Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Từ “chống chính phủ” đến “xúc phạm nhân dân”

Quốc hội tranh luận nảy lửa về luật Biểu tình

SGTT.VN - Thảo luận tại hội trường sáng 17.11 về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã tranh luận nảy lửa với nhiều đại biểu về việc có nên đưa luật biểu tình vào trong chương trình làm luật hay không.
“Có luật biểu tình, đất nước sẽ an nguy”?
Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) mở màn với đề nghị “Quốc hội loại bỏ luật lập hội và luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII này”.
Đại biểu Dương Trung Quốc (phải) tỏ ra giận dữ trước nhận định “đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình” của ông Hoàng Hữu Phước (trái).
Theo ông Phước, biểu tình trong tiếng Anh là “Demonstration” – tức là luôn để “chống chính phủ nước mình hay một chủ trương của chính phủ nước mình”. Mở rộng hơn, ông nói “còn tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ nước mình hay ủng hộ một chủ trương của chính phủ nước mình, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với chính phủ nước khác thì đó là đức tin hoặc cuộc tuần hành biểu dương lực lượng”.
Từ cách hiểu đó, ông Phước đặt câu hỏi: “Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không?” Ngay từ đầu, ông cho là không cần, nên câu hỏi tiếp theo, theo cái logic của ông là “Nếu không cần tại sao lại đưa dự án luật biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ?”
Theo ông, “cái Việt Nam cần, có thể là những quy định về đức tin, về tuần hành đông người. Nhưng liệu Quốc hội có nên dành ra hai năm và bao tiền của của nhân dân để soạn ra dự án luật đức tin hay luật tuần hành hay không?”
“Đương nhiên có những khó khăn, nhạy cảm và chúng ta phải thận trọng, có lộ trình thích hợp. Nhưng không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề xuất xây dựng luật biểu tình”.
Đại biểu Dương Trung Quốc
Vị đại biểu này kể rằng, khi đi ngang qua vài “cuộc tập hợp đông người” gần đây ở TP.HCM chống đường lưỡi bò, ông đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng “nguyền rủa, thoá mạ, văng tục đầy đe doạ những người đang tập hợp mà ta gọi là biểu tình ấy”. “Sự giận dữ này có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa vài nhóm người biểu tình và chống biểu tình, chưa kể những cuộc tập hợp đông người ngoài trời ấy có xâm hại quyền tự do đi lại của người dân”, ông tỏ ra lo lắng.
“Dự án luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm?”, ông lại đặt câu hỏi và lần này tự tin trả lời: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
Sau đó, trao đổi với báo chí trong giờ giải lao, ông Phước còn “thề” nếu có một cuộc trưng cầu dân ý về chuyện này, thì ông sẽ tự bỏ tiền túi đi khắp đất nước “để làm công tác tư tưởng, thuyết trình với người dân về an nguy của tổ quốc thế nào, nếu có biểu tình xảy ra”.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nhìn nhận việc một bộ phận quần chúng ở TP.HCM và Hà Nội xuống đường phản đối đường lưỡi bò là có “động cơ tốt” song còn cả “vấn đề sâu xa” ở đằng sau thì phức tạp hơn nên ông “thống nhất” với đại biểu Phước là “chưa nên ra luật biểu tình trong thời điểm hiện nay”. Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho rằng “cần phải tính toán thời điểm ban hành cho nó phù hợp”, bởi theo ông hiểu thì “biểu tình có hai mặt là ủng hộ và phản đối, nhưng thường người ta nói đến biểu tình là nói đến phản đối, chống đối là chính”. Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) thì đề nghị nên tăng cường “đối thoại để tránh… biểu tình, có luật biểu tình thì vô hình trung có thể thành... chống chế độ”.
“Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước
“Xúc phạm nhân dân”
Đại biểu Dương Trung Quốc tỏ ra giận dữ trước nhận định “đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình” của ông Phước. Thậm chí, ông còn nặng lời khi gọi “những phát biểu thế là xúc phạm người dân” và “khuyên” đại biểu Quốc hội không nên nhân danh nhân dân mà hãy đại diện cho cá nhân của mình thôi đã, “trừ khi có uỷ nhiệm (của nhân dân) hoặc có điều tra định lượng để nói người dân phản đối cái đó”.
Ông Quốc nhắc lại bản Sắc lệnh 31 ban hành 11 ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, theo đó nội hàm của quyền “biểu tình” đã xuất hiện. Văn bản này viết rằng “công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài. Theo ông, dù Hiến pháp năm 1946 không có hai chữ “biểu tình” nhưng điều đó đã được giải thích từ sắc lệnh trước đó: tự do hội họp là nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hoà nhưng trong tình thế đặc biệt cần phải xem xét kiểm soát các cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao”. Rồi sau đó, chữ “biểu tình” đã được đưa vào trong chính văn, ở chương 3, điều 58 của Hiến pháp năm 1959 khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vì vậy, ông Quốc cho rằng chuyện biểu tình “phải nhìn từ hai góc độ: quyền cơ bản của người dân và công cụ hành pháp để thực thi, chứ nếu chỉ nhìn một mặt thì chỉ thấy mặt hỗn loạn”.
Liên tưởng những cuộc tụ tập đông người, biểu tỏ thái độ của người dân vừa qua với thời kỳ Đổi mới, với những hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình, ông Quốc cho rằng nếu quan niệm đơn giản như đại biểu Phước thì chỉ có cách dẹp bỏ. “Nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu, thấy hai mặt của vấn đề, có những yếu tố kích động nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến điều chỉnh một cách thích hợp”, ông Quốc phân tích.
Đại biểu này bày tỏ quan điểm: bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người thực chất là biểu tình, để có ứng xử thích hợp thì “ta nên nói đúng tên của nó”. Cách ứng xử đó, theo ông, là ban hành luật biểu tình.
“Người dân mong muốn rằng những tình cảm, cách thể hiện của họ đúng lúc, đúng chỗ, nói cách khác là có luật. Luật biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, chúng ta bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và chúng ta bảo đảm quyền của người dân”, ông Quốc nói. “Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn”, ông nhấn mạnh.
Chí Hiếu
Luật lập hội tiến đến xoá sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (?)
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 44 tổ chức thành viên, nếu xếp theo các loại hình tổ chức như đoàn thể chính trị, tôn giáo, từ thiện, xã hội và nghề nghiệp thì có đến 22 hội đoàn trong nhóm nghề nghiệp... Nếu như vẫn còn thiếu các hội nghề nghiệp khác mới xuất hiện do sự phát triển của xã hội thì có thể thành lập mới cùng trong quy mô rộng khắp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nếu luật lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hoá, tiến đến xoá sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vậy luật lập hội có cần không?
(Trích ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước trong phiên Quốc hội thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại hội trường, 17.11.2011)
Đọc thêm:
  • Nguyên văn phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước
  • Nguyên văn phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc
  • Quyền biểu tình: tránh để luật “treo”, sao để Hiến pháp “treo”?
  • Nguyễn Linh
    Thật thất vọng và bức xúc khi một đại biểu quốc hội mà phát biểu như vậy. Tôi cảm thấy giận khi đọc câu :".. Do dân trí còn thấp..?!!!". Quả thật, tôi cảm thấy bị xúc phạm, và tôi nghĩ nhân dân cả nước cũng cảm thấy bị xúc phạm khi nghe câu nói này. Đại biểu quốc hội, đại diện cho tiếng nói của người dân, hơn nữa lại là tiếng nói của nhân dân thành phố mang tên Bác mà lại như vậy sao?
    Lê Anh
    Bát bỏ luật biểu tình rồi người dân bức xúc quá thì sẽ như thế nào đây, đến lúc ấy mà dân có đổ ra đường biểu tình thì coi là phản, là phạm pháp mất thôi!!! Bởi thế nên đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, im lặng là vàng.
    kimkim
    Theo ý kiến của tôi thì Biểu tình là việc rất cần thiết cho một quốc gia dân chủ vì khi chính phủ đưa ra một dự án, 1 đạo luật mới thì phải được sự đồng tình của người dân. Những luật đó cũng vì nhân dân, buộc nhân dân phải tuân thủ nhưng nếu người dân không đồng tình thì lấy ai mà tuân thủ. Vì thế phải có sự tác động hai chiều từ chính phủ và người dân. Những người dân cũng không phải không có nhận thức khi tự nhiên đi biểu tình để làm rối loạn đất nước? Những điều mà người dân bức xúc là những hành động sai trái của các quan chức khi thực hiện sai chỉ bị khiển trách mà không có một động thái xin lỗi hay từ chức. Khi có Luật biểu tình sẽ là áp lực buộc các quan chức đó phải thực hiện tốt hơn hoặc từ chức nhường cho những người xứng đáng hơn. Với sự quan trọng của nó nên phải có 1 luật biểu tình nhằm hướng dẫn người dân khi biểu tình đúng quy định, vẫn trật tự, an ninh. còn việc ông HHP phản ánh những lời chỉ trích của người dân cho những hành động biểu tình về đường lưỡi bò thì có lẽ người dân ai cũng hiểu đó là những phần tử quá khích. Đây không phải là ví dụ cụ thể cho nhận xét “Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
    Nguyễn Thành Long
    Xét về mặt khoa học, phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước có ba vấn đề : (1) đồng nhất hai khái niệm phân biệt là quan điểm của một đại biểu quốc hội và ý nguyện của cử tri; (2) lập lờ đi đến kết luận ở một phát biểu tổng quát hóa, mà lẽ ra chỉ là một giả thuyết, khi khẳng định rằng "Đa số người dân..."; (3) dân trí là một khái niệm cần được định nghĩa, đo lường và kiểm định - phải có kết quả đo mới cho là cao hay thấp (còn cao hay thấp để phù hợp với hoạt động biểu tình là việc khác) .
    Năm
    Tại sao nhìn biểu tình quá cực đoan vậy? Biểu tình có phải là "meeting" không? Vậy những cuộc meeting hằng năm chào mừng những ngày lễ lớn không phải là biểu tình à? Từ biểu tình nó không có hàm nghĩa tiêu cực "cực đoan như ông Phước nghĩ, mà biểu tình tức là tập họp phát biểu những gì mà người dân chưa có hoặc chưa có điều kiện nói ở chỗ "như các vị đã đứng phát biểu". Thật đáng tiếc cho "tư duy" của 1 đại biểu đại diện cho người dân của thành phố mang tên Bác. Nên có "văn hóa " và thận trọng hơn trong khi phát biểu, vì mình là đại diện của dân mà?
    Nhanh Nguyen
    Hoan hô ĐB. Dương Trung Quốc! Ông đã dám lên tiếng về những điều nhạy cảm (biểu tình), dám nói lên tiếng nói tiến bộ của nhân loại, dẫn chứng hùng hồn về tư tưởng của Bác. Và thật đáng tiếc cho đại biểu Hoàng Hữu Phước, tự nhân danh nhân dân mà đi ngược lại lòng dân. Tôi không biết ông Phước lấy cơ sở nào mà nói đa số người dân không ủng hộ biểu tình? Lại còn đòi "xóa bỏ luật lập hội và luật biểu tình?!!! Xin ông nhớ cho: Không có biểu tình chống Pháp - chống Mỹ thì có được đất nước VN như vây giờ hay không? Thế giới họ không biểu tình ủng hộ VN - chống chiến tranh VN, thì chúng ta có được sự tôn trọng ủng hộ (từ tinh tần đến vật chất) để mà làm nên những chiến thắng lịch sử hay không? Các chính sách hiện nay của NN và hành động của các cán bộ trên dưới có đảm bảo "vì nhân dân" hết chưa? mà dám phủ định quyền lên tiếng của người dân? Chính vì hiện nay không có Luật biểu tình rõ ràng, mà hàng trăm hàng ngàn người dân yêu nước xuống đường đả phá chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông... đã bị xem như tội phạm! Yêu nước mà là phạm tội? thử hỏi luật pháp của nước ta có lỗ hổng hay không?
    Lê Biên Cương
    Ủng hộ có luật biểu tình
    Long
    Ông Dương Trung Quốc nói rất đúng, đừng mang ý kiến cá nhân mình là nhân danh nhân dân. Xin thưa ông Hoàng Hữu Phước, ông dựa vào cơ sở nào mà cho rằng "Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình...", ông có mở cuộc thăm dò dân ý chưa?
    Trần Khang Thụy
    "Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn." Ông Đại biểu Hoàng Hữu Phước dựa vào căn cứ nào để phát biểu "đa số" ?. Đã có thực hiện việc thăm dò dư luận dựa trên một vài phương tiện thông tin đại chúng có uy tín như lời Đại biểu Dương Trung Quốc: “trừ khi có uỷ nhiệm (của nhân dân) hoặc có điều tra định lượng để nói người dân phản đối cái đó”. hay chưa?.
    sanh
    Luật đã có quy định về việc tụ tập đông người rồi. Hình như đại biểu P. chưa đọc sao? Chuyện này rất tế nhị. Nếu không có cơ sở Thủ tướng đã không đề nghị "luật biểu tình". Chúng ta là đại biểu của dân. Đừng "xem thường" dân theo kiểu phát biểu của đại biểu P..Quốc hội là của nhân dân bầu ra. Điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi của dân thì nên bàn tới, chứ đừng bàn lui.
    Nguyễn Văn Nguyễn
    Thật thất vọng, trước phát biểu của ông Phước. Có lẽ ông HH Phước nên học và đọc lại Hiến Pháp, Luật Mặt Trận Tổ Quốc, Lịch sử Thế Giới và Việt Nam thì ông sẽ rõ hơn về Biểu Tình từ đó mới đánh giá chính xác được thế nào là luật biểu tình. Thật xấu hổ và hổ thẹn là một cử tri TP. HCM khi đã bầu ông Phước vào đại biểu QH, người vừa không đủ kiến thức cơ bản về Hiến Pháp nhưng lại là một đại biểu Quốc Hội, một đại diện nhân dân cả nước.
    đình anh
    biểu tình là hành động tự phát đễ phãn đối điều gì mà không phù hợp với quần thễ dân cư đó. Nếu đã nỗ ra thì làm gì cần luật ,truớc giãi phóng ta đứng ra tỗ chức biễu tình chống Mỹ ngụy thì làm gì có luật,tức nuớc vỡ bờ thôi,nếu yêu sách đó không phù hợp với chính quyền sở tại thì có đàn áp .Nếu biểu tình mà ....làm đơn xin thì chẵng ai cho!?
    ý kiến bạn đọc
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét