Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Không thừa nhận tố cáo bằng email, điện thoại - (PL TPHCM)

12/11/2011 - 01:00

Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Bỏ quy định “khóa tay” báo chí.
Chiều 11-11, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua dự án Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Đo lường và Luật Lưu trữ với nhiều nội dung đáng chú ý.
Bỏ quy định “khóa tay” báo chí
Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Tố cáo trình để QH thông qua là quy định “khóa tay” báo chí ở khoản 1 Điều 48 (buộc báo chí khi nhận đơn tố cáo của bạn đọc thì phải chuyển đơn cho các cơ quan liên quan) đã được Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) quyết định đưa ra. Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này, UBTVQH khẳng định trong Luật Báo chí đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí phải trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến; cũng như trách nhiệm của báo chí trong việc đăng, phát sóng kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Do đó, việc quy định cụ thể trách nhiệm của tổng biên tập, phóng viên của cơ quan báo chí trong việc xử lý thông tin mang tính tố cáo hay trách nhiệm của cơ quan báo chí khi thực hiện việc đăng tải các thông tin trong luật này sẽ không thể đầy đủ và có khả năng mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các luật khác, nhất là Luật Báo chí.
Về các hình thức tố cáo, UBTVQH cũng quyết định đề nghị QH không bổ sung các hình thức tố cáo qua email, fax, điện thoại vào dự thảo luật. Lý do được UBTVQH đưa ra là việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống.
Đối với Luật Khiếu nại, người dân không phải nộp tiền khi gửi đơn thư khiếu nại.(Ảnh chụp tại Văn phòng tiếp công dân TP.HCM) Ảnh: HTD
Ngoài ra, dự thảo cũng đã tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và quy định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo.
Không phải nộp tiền khi khiếu nại
Đối với Luật Khiếu nại, UBTVQH cho biết trong qua trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người khiếu nại phải nộp một khoản lệ phí nhất định. Sau đó nếu khiếu nại đúng thì được hoàn trả để tránh tình trạng khiếu nại tràn lan, không đúng người, đúng việc gây tốn kém, lãng phí cho Nhà nước và công dân. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng khiếu nại là quyền cơ bản của công dân được quy định trong hiến pháp. “Nếu quy định công dân phải nộp một khoản lệ phí khi thực hiện quyền khiếu nại có thể làm hạn chế việc thực hiện quyền hiến định của công dân” - báo cáo của UBTVQH nhấn mạnh và đề nghị QH không bổ sung vấn đề này vào luật.
Đối với quy định nhiều người cùng khiếu nại, theo UBTVQH, để bảo đảm quyền khiếu nại của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tránh bị lợi dụng thì những vấn đề có liên quan đến việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung cần phải có những cách thức xử lý linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể. Vì vậy, đối với trường hợp này, trong luật chỉ quy định chung nhất về hình thức khiếu nại (trực tiếp trình bày hoặc bằng đơn), việc tiếp dân, cử người đại diện; còn những vấn đề cụ thể khác giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
THÀNH VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét