(VOV) - Thực trạng này sẽ kéo theo nguy cơ phá sản của một trong những mục tiêu quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 2, nhiều ngành học thuộc khối sư phạm ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng có quá ít thí sinh đăng ký, nên đang đối mặt với nguy cơ không mở được lớp. Một số trường sư phạm đang tính tới việc phải mở thêm nhiều ngành đào tạo ngoài sư phạm, theo nhu cầu xã hội để đảm bảo kinh phí hoạt động.
Các trường sư phạm được đánh giá nơi đào tạo ra những “cỗ máy cái” và lực lượng giáo viên chính, là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong tương lai. Nếu kéo dài thực trạng này, ngay từ bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy trước nguy cơ phá sản của một trong những mục tiêu quan trọng nhất, liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Thông tin nhiều trường đại học không tuyển được sinh viên ngành sư phạm, đang tính tới việc mở các chuyên ngành đào tạo ngoài sự phạm khiến nhiều người giật mình. Một số trường đưa ra giải pháp chữa cháy là: sinh viên học bất kỳ ngành nào, miễn là có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm 6 tháng, có thể trở thành thầy giáo, cô giáo. Trong khi lẽ ra, sinh viên sư phạm phải được đào tạo một cách bài bản suốt 3 - 4 năm, với nhiều môn đặc trưng như Tâm lý giáo dục hoặc phương pháp giảng dạy…
Mấy năm gần đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã nói rất nhiều đến quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học. Nhưng xem ra khâu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm, khâu then chốt nhất để có những giáo viên dạy giỏi thì chưa có giải pháp mang tính đột phá.
Còn nhớ cách đây hơn chục năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo có quy định khuyến khích học sinh lớp 12 thi đạt giải quốc gia môn học nào thì được vào thẳng Đại học sư phạm của chuyên ngành thuộc môn học đó. Những học sinh được vào đội tuyển quốc gia mà không được giải thì được vào thẳng Cao đẳng sư phạm. Kết quả là nhiều trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, trong đó Đại học Sư phạm 1 Hà Nội - đơn vị đào tạo ngành sư phạm quy mô lớn của cả nước, thu hút được khá nhiều sinh viên giỏi, nhất là ở các môn Văn và Toán. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng hiện nay, những giáo viên giỏi nhất ở các địa phương đều là các giáo viên được đào tạo từ chính sách khuyến khích vào thẳng này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, biện pháp khuyến khích vào thẳng không còn được áp dụng. Các học sinh giỏi đạt giải quốc gia chỉ được cộng điểm, khi thi vào bất cứ trường nào. Vì không có sự khuyến khích vào thẳng, nên các em học sinh giỏi khi ôn thi đại học không mặn mà với ngành sư phạm. Bên cạnh đó, vì chưa có chính sách khuyến khích người tài, nên vấn đề đãi ngộ với giáo viên chưa thực sự chịu áp lực cao của nhu cầu phải đổi mới, để giữ chân người tài như những ngành khác. Trình độ của giáo viên đa số là bình bình, thậm chí nhiều thí sinh học lực không khá, đã chọn thi vào sư phạm như một lựa chọn an toàn, nên bằng lòng với mức lương hiện nay.
Từ trên xuống thì tư duy quản lý không đột phá. Từ dưới lên thì đa số bằng lòng với mức sống phù hợp với năng lực cỡ trung bình, công nghệ “đào tạo nguồn nhân lực” trước yêu cầu thực tế là phải có những bước tiến rất nhanh và mạnh, thì chỉ bình bình, tà tà chuyển động. Những vòng tròn luẩn quẩn từ cùng một tâm điểm thiếu giáo viên chất lượng cao đã tồn tại từ nhiều năm nay, đang tiếp tục lan rộng và làm nóng thêm sự bức xúc của công luận và đời sống xã hội.
Nhiều người lo ngại rằng, ngành giáo dục đang lúng túng không biết bắt đầu đổi mới mạnh mẽ từ đâu cho hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chịu khó học lại những bài học từ ông cha, chúng ta sẽ tìm được lời giải. Cha ông ta đã dạy “Không thầy, đố mày làm nên”, nên thiết nghĩ, nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục đào tạo phải bắt đầu từ việc đổi mới chế độ chính sách để hút được những người giỏi nhất vào ngành sư phạm.
Dư luận rất mong, sau khi kết thúc mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có ngay những động thái để tránh lặp lại tình trạng không đủ sinh viên sư phạm trong mùa tuyển sinh năm tới. Có như thế, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong tương lai mới tránh được cái kết phá sản mà ngay từ bây giờ chúng ta đã có thể lường trước được./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét