm thành một đoạn phim bằng các phần mềm đơn giản như Windows Movie Maker…
Sau đó, trình chiếu những sản phẩm của các em cho cả lớp xem và nhận xét. Nếu được thì cho các em upload phim lên Youtube.
“Đó là cách để các em ứng dụng CNTT vào môi trường học tập, từ đó, sẽ tiếp thu được những kỹ năng cần thiết như khả năng trình bày vấn đề, giao tiếp, khả năng xử lý thông tin, chắt lọc tài liệu, khả năng tư duy phản biện. Đó đều là những kỹ năng cần thiết cho môi trường làm việc thế kỷ 21”.
Trường Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét