Theo các chuyên gia tâm lý, bắt nạt là những
hành động có tính gây hấn được lặp đi lặp lại, gây tổn hại cho người
khác về cơ thể hoặc tinh thần.
Chuyện bắt nạt trong trường học vẫn
thường xảy ra vì các em đang ở lứa tuổi muốn chứng tỏ mình. Khi trẻ bị
bắt nạt, sự tổn thương tâm lý có thể kéo dài dằng dặc nhiều năm sau đó,
thậm chí đến khi trưởng thành.
Các bậc phụ huynh phải làm sao khi con em mình bị bắt
nạt? Dưới đây là những tình huống đã diễn ra trên thực tế và được BS,
chuyên gia trị liệu tâm lý Trương Chí Thông (Trung tâm Ứng dụng tâm lý
học TP.HCM) hướng dẫn cho các phụ huynh.
Bắt cống nạp
Em Trung (học lớp 5) bị bạn cùng lớp bắt mỗi ngày
phải mua một vật gì đó do bạn ấy đem tới. Ví dụ như bìa báo cũ, ảnh diễn
viên trong báo, cây bút chì cũ... Nếu không mua, giờ ra chơi chơi trò
đánh nhau với cả nhóm, Trung sẽ bị bạn này đánh rất đau như là đánh
thật.
=> Cách xử lý tình huống: Cha mẹ của Trung
gợi chuyện để Trung trình bày hết xem lâu nay bị bắt chẹt như thế nào.
Tiếp đó, tìm cách tiếp cận thân thiện với cậu bé cùng lớp, hỏi thăm con
mình có làm phiền gì cậu bé không, gửi gắm con mình cho cậu bé kèm cặp
giúp đỡ, nếu Trung có làm gì không tốt thì báo cho mình biết để khuyên
bảo con.
Long yêu cầu Hưng (lớp 10) buộc một số bạn khác
trong lớp phải chung tiền hằng tháng cho mình, nếu không sẽ bị đánh trên
đường đi học về. Mỗi tháng Hưng được Long cho một cái card điện thoại
di động trị giá 100.000 đồng. Khi cha mẹ biết được, Hưng nói Hưng không
muốn làm vậy nhưng sợ bị Long kêu anh chị đến đánh.
Phụ huynh cần gợi hỏi Hưng để tìm hiểu quá trình nào
dẫn đến Hưng bị lệ thuộc bạn. Có thể Hưng đã thất hứa với bạn chuyện gì
đó nên bị đưa vào thế kẹt. Khi có thông tin rồi, phụ huynh một mặt dạy
con cách ứng xử với bạn bè sao cho tốt, mặt khác cần gặp Long để nói
chuyện rằng lỡ đùa giỡn, nghịch ngợm như vậy đủ rồi, đừng để xảy ra nữa
sẽ không hay cho cả hai đứa. Tùy thuộc vào phản ứng của Long ra sao để
đi tiếp bước nữa là gặp phụ huynh các em hoặc nhà trường để tìm hướng
giải quyết.
Tiếp cận, thân thiện với con và các bạn cùng lớp sẽ giúp giải tỏa tâm lý khi các em bị bắt nạt. Ảnh minh họa: HTD
Đe dọa
Hương là một học sinh giỏi lớp 8. Hương bị một
nhóm bạn gái trong lớp ép phải cho coi bài mỗi lần kiểm tra. Khi có một
bạn trong nhóm cúp học, Hương phải chép bài giùm. Các bạn trong nhóm đó
dọa nếu không làm vậy sẽ xô Hương vô chảo chuối chiên trước cổng trường
(khi Hương đi ngang qua đó sẽ bị cả nhóm dựng kịch giả vờ xô đùa làm té
ngã), mục đích là để dầu tạt lên mặt cho xấu người đi. Hương sợ nên cứ
phải làm theo.
Ba mẹ Hương nên hỏi tường tận quá trình con mình bị
bắt nạt diễn ra như thế nào, có lần nào con phản ứng không. Có thể một
lần nào đó Hương nóng giận đáp trả làm cho nhóm kia không ưa. Tiếp đó,
phụ huynh phải gặp bạn hoặc tổ trưởng của Hương để tìm hiểu sinh hoạt
trong lớp Hương có làm gì không vừa lòng các bạn không, có chê bai ai
không. Mục đích của việc này là để tìm hiểu nguồn cơn vì sao nhóm kia
không bắt nạt bạn khác mà bắt nạt Hương. Sau đó, phụ huynh tiếp cận nhóm
bạn kia để khuyên nhủ và nói rằng nếu Hương có làm gì không phải với
các bạn thì hãy gọi điện thoại cho mình (cho các em số điện thoại). Nếu
nhóm bạn kia vẫn tấn công tiếp thì ba mẹ Hương cần gặp phụ huynh các em
để trao đổi cách uốn nắn con em mình. Lưu ý là khi gặp các phụ huynh
khác cần phải có thiện chí tốt chứ đừng thể hiện rằng mình đang dạy con
họ, xin số điện thoại để thông báo cho nhau tình hình các em. Chuyện này
không nên để cho các em biết. Ba mẹ Hương không nên vội vàng mời cô chủ
nhiệm hay ban giám hiệu vào cuộc vì đây chỉ là giải pháp cuối cùng.
Loan (lớp 5) bị bạn gái cùng lớp đe dọa là có ba
đi tù, anh bị nhiễm HIV. Nếu Loan không cho tiền bạn ăn sáng hằng ngày
sẽ kêu anh đến làm cho nhiễm HIV. Loan răm rắp làm theo, nhịn phần ăn
sáng của mình để đưa tiền cho bạn.
Ba mẹ Loan nên tiếp cận làm quen bạn kia trên tinh
thần tìm hiểu, dò hỏi, nói rằng nghe đâu các con đùa giỡn như vậy là
nguy hiểm lắm, không nên dọa bạn như vậy. Nếu lúc nào con thật sự khó
khăn thì cứ gọi điện thoại cho cô để cô gửi tiền Loan đưa cho con. Chắc
chắn bạn kia sẽ không dám bắt nạt Loan nữa.
Tạo dư luận xấu
Em Nhi (lớp 10) học giỏi, khá xinh gái. Thời gian
gần đây em học sa sút vì bị một nhóm bạn trong lớp tung tin em giật bồ
của bạn gái cùng lớp, dọa sẽ đợi lúc em đi vệ sinh ùa vào cởi áo em rồi
quay video clip, phát tán cho cả trường cùng biết. Thật ra Nhi không
thương bạn trai nào cả, mà có thể bạn trai đó đã tỏ ý cho các bạn khác
thấy rằng có để ý Nhi. Sự việc chưa diễn ra nhưng hằng ngày nghe những
lời dọa bóng gió kiểu như vậy Nhi rất lo sợ, không dám đi vệ sinh ở
trường.
Ba mẹ Nhi cần nói chuyện nhiều với con để hiểu quan
hệ giữa con và các bạn như thế nào. Có thể cử một người trong nhà chỉ
nhỉnh tuổi hơn các em một chút để hẹn nhóm bạn kia ra quán cà phê nói
chuyện, nhẹ nhàng khuyên nhủ các em thử đặt mình vào trường hợp của bạn
thì sẽ cảm thấy thế nào. Nếu sau đó, sự việc vẫn tiếp diễn thì dạy cho
con mình kỹ năng đối diện với những chuyện đó, phải chấp nhận thách
thức. Ví dụ như kết bạn nhiều hơn, rủ nhiều bạn đi vệ sinh, canh chừng
giúp...
Khi
giải quyết tình huống, phụ huynh cần dựa trên nguyên tắc phải lắng nghe
tất cả các bên trên tinh thần tôn trọng, hai bên cùng có lợi và giữ uy
tín cho nhau. Tuyệt đối không làm lớn chuyện khiến các em bắt nạt thấy
mình bị trả đũa. Khi nói chuyện với trẻ hay bắt nạt người khác, hãy nhìn
vào điểm tích cực của các em và nâng các em lên, để các em thấy mình
được tin tưởng, gửi gắm. Với trẻ hay bắt nạt người khác, phải dùng giải
pháp cao thượng theo kiểu ngấm ngầm, nhẹ nhàng cho các em biết rằng mình
biết chuyện đó rồi, xem như một lỡ lầm của các em và hãy dừng lại ở đó
đi thôi sẽ chỉ có chúng mình biết với nhau. Chỉ khi nào các em quá cố
chấp mới đưa sự việc ra nhà trường.
BS, chuyên gia trị liệu tâm lý TRƯƠNG CHÍ THÔNG
|
THANH MẬN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét