Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Giọng điệu Hồ Anh Thái - (NLĐ)


Thứ Bảy, 12/11/2011 22:01

Một giọng điệu độc đáo, hiếm hoi, ngoài Hồ Anh Thái hiện khó thấy ở nhà văn nào khác ở xứ ta

Tôi đọc một mạch hết tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái (NXB Trẻ ấn hành năm 2011) trọn vẹn trong một ngày. Gấp sách lại, thở phào, khoan khoái, thỏa mãn và thích thú. Chỉ nói về nghề văn thôi, cũng đã thấy có nhiều điều đáng nói.
Trước hết, phong cách biểu hiện này, bút pháp này là một sự lựa chọn thông minh và phù hợp. Tất nhiên có thể có những chọn lựa khác nhưng đây là một giọng điệu độc đáo, hiếm hoi, ngoài Hồ Anh Thái hiện khó thấy ở nhà văn nào khác ở xứ ta. Cuộc sống đầy những yếu tố bất thường, nghịch dị hiện thời chính là cái nhân tố hiện thực, là cơ sở vô hình của bút pháp này. Một sự hài hòa giữa nội dung câu chuyện và hình thức thể hiện. Hồ Anh Thái thường chú trọng lựa chọn được giọng điệu cho phù hợp với nội dung – nội dung nào thường có cách thể hiện ấy, ngôn ngữ ấy, rất đa dạng.
Sức chinh phục của tiểu thuyết còn là ở mạch văn cuồn cuộn sự sống bắt nguồn từ một nội lực văn hóa và tầm thẩm mỹ đáng kể. Và đó chính là lý do khiến người đọc bị cuốn vào, bị mê đi suốt 343 trang sách không mảy may bị sa sút về sự cường thịnh dạt dào bất cứ khi nào. Nói rõ hơn, cuốn sách ăm ắp sự sống.
Và cùng với nó là sự uyên bác, thông hiểu (quả ổi sâu ngọt hơn quả ổi thường, tr. 231; People said. Thực ra là tôi nói, tr. 232…) và có được cả một khối lượng kiến văn, một cơ tầng văn hóa cơ bản và dày dặn được biểu hiện một cách thoải mái, tự nhiên ở phía sau mỗi con chữ. Thành ra viết mà như không viết, dồn nén mà thanh nhàn hóm hỉnh, căng thẳng mà an nhiên đủng đỉnh, động chạm tới cùng cái thô bỉ mà không dung tục suồng sã, bề ngoài chờn vờn mà thâm sâu ẩn ức, vẻ như bỡn cợt mà nghiêm cẩn chua cay. Không có cuộc đời, không có một bản lĩnh văn hóa, tài năng thiên biến và rung động sâu xa về cái đẹp, khó mà viết được như thế!
Các nhân vật đều thật sự là nhân vật văn học; nói thế vì từ Đại Gia, ông Cốp đến Thư Ký, Luật Sư, Giáo Sư… các loại nhân vật tiêu biểu của xã hội ta lúc này, nhân vật nào ra nhân vật ấy, đều có cái thực và cái ảo, cái hình và cái bóng, cái chân thật và cái ẩn dụ, cái xác thực và cái nhòe mờ, cái hiểu được và cái không nắm bắt được.
Người đọc cảm nhận được, tâm đắc được là nhờ ở chỗ đó. Ý này ở tôi cũng đã manh nha từ lâu: Văn học ta, nhân vật nhiều khi cứ như bản sao ở ngoài đời và lý luận phê bình văn học nhiều lúc cho thế là hiện thực, là thành công. Ở SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái đã chứng minh thêm một điều: Nhân vật chỉ tưng bừng sinh sắc một khi nó từ ngoài đời bước vào trang sách, sau khi đã được nhào nặn hư cấu đến độ khó rạch ròi chia tách đâu là đời thực, đâu là sự bồi đắp gia giảm của nhà văn. Khi ấy mọi cố gắng đối chiếu nó với nguyên mẫu đều trở nên máy móc và thiếu chuyên nghiệp.
Cuốn sách một lần nữa hiển hiện cái tài tung hoành về bút lực và chữ nghĩa của tác giả. Nhà văn mà không giàu chữ thì có còn là nhà văn nữa hay không! Đây là một bữa đại tiệc rất nhiều đặc sản về ngôn từ và giọng điệu. Giễu nhại, hài hước, đùa nghịch, châm chích… Nói lái - nói ngược - nói nhại - nói bóng nói gió - chêm đệm - liên tưởng - ẩn dụ - hoán dụ…
Chỉ riêng việc nhại lối nói dân gian, tạo ra những thành ngữ, tục ngữ mới theo kiểu “giả cổ” và “cập nhật” cũng đã gây hưng phấn cho người đọc: Từ câu “chia loan rẽ phượng, chia uyên rẽ thúy”, Hồ Anh Thái thêm: “chia sim rẽ dế”. Đấy là cái điện thoại di động (dế) trong mối quan hệ với cái sim điện thoại. Rồi từ câu “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”, Hồ Anh Thái đi tiếp: “nuôi ma trong máy tính”. Chả là cái máy tính ấy có con chuột quang làm gián điệp hai mang, lấy thông tin trong máy tính để chuyển ra cho lũ chuột ngoài đời. Ăm ắp những trò chơi chữ nghĩa và công phu chữ nghĩa như vậy.
Người đọc trăn trở với những vấn đề của đời sống hôm nay, trăn trở với hướng đi đổi mới cho văn học chắc sẽ thú vị với cuốn tiểu thuyết này của Hồ Anh Thái.
Ma Văn Kháng
[Quay lại]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét