Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên tục bị nhắc

Thứ Sáu, 25/11/2011, 09:03 (GMT+7)

TT - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bảy lần phải ngắt phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận để “yêu cầu bộ trưởng nói gọn lại”, “đề nghị bộ trưởng nói rõ hơn”, “tập trung vào các câu hỏi lớn”...
Nhìn chung, phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục vẫn chưa thuyết phục trước các câu chất vấn của 39 đại biểu về nhiều vấn đề giáo dục đang gây bức xúc hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận - Ảnh: V.DŨNG
“Xin bộ trưởng nói gọn lại được không?”
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đặt câu hỏi về sự bất cập giữa đào tạo trong nước, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, có nguy cơ bị đóng cửa trong khi học sinh ồ ạt đi học nước ngoài.
Cắt ngang dòng giải thích rất dài của ông Luận về việc người học có nhiều sự lựa chọn và đi du học là việc bình thường của “thế giới phẳng”, Chủ tịch Quốc hội “xin bộ trưởng nói gọn lại được không? Ý của đại biểu là việc nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu có phải thể hiện chất lượng giáo dục ĐH thấp? Trách nhiệm của bộ trưởng thế nào?”.
GS Văn Như Cương:
Không như mong đợi
Tôi hoàn toàn không thỏa mãn với phiên chất vấn trực tiếp bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Phiên chất vấn được kéo dài thêm 30 phút, “cháy giáo án” mà nhiều vấn đề đáng nói cũng chưa được xới xáo đầy đủ. Cả câu hỏi chất vấn của đại biểu và phần trả lời chất vấn của bộ trưởng đều không như mong đợi.
Tôi thấy bộ trưởng trả lời được một vấn đề về chất lượng đào tạo giữa ĐH công lập và dân lập. Bộ đã nhìn thấy rõ dù hai hệ thống đào tạo này không có gì phân biệt nhưng sự từ chối của một số địa phương và của nhiều doanh nghiệp là hồi chuông cảnh tỉnh cần thiết đối với tư duy và chất lượng đào tạo.
NGỌC HÀ ghi
Câu chuyện “nói không với bằng tốt nghiệp ĐH ngoài công lập” của tỉnh Nam Định mới đây đã được các đại biểu nhắc đến để chất vấn về chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập. Nhưng ông Phạm Vũ Luận đã không chọn trả lời vấn đề này cho đến khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc thì ông Luận mới cho biết “quan điểm của bộ là giữa trường công lập và ngoài công lập không có sự phân biệt, giữa đào tạo tại chức và đào tạo tập trung cũng không có sự phân biệt”. Tuy vậy, ông Luận cũng thừa nhận “việc từ chối bằng ngoài công lập là một tiếng chuông cảnh báo”.
Còn nhiều điều chưa biết đến bao giờ...
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nêu nghi ngại về “tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011 rất cao, có hội đồng thi đỗ 100% thì liệu có thực chất không?” và “kết quả thi lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thấp là do đâu?” cũng được bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng “việc kiểm tra cho thấy kết quả thi phù hợp với kết quả bài thi”.
Còn về môn sử, ông Luận cho rằng “do thí sinh chưa quen với cách đổi mới phương pháp dạy học sử và đổi mới ra đề thi”. Điều đó khiến Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Bộ trưởng nói rõ: ý của đại biểu Trần Minh Diệu là “thi cao” thì có thật không? Hay là “cao” này đánh giá không đúng chất lượng của phổ thông, tốt nghiệp phổ thông mà chỉ sau một năm thôi mà tăng nhanh thế?”.
Thừa nhận có thiếu sót trong việc nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, vị trí của ngành mầm non dẫn đến một loạt bất cập ở ngành học này nhưng ông Phạm Vũ Luận vẫn chưa trả lời được về lộ trình tới khi nào trẻ mầm non các lứa tuổi sẽ không bị thiếu chỗ học.
Tương tự, nhiều vấn đề mà đại biểu muốn biết giải pháp mang tính đột phá hoặc một lộ trình giải quyết dứt điểm như việc chống dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu tiền trường, khắc phục khoảng trống trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, giảm bạo lực học đường, giải pháp xóa dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền... cũng không được giải đáp một cách thuyết phục.
Bị ngắt giữa chừng, đại biểu bức xúc
Rất nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến bậc mầm non, phổ thông được đặt ra nhưng đã không có câu trả lời thỏa đáng. Sau phần giải lao, mỗi đại biểu chỉ được hỏi một câu hỏi. Một số đại biểu bức xúc vì bị chủ tọa phiên họp ngắt giữa chừng không cho hỏi tiếp vì “đã hết giờ”. Sau khi lắng nghe 24 câu hỏi của đại biểu, ông Luận được dành mười phút để trả lời nhưng lần này ông từ tốn đi vào trả lời những vấn đề mà ông Nguyễn Sinh Hùng cho là “đã rõ rồi”.
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét