Nhiều nỗi âu lo
TT - Sự rời rạc, thiếu sôi động trong phiên chất vấn
người đứng đầu ngành giáo dục ngày 24-11 gieo vào dư luận một nỗi lo dai
dẳng. Đến bao giờ giáo dục mới thật sự đổi thay, xứng đáng là bệ phóng
cho đất nước cất cánh? Công cuộc cải cách giáo dục sẽ tiến hành ra sao
khi sau bao nhiêu đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, của dư luận xã
hội, những người đứng mũi chịu sào dường như vẫn thong thả, an nhàn “đi
sau cuộc sống”?
Bất cập của giáo dục được nêu lên quá ngổn ngang, từ
giáo dục mầm non đến phổ thông, đại học rồi đào tạo liên kết sau đại
học... Động đến đâu, đại biểu, cử tri âu lo đến đấy. Nhưng phiên chất
vấn được kỳ vọng sẽ giải tỏa những bức xúc lâu nay, sẽ trao đổi, gợi mở
và hiến kế hữu hiệu rốt cuộc chỉ là màn hỏi đáp rời rạc. Sự thiếu lửa có
thể thuộc về tính cách, cũng có thể là phương pháp để người trả lời
“hóa giải” những câu hỏi hóc búa, làm “nguội” đi những vấn đề “nóng”. Đã
bảy lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - chủ tọa kỳ họp - phải nhắc
vị bộ trưởng trả lời trúng nội dung câu hỏi.
Thật ra, giáo dục đang tràn đầy hi vọng vào cơ hội đổi
thay. Cơ sở vật chất được đầu tư tốt hơn, nhiều cơ sở đào tạo không
thiếu thầy giỏi, điều kiện hợp tác quốc tế đang rộng mở. Lớp trẻ khát
khao học tập trong một đất nước có truyền thống trọng học trọng tài đang
được thắp lửa bởi những hình mẫu mới như Ngô Bảo Châu bên cạnh Steve
Job hay Bill Gates... Và điều quan trọng là cả xã hội trong đó có nhiều
người có uy tín từng là lãnh đạo ngành giáo dục đều lên tiếng khẳng định
cải cách không thể chậm trễ, đó là trách nhiệm với tương lai.
Những ngổn ngang để lại sau gần ba giờ chất vấn có thể
sẽ thành nỗi thất vọng kéo dài nếu ngành giáo dục từ chối cơ hội cải
cách triệt để đã chín muồi. Làm sao cử tri có thể yên lòng khi lãnh đạo
ngành không biến diễn đàn Quốc hội thành nơi sẻ chia những trăn trở,
công bố những kế hoạch dài hạn, khơi dậy niềm hi vọng đổi thay ở một
lĩnh vực chất chứa nhiều bức xúc? Làm sao những người quan tâm đến giáo
dục có thể vui khi đất nước đi vào hội nhập vẫn với một nền giáo dục
chắp vá và còn quá nhiều tồn tại, yếu kém?
Tất nhiên, bên ngoài phòng họp, cuộc sống vẫn tiếp
diễn. Giáo dục vẫn lấp lánh hi vọng từ những người thầy tài năng, đức
độ, từ những tấm gương học trò vượt khó đi lên, những tài năng tầm vóc
quốc tế làm rạng danh đất nước... Truyền thống hiếu học vẫn là mạch
nguồn nuôi dưỡng dân tộc vượt qua thử thách, khi những ông bố bà mẹ
nghèo vật vã mưu sinh vẫn luôn ý thức chắt chiu những gì tốt đẹp nhất
cho con cái ăn học nên người. Như thế, giáo dục lẽ ra là niềm hạnh phúc
của dân tộc thì lại là nỗi lo lắng, hụt hẫng kéo dài bởi những bất cập
cố hữu của ngành vẫn hiển hiện qua nhiều nhiệm kỳ với không biết bao
nhiêu phiên chất vấn...
NGỌC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét