Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Những gameshow 'đẳng cấp' chỉ ở cái tên


Cập nhật lúc :1:05 PM, 05/11/2011
(ĐVO) Những gameshow truyền hình Việt Nam được gắn với những cái tên “đao to búa lớn” như vua hài, siêu mẫu, hoàn hảo… đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
>> Khi giám khảo bị chê tơi tả
>> Noo Phước Thịnh tiết lộ lý do bị loại khỏi 'Cặp đôi hoàn hảo'
>> Vua hài Đất Việt - cái tên quá 'kêu'?

Chiến thắng một cuộc thi đã trở thành Vua hài Đất Việt, Siêu mẫu Việt Nam, Cặp đôi hoàn hảo… Những danh hiệu vượt quá tài năng thực sự đã làm những người đoạt giải hoặc là sống với niềm hạnh phúc ảo, hoặc vô tình gánh thêm áp lực phải làm sao để xứng tầm với tên gọi.
Hoàn hảo hay là…
Đang là một trong những chương trình truyền hình thu hút khán giả nhất nhì hiện nay, nhưng Cặp đôi hoàn hảo đang tự làm mất uy tín bởi rất nhiều scandal. Từ fomat Just The Two Of Us dịch sát nghĩa là “Chỉ riêng đôi ta”, ban tổ chức quyết định lấy tên Việt Nam là Cặp đôi hoàn hảo. Hai chữ “hoàn hảo” tưởng như cụ thể nhưng lại rất trừu tượng đã làm cả ban giám khảo, thí sinh và người xem thấy mơ hồ về mục tiêu, tiêu chí đánh giá thí sinh tham dự. Cũng vì hai chữ “hoàn hảo” mà đi gần nửa chưa trình, vẫn cứ thấy ban giám khảo loay hoay về cách nhận xét, còn thí sinh thì không biết nên thể hiện thế nào để “ăn điểm”.
Hình ảnh các thí sinh tham dự chương trình Cặp đôi hoàn hảo.
Lúc đầu, BTC khẳng định, Cặp đôi hoàn hảo sẽ dựa trên yếu tố các thí sinh phối hợp ăn ý với nhau trong tiết mục biểu diễn để đánh giá. Điều này đồng nghĩa với việc, khả năng ca hát của thí sinh tham gia là yếu tố phụ của cuộc thi. Thế nhưng khi nhìn vào chủ đề chính của mỗi đêm thi là một dòng nhạc, thì có thể hiểu rằng giọng hát là yếu tố quan trọng để đánh giá thí sinh. Những cặp đôi đã chia tay chương trình cũng là do có giọng hát chưa tốt. Như thế, Cặp đôi hoàn hảo từ một cuộc thi mang tính chất giải trí, bỗng nhiên trở thành một show diễn ca nhạc hàng tuần theo đúng nghĩa.
Chương trình đang ngày càng tạo áp lực lớn cho các thí sinh, khi ban giám khảo xoáy sâu vào chuyên môn, thẳng thắng “chê” giọng hát của ca sĩ được gọi là chuyên nghiệp. Vô hình chung, các thí sinh muốn vui cũng có phần “đề phòng” vì nếu “chiêu trò” không đủ thì không xứng tầm, mà thoải mái diễn chẳng may gặp sơ xuất về giọng hát thì sẽ bị giám khảo “đập” không thương tiếc.
Cái tôi của người nghệ sĩ rất lớn, chỉ vì một trò chơi trên truyền hình mà để lại ấn tượng không tốt trong lòng khán giả, những người yêu mến họ trong suốt thời gian qua hẳn là điều khó chấp nhận. Tiêu chí không rõ ràng, sự loay hoay của ban giám khảo đang làm "mất lòng" cả thí sinh lẫn khán giả. Cặp đôi hoàn hảo đang ngày càng trở nên… không hoàn hảo trong lòng công chúng.
Thi để thành... siêu mẫu

Siêu mẫu Việt Nam cũng là cái tên cuộc thi gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và dư luận những ngày gần đây. Danh hiệu “siêu mẫu” luôn là mục tiêu đáng mơ ước của những chân dài Việt Nam với sải bước trên sàn catwalk. Thế nhưng ở Việt Nam có nhiều người xứng tầm siêu mẫu?

Theo định nghĩa trên Wikipedia, “siêu mẫu” dùng để chỉ những người mẫu thời trang cao cấp được trả lương cao, thường nổi danh trên khắp thế giới và thường có kinh nghiệm về thời trang cao cấp và làm người mẫu thương mại. Nếu như vậy, ở Việt Nam chưa có ai xứng tầm siêu mẫu thực sự. Chân dài thuộc thế hệ người mẫu đầu tiên của Việt Nam Thúy Hằng cũng từng khẳng định: "Thực tế ở Việt Nam chưa có ai đạt tầm siêu mẫu”. Thúy Hằng cũng cho biết, một người mẫu để đạt đến tầm siêu mẫu phải hội tụ nhiều yếu tố: hoạt động rộng khắp trên các sàn catwalk và sự ảnh hưởng của họ không chỉ là ở trong đất nước, khu vực.
Chiến thắng cuộc thi là thành... siêu mẫu.
Vậy nhưng thực tế ở Việt Nam lại không thiếu nhưng siêu mẫu tự xưng. Miệt mài với các buổi trình diễn thời trang để “quen mặt” để trở thành siêu mẫu. Và, muốn thành siêu mẫu còn một con đường ngắn hơn, đơn giản hơn nhiều đó là tham dự cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam.

Đây là một cuộc thi cấp quốc gia hàng năm nhằm tìm kiếm, phát hiện những gương mặt người mẫu mới, có nhiều triển vọng trở thành siêu mẫu trên sàn diễn thời trang. Theo đó, người chiến thắng cuộc thi dù chưa có nhiều tiếng tăm, chưa có những hoạt động nổi bật, chưa được nhiều người biết đến… cũng được khoác danh “siêu mẫu Việt Nam”.

Trên thế giới có nhiều cuộc thi tìm kiếm người mẫu, uy tín và lâu đời nhất là Elite Model Look nhưng đây cũng chỉ là cuộc thi tìm kiếm người mẫu chứ không phải siêu mẫu. Còn ở Việt Nam, cuộc thi siêu mẫu lại có cả những người chưa từng làm người mẫu. Tên gọi cuộc thi đã khoác cho người thắng cuộc danh hiệu quá lớn so với tài năng để người mẫu mới vào nghề vô tình ngộ nhận vị trí của mình trên sàn diễn thời trang. Người mẫu mới vào nghề với nhiều bỡ ngỡ, thậm chí là ngô nghê đã “chễm trệ” ngồi vào bục mà những người mẫu chân chính phải hoạt động nhiều năm mới được thừa nhận.

Giải nhất có xứng danh “vua”?
Cuộc sống cần thêm nhiều tiếng cười, trong khi diễn viên hài lại quá ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Sân khấu hài Việt Nam đang tồn tại thực trạng thiếu nhân tài dẫn đến việc xuất hiện những tiểu phẩm chất lượng kém. Thậm chí, có nhiều tiểu phẩm lấy những điều thô tục trong cuộc sống hàng ngày để lấy tiếng cười của khán giả. Thực trạng đó đủ để thuyết phục sự ra đời của một cuộc thi tìm kiếm diễn viên hài tài năng là điều tất yếu và thực sự cần thiết.
Chương trình Vua hài đất Việt do Công ty Cổ phần và phát triển Liên Tâm phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và một số đơn vị khác đồng tổ chức không nằm ngoài mục đích đó. Tuy nhiên, cái tên cuộc thi với chất lượng các tiểu phẩm, tài năng của các thí sinh lại có nhiều mâu thuẫn và có nhiều tranh cãi từ phía khán giả và giới chuyên môn.
Những nhà chuyên môn cũng băn khoăn với tên gọi Vua hài Đất Việt.
Ngay từ khi họp báo ra mắt, cuộc thi Vua hài Đất Việt đã gặp nhiều tranh cãi từ cái tên quá kêu. Lẽ thường, vua là người đứng đầu một nước, như vậy, Vua hài Đất Việt hẳn phải là người diễn hài xuất sắc nhất Việt Nam và nước chỉ có một vua. Ngay cả những danh hài nổi tiếng, cả đời cống hiến cho nghệ thuật và được công chúng mến mộ như Xuân Hinh, Hoài Linh, Hồng Vân, Xuân Bắc… cũng chưa được phong tặng danh hiệu cao quý đó. Vậy mà chỉ cần giành giải nhất cuộc thi, thí sinh bước ra đường đã được người khác gọi Vua hài Đất Việt trước tên chính của mình.
Ban tổ chức lý giải, danh xưng của cuộc thi chỉ gói gọn trong giới hạn của cuộc thi chứ không có nghĩa người thắng giải được công nhận là trên tất cả các danh hài. Thế nhưng cũng phải thừa nhận sự thật, tên gọi đó sẽ đi kèm người chiến thắng và đặt cạnh những danh hài đã được công nhận thì “vua hài” là một danh hiệu quá lớn.
Có thể, ban tổ chức cố tình dùng những cái tên “mĩ miều” đó để nhằm thu hút người tham dự và người xem. Tuy nhiên, cũng phải xem xét tài năng để đặt tên cho chương trình xứng tầm. Đó cũng là cách tôn trọng khán giả, tôn trọng những nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật. Mặt khác, một cái tên hay, với danh hiệu không quá ảo sẽ bớt đi áp lực rất có thể, người tham dự sẽ vô tư sáng tạo, đem đến công chúng những sản phẩm nghệ thuật thực sự.
Tiểu Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét