GiadinhNet - Việc chọn tác phẩm và đưa nó đến với đối tượng nào là hợp lý, các nhà giáo dục nên cân nhắc kỹ lưỡng.
> Chỉnh sửa truyện Tấm Cám: “Phẫu thuật” có giúp cô Tấm đẹp hơn? > Có nên đổi kết thúc Tấm Cám?> Sách giáo khoa sửa truyện Tấm Cám
Việc thay đổi đoạn kết của truyện cổ tích Tấm Cám
trong SGK lớp 10 lại đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, nhà
giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh. Nhiều ý kiến cho sự cắt xén
tình tiết "Tấm làm mắm Cám rồi gửi cho dì ghẻ ăn" là hợp lý với nhãn
quan của thời hiện đại. Một số khác lại cho làm như thế là làm biến thể
một tác phẩm dân gian. Để rộng đường dư luận, GĐ&XH Cuối tuần đã có
cuộc trò chuyện với PGS .TS Nguyễn Thị Huế (ảnh nhỏ), Trưởng phòng
nghiên cứu Văn học dân gian - Viện Văn học về vấn đề này.
Không ủng hộ chuyện sửa đổi
|
Câu chuyện về sự thay
đổi đoạn kết của truyện Tấm Cám trong SGK lớp 10 đang thu hút rất nhiều
sự chú ý của dư luận. Với tư cách là một nhà nghiên cứu về văn học dân
gian, PGS có ý kiến gì về vấn đề này?
- Dưới góc độ của một người nghiên cứu, tôi không ủng hộ chuyện sửa đổi, cắt bớt tình tiết tác phẩm cổ tích chút nào. Làm như thế là đem nhãn quan của người hiện đại để giải quyết vấn đề cổ xưa. Nếu sửa theo kiểu của truyện Tấm Cám thì có rất nhiều truyện phải sửa. Nếu sửa thì trong thần thoại hay sử thi Tây Nguyên cũng có nhiều chuyện vô lý lắm!
Cứ sửa để phù hợp với tư duy của người hiện đại thì sẽ làm hỏng hết tác phẩm văn học dân gian. Đã là quy luật của văn học dân gian thì không thể sửa. Bởi bản thân nó chứa đựng dấu ấn của từng thời đại mà không phải truyện nào cũng giữ được. Mỗi truyện kể đều chứa đựng những trầm tích văn hóa mà nhiều những truyện cổ tích của nhiều châu lục khác không thể có được.
Tôi đồng thuận với tác giả dân gian về ý tứ, tình
tiết trong câu chuyện. Việc chọn hay không chọn tác phẩm này để đưa vào
giảng dạy trong nhà trường là quyền của các nhà giáo dục. Tuy nhiên,
việc chọn tác phẩm và đưa nó đến với đối tượng nào là hợp lý thì các nhà
giáo dục nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Hình thức trả thù của người cổ xưa
Hiện nay, vấn đề tan vỡ hôn nhân đang đứng ở ngưỡng
báo động. Tình trạng các em nhỏ phải ở với dì ghẻ, bố dượng... rất nhiều
và học những câu chuyện này, lý giải với con mắt thông thường ắt hẳn
các em không thể tránh được những suy nghĩ đối kháng. Thạch Sanh là một
câu chuyện hay, điển hình cho mối quan hệ giữa người nông dân với lái
buôn, nó đồng thời cũng phản ánh xung đột giữa con nuôi và con đẻ (Thạch
Sanh con nuôi của mẹ Lý Thông), nó cũng mang tính xã hội rất rộng lớn.
|
Nhiều người cho rằng,
văn học là dạy cho các em học sinh những nét văn hóa đẹp đẽ, nhân văn,
đầy giá trị thẩm mỹ. Việc để tình tiết "Tấm dội nước sôi lên đầu Cám rồi
làm mắm gửi cho dì ghẻ ăn" là hết sức dã man, không phù hợp với đạo lý
nên cắt đi là hợp lý. Bà nhìn nhận vấn đề này thế nào, thưa PGS?
- Dưới góc độ của người nghiên cứu, chúng tôi xem đây là một chuyện cũng bình thường bởi vì nó là dấu vết, tàn tích... của một hình thức trả thù của người cổ xưa. Đấy là một hình thức trả thù man rợ mà nếu chúng ta nói với con trẻ thì chắc chắn con trẻ sẽ không thể nào chấp nhận điều này. Nhưng rõ ràng chúng ta đang dùng nhãn quan của con người thuộc xã hội văn minh để nhìn nhận cái man rợ cổ xưa (man rợ ở đây là những việc làm rất hoang dại và quan điểm xem đối kháng tức là phải hủy diệt) là không hợp lý chút nào.
Thời điểm truyện Tấm Cám ra đời cách nay một khoảng thời gian là quá xa dấu vết của thời kỳ con người còn man rợ vẫn còn và thể hiện rõ qua những hình thức trả thù thế lực đối kháng in đậm trong tác phẩm.
Với người nghiên cứu, mọi thứ rõ ràng và lớp lang như thế nhưng với các em nhỏ chắc các em sẽ không thể nào hiểu nổi. Vậy nên, tôi cho rằng, không chỉ có học sinh mà ngay cả giáo viên cũng gặp khó khăn khi diễn giải điều này nếu không có một sự gợi ý. Các nhà giáo dục chọn truyện này vào giảng dạy vì nó quá hay, quá tiêu biểu và nổi tiếng trên thế giới nhưng bị vướng mắc bởi đoạn kết do không phù hợp với nhận thức của người đương đại. Do vậy, có lẽ ở sách hướng dẫn giáo viên các nhà biên soạn phải có hướng gợi ý. Còn nếu nó gây rùng rợn quá (chẳng hạn có nhiều bà mẹ trẻ đọc đến đoạn kết thì không dám đọc cho con nghe nữa) thì phải nâng bài giảng này ở trình độ học cao hơn. Nếu trước giảng ở THCS, nay đưa lên THPT hoặc nếu cần thiết thì có thể ở bậc đại học.
|
Tấm gội đầu, Cám trút cá. Tranh Dân gian
|
Tôi sẽ chọn Thạch Sanh...
Điều gây "đau đầu" cho các nhà giáo dục, bậc phụ huynh...
Thực tế dị bản của kiểu truyện Tấm Cám trên thế giới
nhiều vô cùng và được gọi bằng một cái tên quen thuộc là truyện Cô Lọ
Lem. Những năm 50 của thế kỷ trước, người ta đã sưu tầm được khoảng 450
dị bản và đến nay thì đã lên tới khoảng 700 dị bản của kiểu truyện này.
Tuy nhiên, kết thúc thì không hẳn truyện nào cũng giống nhau.
Cũng có nhiều truyện của một số dân tộc có kết thúc
giống như truyện của người Việt. Đây cũng chính là điều đang gây "đau
đầu" khá nhiều nhà giáo dục, các bậc phụ huynh... Nó đang là vấn đề phổ
biến của những người hiện đại khi xem xét một tác phẩm cổ xưa.
|
Kho tàng văn học dân
gian Việt Nam rất phong phú và đồ sộ. Theo bà, có nhất thiết phải đưa
tác phẩm này vào giảng dạy trong nhà trường không khi nó tồn tại khá
nhiều sự phức tạp?
- Tôi cũng đã từng đặt ra câu hỏi này. Nếu muốn đưa truyện cổ tích vào chương trình học thì có thể lựa chọn ra rất nhiều truyện cũng khá tiêu biểu khác, có thể là truyện Tấm Cám mà cũng có thể không nhất thiết là truyện Tấm Cám, ta có thể chọn Sọ Dừa, Thạch Sanh... Nếu cho tôi chọn, tôi sẽ chọn được rất nhiều truyện hay, mà vẫn mang ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Tôi hiểu, trong thể loại truyện cổ tích thần kỳ thì Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu nhất và người ta muốn phổ biến tác phẩm này ở mức độ rộng lớn. Nhưng, bản thân tác phẩm chứa đựng nhiều tình tiết phức tạp, phản ánh nhiều lớp văn hóa. Nếu lấy tư duy thông thường để cảm thụ tác phẩm sẽ chỉ nhìn thấy những vấn đề sẽ thiển cận, thậm chí là thô thiển hóa câu chuyện này đi. Tôi thấy truyện kể này gây tranh cãi khi được giảng dạy ở bậc phổ thông, còn khi giảng ở bậc đại học, đối tượng là các sinh viên đại học không có phản ứng gì bởi đã được trang bị thêm những kiến thức về xã hội về lịch sử, về văn hóa phù hợp.
Việc lựa chọn tác phẩm giảng dạy đang rất lệch
Từ câu chuyện này chúng ta có nên suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc thận trọng hơn khi lựa chọn những tác phẩm văn học dân gian đưa vào giảng dạy trong nhà trường?
- Việc lựa chọn tác phẩm văn học dân gian để đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông cũng như chọn cái gì để các em học sinh thi vào đại học hiện đang rất lệch. Hầu hết đề thi đại học hiện nay đều tập trung ở phần văn học hiện đại. Cái đó hợp lý với những người đương đại và phù hợp với xu hướng chung của thế giới nhưng lại bỏ sót đi một gia tài rất quý báu và độ sộ là văn học dân gian.
Như chúng ta đã biết, dân tộc ta có chữ viết rất muộn, phải đến thế kỷ thứ X mới xuất hiện những áng văn viết đầu tiên nhưng lại mượn ngôn ngữ Hán để thể hiện. Chính vì thế, văn học dân gian tồn tại cùng đời sống người dân Việt trong một thời gian cực dài và không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng. Vai trò của văn học dân gian cực kỳ quan trọng đối với nền văn học Việt Nam là không thể phủ nhận, nó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nền văn học dân tộc trong đó có văn học viết. Thế nhưng thời lượng dành cho môn học này trong trường phổ thông là còn rất ít.
Người ta nói phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vậy như thế nào là bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc nằm ở đâu - nó nằm ở gia tài văn hóa truyền thống trong đó có văn học dân gian. Nếu có thể, theo tôi cần gia tăng hơn nữa thời lượng dành cho văn học dân gian và văn học cổ trung đại.
- Cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện!
Hà Tùng Long
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét