Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chấp nhận luật chơi nghiêm khắc hơn!


Chính sách nhân sự đòi hỏi công chức phải có bằng cấp cao để hợp thức hóa việc đề bạt, bổ nhiệm vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn "mua bằng,bằng giả" hay "học giả bằng thật".
LTS: Vừa qua Nam Định, Đà Nẵng từ chối tiếp nhận công chức học tại chức, dân lập vào các cơ quan hành chính Nhà nước. Cũng Nam Định cho giáo viên thôi việc chỉ vì học học tại chức. Thay vì loay hoay chuyện "tại chức - chính quy", "trường công - trường tư", chuyên gia Diệp Văn Sơn gợi ý thay đổi cách thức tổ chức hệ thống bộ máy, như một giải pháp cho Việt Nam. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu:

Hiện nay trên thế giới thường thấy có 2 hệ thống quản lý công chức: một là hệ thống chức nghiệp, hai là: hệ thống theo việc làm hay còn gọi là theo vị trí.
Theo hệ thống chức nghiệp thì công chức được tổ chức theo các ngạch và theo ngành chuyên môn. Mỗi ngạch có tiêu chuẩn riêng, muốn được bổ nhiệm chính thức vào ngạch thì phải thi tuyển, muốn được nâng ngạch thì phải tham gia các kỳ thi nâng ngạch. Mỗi ngạch có một bảng tiền lương thích ứng. Theo hệ thống này thì việc đào tạo gắn liền với việc tuyển dụng công chức. Tiền lương của công chức được khuyến khích theo thâm niên và theo các kỳ thi nâng ngạch. Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, một số nước khác ở châu Âu và nhiều nước châu Á theo hệ thống này.
Tuy vậy, hệ thống này có một số hạn chế nhất là nếu công tác theo dõi, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm không tốt sẽ không khuyến khích công chức phát huy hết năng lực trong công tác.
Hệ thống theo việc làm hay còn gọi là theo vị trí công việc là phải thiết kế, xác định yêu cầu, tiêu chuẩn cho từng vị trí cụ thể của công chức. Việc thi tuyển vị trí công chức bố trí vào các vị trí công việc không chỉ căn cứ vào bằng cấp. Những người có năng lực thực sự có cơ hội trở thành công chức hơn là những người có "quá trình đào tạo", qua nhiều trường lớp, có lắm "chứng chỉ, văn bằng".
Khó khăn trong thực hiện hệ thống này là phải xây dựng được tiêu chuẩn, thiết kế được yêu cầu của hàng chục ngàn vị trí công việc. Đồng thời, công tác đào tạo cũng không hoàn toàn gắn việc sử dụng với các ngạch công chức. Mặt hạn chế của hệ thống này là ở mỗi vị trí chỉ có một mức lương, nên công chức làm việc lâu ở vị trí đó tinh thần không phấn khởi.
Tuy vậy, ưu điểm nổi bật của hệ thống này là do mỗi vị trí công việc có yêu cầu cụ thể, đòi hỏi công chức phải thực hiện nên năng suất và hiệu quả làm việc của công chức cao hơn. Vì vậy, hiện nay ở Mỹ và Liên hiệp quốc đang sử dụng hệ thống này.
Cũng có một số nước áp dụng đồng thời cả hai hệ thống. Bang Quêbec, Canada là một điển hình. Đối với công chức chuyên môn nghiệp vụ thì áp dụng hệ thống chức nghiệp; còn đối với công chức chỉ huy, quản lý (trưởng phòng, vụ trưởng, cục trưởng) thì áp dụng theo hệ thống vị trí. Sự kết hợp sử dụng mềm dẻo, hợp lý hai hệ thống này đem lại kết quả trong hoạt động của công chức và công tác quản lý công chức.
Lựa chọn cho Việt Nam?
Đối với nước ta, thiết nghĩ trước tiên hiện nay là phải chấn hưng cả nền giáo dục kể cả trường công lập không chỉ trường tư để nó hoàn thành sứ mạnh cao cả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng,chất lượng cao cho đất nước, trong đấy có công chức. Kế đến là  nên tổ chức thi tuyển đầu vào nghiêm ngặt, khoa học khách quan và cạnh tranh hơn đối với công chức so với thời gian vừa qua.
Nên chăng tổ chức những cơ quan độc lập lo việc thi tuyển công chức. Dựa vào kết quả thi đấy cơ quan cần tuyển dụng chiếu theo yêu cầu của cơ quan mình tuyển dụng,hoặc theo đơn đặt hàng của các loại tổ chức của cơ quan công quyền.
Ngoài ra, đối với các chức vụ lãnh đạo cần tổ chức thi tuyển cạnh tranh vào một chức danh nào đó. Trước mắt cho thí điểm thi trưởng, phó phòng, dần dần mở rộng đến phó, chánh giám đốc sở, vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó... Tiến tới đích tổ chức hệ thống quản lý công chức theo Hệ thống việc làm theo vị trí. Bổ sung Chế định sát hạch công chức định kỳ hoặc đột xuất.
Qua nghiên cứu cho thấy, các năng lực cơ bản cần cho công chức, giúp họ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách chủ động và sáng tạo trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay và tương lai. Qua thi tuyển cạch tranh,sát hạch định kỳ làm thế nào để đánh giá cho được  bốn loại năng lực  đối với công chức ,dựa vào kết quả đó để làm cơ sở tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt:
Công bằng mà nói, vừa qua một số địa phương trong chính sách nhân sự đòi hỏi công chức phải có bằng cấp cao để hợp thức hóa việc đề bạt, bổ nhiệm vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn "mua bằng, bằng giả" hay "học giả bằng thật".
Ở Việt Nam ta, nhiều vị thực tài nhưng bằng cấp rất khiêm tốn. Thí dụ, Giáo sư Tôn Thất Tùng (Bác sĩ), Giáo sư Tạ Quang Bửu (cử nhân), Giáo sư Trần Đại Nghĩa (kỹ sư)... Những vị này mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến đất Việt.
Muốn làm công chức phải chấp nhận "luật chơi nghiêm khắc hơn". Vấn đề còn lại ở đây là chế độ đãi ngộ vật chất cũng như tinh thần phải tương xứng với "luật chơi" đó để bảo đảm thu hút lao động giỏi vào cơ quan công quyền.
Theo kinh nghiệm nhiều nước cần nhanh chóng bãi bỏ chế độ tuyển dụng công chức suốt đời. Nước Nhật là quốc gia điển hình về áp dụng chế độ tuyển dụng công chức suốt đời, nhưng qua trên chục năm liên tục suy thoái kinh tế đã ngộ ra, một trong những nguyên nhân đưa đến sự trì trệ là do áp dụng chế độ này.
Trung Quốc có những nét khá tương đồng với ta về chủ trương bao cấp trong thực thi chế độ nhân sự. Nhưng để phát triển, vì nhu cầu tăng trưởng cao, bạn không ngần ngại bỏ chế độ biên chế đối với mọi loại hình lao động kể cả cán bộ, công chức để thực hiện chế độ hợp đồng linh hoạt. Có làm được những điều trên mới mong có một đội ngũ công chức có đủ phẩm chất và năng lực.
Năng lực tư  duy
- Khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, nhận biết vấn đề, hiểu nguyên nhân của vấn đề cần được xử lý, giải quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc
- Khả năng lập luận, phân tích và nhận thức vấn đề một cách linh hoạt, tiếp cận khách quan vấn đề theo nhiều cách, nhiều góc độ khác nhau, hiểu được tính logic, tính hệ thống khi xem xét, nghiên cứu vấn đề
- Khả năng đưa ra ý  tưởng, giải pháp, cách làm để giải quyết vấn đề, thực thi nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, thích hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện trong thực tiễn
- Khả năng tư duy chiến lược, tầm nhìn và hướng đến tương lai.
Năng lực hành động: khả năng tổ chức  thực hiện công việc hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn phức tạp
- Khả năng tổ chức và  thực hiện công việc một cách chủ động, tự tin, linh hoạt  và thành thạo
- Khả năng xử lý các vấn đề phát sinh một cách thích hợp, hiệu quả trong quá trình thực hiện công việc
- Khả năng tự chủ, hoàn thành công việc một cách hiệu quả; biết cách khắc phục những khó khăn để hoàn thành được công việc, nhiệm vụ.
- Khả năng chịu trách nhiệm trong công việc, bảo đảm không để xảy ra sai sót trong công việc
- Khả năng liên kết, phối hợp trong thực thi nhiệm vụ
Năng lực quan hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác
- Khả năng quan hệ với mọi người trong quá trình thực hiện công việc, hướng đến khách hàng
- Khả năng giao tiếp hiệu quả, thuyết phục, truyền cảm hứng cho mọi người  để cùng thực hiện tốt nhất công việc
- Khả năng hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích người khác cùng hoàn thành công việc
- Khả năng xây dựng niềm tin cho người khác khi cùng thực hiện công việc, nhiệm vụ
- Khả năng lãnh đạo, gây ảnh hưởng đến người khác, hướng các nỗ lực tập thể thông qua việc thu hút được sự ủng hộ, tán thành của các thành viên trong đơn vị đối với  tầm nhìn của tổ chức, khiến cho họ cùng cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt công việc
Năng lực học tập, tiếp thu, đổi mới, sáng tạo, phát triển
- Khả năng liên tục cập nhật thông tin,  tiếp thu kiến thức và học tập trong quá trình thực hiện công việc, và  giao tiếp; luôn tìm tòi những ý tưởng mới
- Khả năng liên tục  đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện công việc và giao tiếp với mọi người; có khát vọng liên tục phát triển
- Khả năng liên tục  đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện công việc và giao tiếp với mọi người; có khát vọng liên tục phát triển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét