Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học: “Chưa đáp ứng được yêu cầu”

Thứ Năm, 22/09/2011 11:24

(TT&VH) - Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), đến nay, luật đã được dự thảo đến lần thứ 4. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong dự thảo vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. TT&VH đã có cuộc trao đổi với GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Theo GS Đào Trọng Thi, nếu chỉ dừng như Luật Giáo dục là không có bước tiến. Luật GDĐH phải cụ thể hóa Luật Giáo dục. Đã là luật thì phải thể chế hóa những chủ trương chính sách thành luật pháp, tạo hành lang pháp lý để chính sách đi vào cuộc sống.
Có thể thấy, dự thảo luật lần này đã được hoàn chỉnh, có bước tiến rõ rệt so với dự thảo lần trước. Dự thảo đã đề cập được hầu hết những vấn đề lớn và quan trọng của giáo dục đào tạo. Tất nhiên, quan điểm ban soạn thảo và ban thẩm tra còn nhiều khác biệt. Qua các hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia mong muốn luật này giải quyết được những vấn đề lớn của GDĐH, phải có bước tiến lớn, nhưng dự thảo luật này chưa đáp ứng được yêu cầu ấy.
* Vậy theo ông, để đáp ứng được các yêu cầu này, Luật GDĐH cần bắt đầu từ đâu?
- Luật mà không khắc phục được bất cập thì không thành công, nhưng tôi không kỳ vọng quá cao là có thể khắc phục được triệt để. Phải chấp nhận chúng ta đang trong quá trình giải quyết những bất cập và phải tiến từng bước một, và phải căn cứ vào những vấn đề lớn của giáo dục.
Ví dụ phải phân loại mô hình tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục, không đánh đồng. Có thể phải đầu tư hơn cho một số đơn vị trọng điểm. Muốn giải quyết được bài toán phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì khâu đột phá là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, sự phân tầng các cơ sở đào tạo đặt ra cấp bách. Đó là vấn đề lớn chúng tôi quan tâm.
Hiện chúng ta đang chạy theo số lượng mà không đảm bảo được chất lượng.
Nhà nước đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục còn xã hội đầu tư 8% GDP. Tỷ lệ cao nhưng con số tuyệt đối, tức số đầu tư trên đầu người học, còn nhỏ. Đầu tư cho giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thanh thiếu niên chưa đủ chỗ học trong các nhà trường. Chất lượng đào tạo thấp vì đầu tư yếu. Nhu cầu học tập của nhân dân rất căng thẳng. Chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu học của người dân nên cần phát triển quy mô, nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Giáo sư Đào Trọng Thi
* Nhưng mục tiêu của GDĐH là tiến tới tăng quy mô để đáp ứng được nhu cầu đi học của người dân. Theo ông, Luật GDĐH cần làm cách nào để giải quyết mâu thuẫn giữa việc tăng quy mô và đảm bảo chất lượng?
- Muốn giải quyết nhu cầu học của người dân, Nhà nước đã cố hết sức, chỉ còn hy vọng phát huy nguồn lực xã hội. Do đó, phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa GDĐH. Nhưng khu vực ngoài công lập đã phát triển đúng mục tiêu của xã hội hóa là huy động nguồn lực ngoài ngân sách hay chưa? Có thể thấy hiện nay ở các trường, nguồn đầu tư mới vẫn ít, vẫn khai thác những gì Nhà nước đang có như đội ngũ thầy giáo đi thuê từ trường công lập. Đó là cái cần chấn chỉnh. Quan trọng hơn phải thể hiện quan điểm như một nguyên tắc trong Luật Giáo dục: phải khuyến khích các cơ sở ngoài công lập hoạt động phi lợi nhuận.
Bên cạnh đó, để tránh biểu hiện thương mại hóa, phải có quy định nếu hoạt động vì lợi nhuận thì chỉ ở một mức độ hợp lý. Khó có thể thu hút nhà đầu tư mà không thương mại hóa, nhưng lợi nhuận đó đến đâu? Đó là vấn đề lớn. Ban soạn thảo chưa đáp ứng được đến yêu cầu của ủy ban thẩm tra về điều này.
* Muốn xã hội hóa GDĐH, cần tăng cường tự chủ cho các trường hơn nữa. Dự thảo luật đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cũng là giải pháp phát huy tính sáng tạo, năng động của các trường, tạo động lực cho nâng cao chất lượng đào tạo. Nó tạo cơ chế để phát huy nguồn lực từ xã hội. Ngành giáo dục của chúng ta nói chung và đại học nói riêng còn chậm chạp trong việc này so với các ngành khác. Ngành vẫn thực hiện kiểm soát chặt chẽ chứ không giám sát, làm giảm sự năng động của các trường trong khi chính sự năng động ấy cũng là một nguồn lực.
Hai bên, ban soạn thảo và ủy ban thẩm tra đã gặp nhau về việc các đơn vị cần tự chủ nhưng mức độ tự chủ thế nào, cách giao quyền như thế nào vẫn còn đang là vấn đề cần trao đổi.
Nhìn chung, ban soạn thảo cũng đã căn cứ vào thực tế hoạt động của ngành và chúng tôi cũng không kỳ vọng quá cao. Tuy nhiên, mức độ giải quyết các vấn đề trong dự thảo hiện nay chúng tôi đánh giá còn ở mức độ thấp.
* Xin cảm ơn Giáo sư!
Hoàng Tuấn (thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét