Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Quyền biểu tình: tránh để luật “treo”, sao để Hiến pháp “treo”? - (SGTT)

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

SGTT.VN - Ngày 17.11, Quốc hội đã thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Một số đại biểu Quốc hội đã đề cập vấn đề xây dựng luật Biểu tình. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí trong giờ giải lao về vấn đề này: 
Đại biểu Dương Trung Quốc.
Trong buổi thảo luận sáng nay, có ý kiến cho là chưa cần ban hành luật Biểu tình, còn quan điểm của ông thế nào ?
Tôi thấy có ý kiến nêu vấn đề lịch sử về biểu tình nhưng không đến nơi đến chốn. Đâu phải là biểu tình mới xuất hiện ở Mỹ thập kỷ 60 ? Chúng ta nhớ về lịch sử ngày 1.5 thì chúng ta phải biết cuộc biểu tình ở Chicago hơn 1 thế kỷ rồi. Ở nước ta thì chỉ 2 tuần sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh về quyền biểu tình của người dân. Lúc đó, chính trong sắc lệnh này nói rằng, quyền hội họp của người dân là một quyền rất cơ bản, điều này từ năm 1919, chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng sự của mình đã nêu yêu sách cho dân ta. Trong những ngày đầu cách mạng, ông tiếp tục nêu yêu cầu là trong hoàn cảnh này, cần có một sắc lệnh về biểu tình. Coi đó đảm bảo quyền dân chủ cho người dân và cung cấp một công cụ cho nhà nước để điều chỉnh nó. Cho đến Hiến pháp năm 1946 nó được cụ thể hóa bằng quyền tự do hội họp, có nội hàm là biểu tình. Đến Hiến pháp 1959 cũng ghi rõ quyền được biểu tình. Ta nói học tập Bác Hồ mà chẳng học đến nơi đến chốn thì chỉ hiểu biểu tình một cách phiến diện thôi. Đã đưa lịch sử ra là phải đưa đến nơi đến chốn.
Cũng có ý kiến lo ngại có biểu tình rồi biến tướng thành bạo loạn ?
Biến tướng thì bao giờ cũng có cả. Nhưng nhà nước có thể có những cách để người dân biểu tình ủng hộ nhiều hơn biểu tình phản đối. Ví dụ như biểu tình, phản đối một số nhân vật tham nhũng thì suy cho cùng, nó cũng lại tốt cho Chính phủ. Những năm 80, khi có những hiện tượng ở các vùng nông thôn Thái Bình, nếu theo cách nhìn của người này, người kia là bạo loạn nhưng lúc đó, nhiều vị lãnh đạo trong Đảng cũng rất tỉnh táo, cử cán bộ đến tận nơi phát hiện ra cả hai mặt: một mặt là thiếu tổ chức dẫn đến tình trạng hỗn loạn nhưng mặt khác có mặt tích cực là phát hiện những sai sót, yếu kém của chính quyền địa phương, qua đó củng cố được chính quyền. Nếu ta nâng cao hơn nữa hiệu quả của bộ máy công quyền cộng với việc thực hiện biểu tình.
Thủ tướng đã đề nghị xây dựng luật Biểu tình và giao cho bộ Công an xây dựng dự thảo luật. Theo ông bộ Công an soạn thì có hợp lý, đảm bảo khách quan không hay nên giao cho một cơ quan khác ?
Tôi nghĩ là việc soạn thảo luật hiện nay vẫn theo một tập quán nó thành truyền thống rồi đó là phần lớn do các cơ quan hành pháp thực hiện với thực tiễn, kinh nghiệm mà họ đã có. Luật pháp cũng không có hạn chế tổ chức, cá nhân, đại biểu QH đề xuất, xây dựng luật tuy nhiên, với một bộ luật nhạy cảm như thế này thì sự có mặt của ngành công an là cần thiết nhưng nên có sự phối hợp của các tổ chức xã hội, đặc biệt là mặt trận tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc có thể tập hợp ý kiến đa dạng, bảo vệ quyền lợi của người dân. Ngoài ra, còn có thể có nhiều tổ chức xã hội tham gia như hội Luật gia Việt Nam…Nên rộng rãi. Bộ Công an chủ trì xây dựng cũng được. Bởi vì cuối cùng, Luật được ban hành như thế nào còn được xây dựng bởi chính các đại biểu Quốc hội.
Người dân mong muốn có luật Biểu tình, Thủ tướng đã đề xuất xây dựng luật nhưng cơ quan của Quốc hội lại không đưa luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì phải chăng, cơ quan Quốc hội đã làm chậm hơn so với yêu cầu từ thực tiễn đời sống, từ Chính phủ ? 
Thực ra cũng có đưa nhưng đưa vào dự trữ thôi. Phải nói đây cũng là vấn đề rất mới khi đặt ra. Kể cả trước Quốc hội và đã có đề nghị từ phía Chính phủ. Nó đòi hỏi phải có thời gian. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp thì kỳ họp này ta đưa vào dự trữ nhưng kỳ họp sau ta có thể đưa vào chương trình chính thức nếu quá trình soạn thảo nó được xúc tiến tích cực và có chất lượng.
Hoặc có thể phải chờ sửa Hiến pháp xong rồi mới ban hành luật Biểu tình ?
Nếu Hiến pháp đã quy định quyền biểu tình của người dân thì nó phải được cụ thể hóa bằng luật Biểu tình. Nếu như chuẩn bị tốt thì ngay khi Hiến pháp ban hành, chúng ta sớm có luật điều chỉnh. Ta đã cố gắng tránh luật treo thì chẳng lẽ ta cũng để Hiến pháp treo?
Mạnh Quân (ghi)


tam
ông Dương Trung Quốc phân tích sâu sắc thật, khâm phục, khâm phục, phải nhìn 2 mặt của vấn đề, nếu CP tốt thi chẳng sợ gì cả
Hoàng Lân
Hoan hô đại biểu QH Dương Trung Quốc. Cần sửa Hiến pháp và phải có Luật biểu tình. Dân làm chủ, không có luật biểu tình thì làm sao thể hiện được chính kiến của mình. Chính quyền tác động vào dân những chủ trương chính sách, buộc thực thi chủ trương chính sách nhà nước, nhưng dân cũng có quyền kiểm tra, giám sát. Chính quyền không làm đúng chủ trương chính sách, làm sai luật pháp, thì dân có quyền khiếu nại, có quyền biểu tình. Tiếng Dân
Trịnh Minh Anh
Xin ông Dương Trung Quốc nhớ lại cho chính xác, thời kỳ nhân dân các địa phương ở Thái Bình "nổi lên" chống tham nhũng, không ít nơi xảy ra bạo động do một số kẻ quá khích cầm đầu, trở thành điểm nóng an ninh trật tự là từ 1996 và đỉnh điểm là mùa hè năm 1997. Không phải "nhữngnăm 1980 ..."như ông Quốc nói.
Nguyễn Sinh Sự
Ủng hộ luật biểu tình.
HCM
Hiến pháp đã có tại sao không ban hành luật?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét