TT - “Mỗi năm, cứ vào đầu tháng 9 là lòng tôi lại nóng như lửa đốt vì mùa tựu trường. Buổi sáng tinh mơ hôm ấy, tôi chạy xe đến trường mà lòng đầy lo âu: không biết hôm nay phải đóng hết bao nhiêu tiền, nào là tiền đồng phục, tiền quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, tiền cơ sở vật chất, tiền học vi tính, tiền học phụ đạo...” - một người bạn tôi đã nhại bài “Tôi đi học” nổi tiếng của Thanh Tịnh thành “Tôi đi họp” để kể về nỗi lòng của phụ huynh khi đi họp đầu năm cho con.
Quả tình, cứ vào đầu tháng 9 hằng năm là những lời than thở về tiền trường, tiền lớp cho con cứ nỉ non vang lên. Thời điểm này, tràn ngập trên báo chí là những bài viết tấn công chuyện trăm thứ tiền đầu năm học. Lời than thở của phụ huynh là đúng, bởi cứ lấy lương nhà nước trả cho công nhân viên chức mà so với các loại tiền trường - trường công lập của Nhà nước hẳn hoi - mới thấy vèo một cái là mất đứt một tháng lương.
Nhưng nhiều bạn tôi làm công tác quản lý giáo dục cũng than không kém phụ huynh! Một anh là hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, TP.HCM kể khổ: “Thời buổi này mà thu tiền học phí 15.000 đồng/học sinh/tháng theo quy định thì quả là lạc hậu. Trường tôi có khoảng 1.200 học sinh, mỗi tháng thu được 18 triệu đồng từ tiền học phí. Trong đó, quy định 40% (7,2 triệu đồng) phải để riêng ra, không được đụng đến nhằm phòng ngừa những lúc tăng lương!? 15% (2,7 triệu đồng) dành cho cơ sở vật chất. 10% (1,8 triệu đồng) hỗ trợ các hoạt động dạy học. Chỉ có 35% (6,3 triệu đồng) dành cho việc chăm lo giáo viên.
Trường tôi có 75 giáo viên, nhân viên nên trung bình mỗi người chỉ nhận được từ khoản thu học phí chưa đến 100.000 đồng/tháng! Cứ nhìn vào con số 1,8 triệu đồng/tháng dành cho việc hỗ trợ dạy học thì đủ thấy rằng nếu không “đẻ” ra nhiều khoản thu khác làm sao lo nổi cho những chi phí vào loại tối thiểu. Ví dụ mỗi tháng mua 30 hộp phấn viết bảng không bụi cho 30 lớp đã hết 1/3 số tiền. Vô vàn những yêu cầu nâng chất lượng dạy học bằng các tiết học ngoại khóa, mời chuyên viên giáo dục kỹ năng sống cho các em, giáo án điện tử... thì không thể nào đủ tiền chi, nên phải dựa vào quỹ phụ huynh là điều bắt buộc. Vật giá cứ leo thang từng ngày, mà quy định học phí 15.000 đồng/tháng đã 11 năm không đổi thì thật phi lý”.
Một chị bạn cũng là hiệu trưởng một trường THCS bức xúc nói thêm: “Quy định thu mỗi học sinh 40.000 đồng/tháng cho việc học buổi thứ hai cũng đã quá lỗi thời rồi. Mỗi một tiết dạy cho buổi học thứ hai này, một giáo viên chỉ được 25.000 đồng. Trong khi đó, các trung tâm bồi dưỡng ngoài giờ trả 70.000-150.000 đồng/tiết. Giáo viên nào cũng kêu khổ, bảo phải nuôi con, lo cho cha mẹ mà sao cứ 25.000 đồng/tiết mãi thế này. Hiệu trưởng như tụi tui đúng là trên đe dưới búa, bên hông đập vào! Trên thì cứ mãi giữ nguyên mức thu lạc hậu và ra sức cấm đoán thu thêm; dưới là giáo viên càm ràm vì họ cũng phải sống chứ không thể hít thở khí trời để tồn tại; bên hông thì phụ huynh mắng trường lạm thu”.
Cái sự lạ của giáo dục nước ta (và hình như thêm cả ngành y tế) nằm ở đó. Những người quản lý kêu phải tăng mức thu là đúng, và người dân phản đối cũng đúng. Câu chuyện giờ đây cứ như một cuộn chỉ rối, chẳng biết tìm mối nào để giải quyết.
GIÁNG HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét