SGTT.VN - Cuối cùng thì chuyện ông tiến sĩ vật lý dùng
nước ozone để trị bệnh tay chân miệng ở Ninh Thuận đã ngã ngũ sau những
phát ngôn chính thức của bộ Y tế với báo chí hôm 20.11 tại hội nghị Tăng
cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng diễn ra ở
TP.HCM. Chuyện không thể rõ hơn nữa vì TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng
cục Quản lý khám chữa bệnh, khẳng định nước ozone chỉ có tác dụng hỗ trợ
ngoài da đối với bệnh nhân tay chân miệng thể nhẹ, trong khi phần lớn
những bệnh nhân này lại có thể tự hồi phục mà không cần hỗ trợ gì, điều
này đồng nghĩa nước ozone không có giá trị gì trong điều trị tay chân
miệng.
Tiến sĩ "ozone" Nguyễn Văn Khải ở Ninh Thuận.
|
Nhưng chuyện đáng nói ở đây không phải như thế, bởi
ngay từ những ngày đầu râm ran sự việc vào cuối tháng 10, nhiều người
trong ngành y đã nghi ngờ, thậm chí không ít chuyên gia bệnh nhiễm còn
gọi đây là… “phương pháp tào lao”, mà đáng nói là phản ứng quá chậm của
bộ Y tế, nơi chịu trách nhiệm cao nhất về bảo vệ sức khoẻ cho người dân,
trong việc thẩm định cách chữa bệnh này.
Thật vậy, trong hơn ba tuần xảy ra sự việc, cả trăm bài
báo đề cập đến việc nước ozone chữa bệnh tay chân miệng được truyền đi
trên mạng với tốc độ chóng mặt và gần như tất cả đều nghiêng về phía ủng
hộ. Đã có nhiều ý kiến đòi hỏi ngành y tế, cụ thể là bệnh viện Ninh
Thuận, áp dụng ngay cách này để cứu dân. Đã có nhiều cuộc gọi trực tiếp
tác giả đề nghị phổ biến phương pháp cho nhiều địa phương khác cùng học
tập. Thậm chí một phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận còn chỉ đạo ngành y tế
“rước” tiến sĩ vào ngay để dập dịch. Và cũng có nhiều ý kiến chỉ trích
bộ Y tế chậm triển khai phương pháp ra trên phạm vi toàn quốc.
Không thể trách cứ những đề xuất này, bởi tất cả đều
xuất phát từ sự quan tâm đến dịch bệnh, sự an nguy của những người thân
họ khi bệnh tay chân miệng không có vắcxin phòng ngừa và không có thuốc
điều trị đặc hiệu. Càng không thể trách cứ khi chắc chắn đa số những
người này đều là những người dân bình thường, không có kiến thức chuyên
môn về y khoa. Thế nhưng phải mất một thời gian dài, chờ một cuộc họp
của hội đồng chuyên môn của bộ Y tế, các chuyên gia y tế đầu ngành quốc
gia mới kết luận được đây là phương pháp chữa bệnh không giá trị!
Câu chuyện ozone một lần nữa lại làm người ta liên
tưởng đến những câu chuyện tương tự từng xảy ra trong quá khứ như mắm
tôm gây dịch tả ở phía Bắc, vườn chữa bá bệnh ở Long An, mổ não chữa
động kinh ở Bình Định. Những vụ việc này có thể khác nhau về mức độ
thiệt hại, nhưng lại giống nhau ở một điểm là bộ Y tế hầu như chỉ có ý
kiến sau cùng, khi mọi việc gần như rõ ràng nhờ sự lên tiếng của những
nhà khoa học.
Bên lề hội nghị ngày 20.11, trả lời phỏng vấn về vụ
nước ozone chữa tay chân miệng, bộ trưởng bộ Y tế đã trách giới truyền
thông nóng vội, chỉ thông tin một chiều. Trong khi đó, một vụ trưởng lại
cho rằng một trong những tồn tại của dịch tay chân miệng năm nay là báo
chí thông tin phiến diện. Nhưng “toàn diện” làm sao khi bộ Y tế không
đưa ra được những thông điệp kịp thời, chính xác và minh bạch để giới
truyền thông chuyển tải cho công chúng đúng lúc cần thiết.
Tại hội nghị trên, lần đầu tiên cụm từ “truyền thông
nguy cơ” (risk communication) được nêu ra một cách chính thức và bộ Y tế
cũng đưa ra nhiều đề xuất để thực hành “truyền thông nguy cơ”. Ở nhiều
nước trên thế giới, truyền thông nguy cơ ngày càng được giới trách nhiệm
chú trọng – đặc biệt trong lĩnh vực y tế sức khoẻ – nhằm giúp công
chúng kịp thời hiểu đúng về những vấn đề có tác động lớn trên cộng đồng
như dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, thảm hoạ môi trường để họ có cách ứng
xử đúng đắn. Ở nước ta, những vấn đề này được dự báo chắc chắn sẽ gia
tăng trong tương lai, thế nhưng bộ Y tế sẽ làm gì để tránh không lặp lại
vụ việc tay chân miệng năm nay?
Mọi đề xuất về “truyền thông nguy cơ”, dù có độc đáo, hay ho đến mức nào cũng sẽ là vô giá trị nếu thực hành không kịp thời.
Phan Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét