Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Đổi mới toàn diện nền giáo dục chứ không thể (05/11/2011) - (ĐĐK) - (Tựa lạ quá !)


Ở tuổi ngoài 80, bà vẫn giữ nguyên phong cách lịch lãm của một nhà ngoại giao kỳ cựu. Cho dù có nói về vấn đề bà đang tâm huyết nhất, cho dù vấn đề đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội, từ đầu đến cuối câu chuyện bà giữ một sự mực thước, nói trúng vấn đề bằng sự khúc triết, sắc sảo trong tư duy. Có thể nói rằng đáng lẽ vào tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng nỗi trăn trở về nền giáo dục nước nhà chưa bao giờ vơi cạn trong tâm trí bà – nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Mà bà không chỉ nói, chỉ nghĩ, bà còn hành động, bà chủ trì những nhóm nghiên cứu về đổi mới giáo dục, bà chủ trì Quỹ Hòa bình và phát triển, bà chủ trì Giải thưởng Phan Châu Trinh... Làm việc gì cũng chỉ để nhằm đến một mục tiêu: Khai dân trí.
 
Ảnh: Hoàng Long
 
Thưa bà, câu chuyện đổi mới giáo dục không phải cho đến bây giờ mới được đặt ra, cá nhân bà bao nhiêu năm nay cũng trăn trở với một vấn đề: cải cách giáo dục?
Nguyên Phó Chủ tịch nước (PCTN) Nguyễn Thị Bình: Hơn hai chục năm qua, Đảng đã nêu ra một loạt quan điểm về giáo dục, phù hợp với yêu cầu và đường lối đổi mới kinh tế - xã hội của Đảng. Nhưng nhìn lại, những quan điểm đúng đắn đó mới dừng ở nhận thức ban đầu, chưa được cụ thể hóa và quán triệt đầy đủ trong hành động. Vì vậy, giáo dục chưa thực sự chuyển biến. Tình trạng yếu kém, lạc hậu về giáo dục đang là nỗi bức xúc của cả xã hội và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Thực tế ngày càng chứng tỏ, giữa nhiều vấn đề cần giải quyết, cái quyết định để đất nước phát triển bền vững là con người, là văn hóa. Chính vì vậy phải chăm lo phát triển giáo dục để đào tạo con người có nhân cách, cả phẩm chất và năng lực. Không thể vì những đòi hỏi tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ giáo dục. Vừa rồi Đại hội XI đặt vấn đề: "đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”. Rõ ràng, yêu cầu chuyển biến về giáo dục đã thực sự trở nên cấp bách.
Tôi và nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Đổi mới hay cải cách, trong trường hợp này, không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện. Những vấn đề này, tôi đã nhiều lần phát biểu với Bộ GD&ĐT, cả với một số các đồng chí có trách nhiệm ... nhưng rất tiếc, đã không được ai lắng nghe...
- Thưa bà, như bà vừa nói, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng trong thực tiễn đôi khi giáo dục đang được quan niệm chưa đúng, khiến cho nó ngày càng xa rời mục tiêu, kéo theo những bất cập như chúng ta đã thấy?
Đặt ra nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở thời điểm này bởi giáo dục đang lạc hậu, bất cập so với yêu cầu hiện nay và lại bất cập so với yêu cầu mà chúng ta mong muốn đối với giáo dục. Chỉ có điều chúng ta phải giải quyết những bất cập này như thế nào cho bài bản, có lộ trình.
Ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển hiện nay, giáo dục phổ thông của họ cũng do Nhà nước lo, không thu học phí, và phần lớn các trường ĐH hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Nước ta còn nghèo thì chúng ta phải tính từng bước. Xác định kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải xác định thị trường ở những lĩnh vực cụ thể, chứ không phải lĩnh vực nào cũng là hàng hóa. Như đã nói, vì còn nghèo nên mình phải tính từng bước trong giáo dục, có những bậc học Nhà nước đã miễn phí, có phần Nhà nước đã lo được, có phần phải xã hội hóa, nhưng cũng phải cẩn thận vì xã hội hóa và thương mại hóa hoàn toàn khác nhau. Hiện nay chúng ta đang có sự chệch choạc trong vấn đề này, dẫn đến những quan niệm lệch lạc, giáo dục không phải là thứ để kinh doanh lấy lợi nhuận. Chỗ này ta đang bị bung ra mà chưa đủ sức quản lý.
Xin phép được ngắt lời bà, ở bậc học gọi là miễn phí ở nước ta hiện nay là bậc tiểu học thì Nhà nước không thu học phí nhưng trong thực tế các gia đình, nhất là ở thành phố vẫn đang phải đóng rất nhiều loại phí.
Đấy là sự thiếu minh bạch. Chúng ta nói miễn phí trong giáo dục, nhưng lại bắt người đi học đóng góp nhiều khoản khác là cách quản lý không phù hợp của nền giáo dục ở ta. Đáng lẽ bây giờ phải làm rất rõ ràng, rất minh bạch: Nhà nước lo được đến đâu, chỗ nào chưa lo được cần công khai cho nhân dân biết. Còn những phần gì Nhà nước chưa lo được thì trước mắt gia đình và xã hội phải lo. Thông báo công khai rõ ràng để người dân biết vì sao mình phải đóng góp. Nếu chúng ta mù mờ thì ngân sách nhà nước rót cho giáo dục không ít mà lại tạo cơ hội cho các hành vi tiêu cực. Tôi vừa nói vì đất nước còn khó khăn có thể trước mắt gia đình và xã hội phải góp thêm chứ về lâu dài giáo dục phổ thông tức là giáo dục bắt buộc phải được miễn phí hoàn toàn.
 
 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
 
- Theo bà, bất cập lớn nhất hiện nay của giáo dục nằm ở đâu?
Đó là tình trạng mất cân đối về cơ cấu hệ thống giáo dục giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó, nếu nói riêng về giáo dục đại học thì người ta không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua. Chỉ từ 2006 đến 2010, chúng ta đã mở thêm 64 trường đại học và cao đẳng, trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên đại học. Vậy làm gì có chất lượng đào tạo ở giáo dục đại học? Bước vào thời kỳ đổi mới, đối với đại học - cao đẳng, đã từng có chủ trương "mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra” nhưng rồi quy trình này bị dỡ bỏ và các trường đại học, cao đẳng đang thực hiện một quy trình đảo ngược: "thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”...Còn về chủ trương xã hội hóa, trong các trường ngoài công lập, phần lớn đều vì lợi nhuận, loại trường không vị lợi chưa định hình. Đối với giáo dục mầm non, đã có chủ trương phổ cập hóa nhưng trẻ em 3 đến 5 tuổi cư trú tại các các khu công nghiệp và thành phố vẫn thiếu chỗ học mẫu giáo...
- Nhưng thưa bà, rõ ràng chúng ta cũng không thể cùng một lúc đổi mới tất cả những tồn tại hiện nay của nền giáo dục?
Tôi đã nói rồi, muốn đổi mới căn bản và toàn diện thì phải làm một cuộc cải cách giáo dục chứ không thể nào giải quyết từng việc theo kiểu vá víu. Ví dụ như bây giờ báo chí đang nói về vấn đề quá tải, Bộ GD- ĐT cũng đang chủ trương giảm tải 30%, về điều này cả giáo viên và học sinh nghe chắc là sẽ phấn khởi. Theo tôi, giải quyết như vậy là chưa được, vì chương trình, SGK là cả một hệ thống, vậy giờ cắt chỗ nào, bỏ chỗ nào... Hay bây giờ nói là xây dựng chương trình mới, SGK mới, nhưng thử hỏi xây dựng theo hướng nào, nếu như chúng ta chưa giải quyết những vấn đề cơ bản về cơ cấu lớp học, về mục tiêu, yêu cầu về nội dung phương pháp.
Để làm được như thế, trước hết là phải có một nhận thức chung, một quan điểm chung về những vấn đề lớn của giáo dục qua đó xem cái gì làm trước, cái gì làm sau. Phải xác định xem, hệ thống giáo dục quốc dân của ta hiện nay như thế đã ổn chưa? Dạy nghề và ĐH đã hài hòa chưa? Rồi vấn đề dạy nghề sẽ phải phát triển hơn bây giờ, chứ không thể để HS chỉ chọn duy nhất con đường vào ĐH. Rồi một vấn đề nữa mà chúng tôi cho rằng có lẽ phải nhìn trong tổng thể, đó là chương trình và SGK. Hiện nay chương trình phổ thông đang nặng về chữ nghĩa, trong khi mục tiêu của giáo dục phổ thông là giáo dục nhân cách con người, như vậy chương trình nội dung phải bám sát cái đó chứ.
- Thưa bà, chúng ta cần đổi mới căn bản và toàn diện, nhưng như bà nói cũng phải có lộ trình, vậy trước yêu cầu đổi mới hiện nay, chúng ta cần chọn khâu nào đột phá?
Hiện nay một nhóm các nhà khoa học của Quỹ Hòa bình và phát triển đang nghiên cứu đề tài: Các giải pháp để xây dựng đội ngũ giáo viên phổ thông có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu của chúng tôi, phẩm chất và năng lực đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định kết quả cải cách giáo dục. Do đó cần phải quan tâm đặc biệt trước mắt cũng như lâu dài là xây dựng đội ngũ giáo viên, nếu mở rộng ra là cả cán bộ giảng dạy đại học và cao đẳng nữa. Chất lượng giáo dục đang không tốt có một phần do chương trình, SGK có vấn đề, nhưng có phần quan trọng là năng lực còn hạn chế của người giáo viên. Chúng tôi cũng cho rằng cần tập trung vào đổi mới giáo dục phổ thông, coi đây là nền tảng giáo dục. Nếu làm tốt giáo dục phổ thông thì con người mà chúng ta đưa đi học nghề, học ĐH sẽ có một nền tảng tốt, trong đó quan trọng là nhân cách. Cùng với đó là phải cải cách về quản lý, coi như đây là một vấn đề quan trọng trong tổ chức của ngành giáo dục. Lâu nay chúng ta đang quản lý một cách cứng nhắc, lạc hậu nhất là quản lý trong nội bộ ngành, ở từng trường... Cung cách này không phát huy được trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý.
Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này
Cẩm Thúy - Hương Lê (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét