Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Hôm nay ngày khai giảng...

Hôm nay mình lên trường lúc 6 giờ 45 sáng.
Ngồi chờ  tới giờ làm lễ...

Sân trường tràn ngập...tiếng loa !
Loa gọi học sinh, loa xếp hàng, loa mang ghế, loa gọi riêng một số lớp,...
Nội chỉ việc xếp hàng học sinh mà phải đến năm bảy thầy thay nhau điều khiển...nhưng không thể ổn định được !
Chuyện này tớ đã nhiều lần có ý kiến rồi. Phương pháp dễ nhất là "cho học sinh ngồi xuống" để quản lý số đông, quản lý cho được cả tập thể. Các em sẽ "bị" cái tâm lý số đông của những người xung quanh "quản lý" mình. Thật vậy, đối với người lớn ta cũng vậy, trước đám đông, ở giây phút đầu tiên bao giờ chúng ta cũng dễ "mất tự tin". Vì thế, cho tất cả các em cùng ngồi xuống tức là chúng ta đang "ổn định" cái đại bộ phận (có thể cũng còn ồn ào nhưng chắc chắn là không xáo động đội hình, vì người điều khiển có thể nhìn bao quát được khối đông người ấy từ gần đến xa). Một khi cái "đại bộ phận" ấy được quản lý thì chính là lúc người điều khiển đang "làm chủ" tình hình, lúc bấy giờ ta mới lần lượt điều chỉnh đội hình theo ý đồ của mình : sắp xếp khối hay lớp hay từng cá nhân.v.v. ta chỉ việc cho khối ấy, lớp ấy, cá nhân ấy "đứng dậy"(trong cái toàn thể "đang ngồi" mà bị cho "đứng dậy" thì dễ dàng "ngại ngùng", mà hễ "ngại ngùng" thì không còn đủ "tự tin" để quậy phá hay làm bất cứ điều gì tự phát... chính vì vậy nên có tâm lý mong mỏi được "ngồi xuống" theo số đông)...là xong (nhưng cần chú ý là phải giải quyết nhanh, nhẹ nhàng nhưng cương quyết...để khỏi mất thời gian chung). Nắm được cái "tâm lý mất tự tin trước đám đông" ấy, người điều khiển tập hợp sẽ có trong tay thứ"vũ khí" vô cùng lợi hại khi điều hành một tập thể, nhất là khi tập hợp một đội hình đông người. Những em bị gọi đứng lên sẽ "rất ngại ngùng", "ngại ngùng" vì em đã hiểu ra rằng : trong cả một tập thể đang yên lặng, cá nhân nào "động đậy" sẽ bị chú ý , và có thể suy rộng ra điều mà chúng ta, những người điều khiển, muốn gửi tới các em là : một tập thể dù có thể là tồi nhất cũng vẫn không chấp nhận kẻ coi thường tập thể được!

Ấy vậy mà các đồng chí nhà ta làm hơn nửa giờ mà vẫn lập chà lập chập, chuyển tới chuyển lui, ý kiến này bị ý kiến kia phủ định, rồi lại chuyển, lại dời... Như vậy thì có tài thánh mới mau chóng ổn định được đội hình!
Cung cách ấy không tương xứng với một trường trung học cơ sở, nơi mà hầu hết các em đang là Đội viên Đội TNTP HCM, có thể gọi đó là cung cách "làng xã". Biểu hiện tệ hại rõ nhất của cung cách điều khiển này là việc "nói hết chuyện dại trong nhà" cho thiên hạ biết chơi ! Ấy là thói quen sử dụng hệ thống phát thanh không hiệu quả và phản tác dụng : người điều khiển cứ đứng một chỗ cầm micro oang oang la toáng lên. Những lúc như vậy đâu cần phải nói "to" cho người qua đường ai cũng phải biết như vậy ! Ta chỉ cần kêu gọi chính thức 1 lần chung cho toàn trường (đó là lệnh ! Lệnh chung), sau đó để mọi bộ phận đích thân xuống đội hình cầm tay chỉ việc. Khi đã quản lý được cái "đại bộ phận" (như trên đã phân tích) ta chỉ cần "nói miệng" (không micro) để sắp xếp từng "tiểu bộ phận". Làm như thế vừa nhẹ nhàng, vừa tạo được không khí thân thiện trên sân tập trung, vừa tiết kiệm sức lực, tránh để những thông tin thô ráp phóng ra bên ngoài và đặc biệt là vừa tránh được hiện tượng phản cảm : người bị điều khiển thì không nhúc nhích còn người ngồi (khách đến dự, người đi đường,...) thì nghe và thấy được tất cả cái "cảnh hậu trường" bên trong. Trong lĩnh vực hoạt động gắn với công chúng, tập thể, xã hội ... cũng giống như trong lĩnh vực nghệ thuật, mọi sự "hé mở" để lộ "cảnh hậu trường" là điều tối kỵ nghiêm ngặt. Vì sao ? Vì nó mất hết tính bất ngờ, thú vị cho người "thưởng thức" sau khi sản phẩm được chính thức công bố, hơn nữa là vì những cái đang tập dượt, cái thô ráp ấy, suy cho cùng đều là..."giả", chưa thật , mà người ta chỉ thưởng thức cái THẬT !

Ai đời, đại biểu đã đến và ngồi vào ghế mời hết rồi (tuy chưa chính thức lễ) mà buổi lễ còn "đang đạo diễn" với những bước thô ráp nhất. Những đại biểu, khách mời ấy bất đắc dĩ phải chứng kiến tất cả các "màn" biểu diễn nháp thì còn gì là thú vị nữa khi vào buổi lễ chính thức ! Không thể chấp nhận được việc làm cẩu thả ngay trên sân trường trước những phút kề cận giờ khai mạc buổi lễ như vậy .Việc tập dượt sắp xếp cách "ra mắt" học sinh lớp 6; đặc biệt là cách tập hát Quốc ca (cùng với đội trống) đến 4 lần tập đi tập lại mà vẫn không ra hồn (cô giáo Nhạc trực tiếp cầm micro "thử giọng" luôn trong khi tập - cũng cần chú ý thêm cao độ chưa chuẩn ở nốt ứng với ca từ "quân thù" !!!) diễn ra như "thiệt" trước mặt mọi người là một sự "tô cáo" ngược lại chính chúng ta : làm việc thiếu bài bản, không khoa học, làm cho xong  và tắc trách "nước đến chân mới nhảy" !

Việc ngày khai giảng một số năm học gần đây giảm đi nhiều ý nghĩa vì nó không còn là đỉnh điểm dồn nén của mọi tâm trạng háo hức, hồi hợp, chờ đợi của thầy và trò trong suốt mấy tháng nghỉ hè mà lại như là một thủ tục làm cho có lệ, làm để hợp thức hoá cho cái "chặng đầu" và "chặng cuối" của một năm học (tỉ như có "bế giảng" thì phải có cái gọi là "khai giảng" mà thôi !) sau khi các trường THCS đã học hơn hai tuần lễ. Cái cảm giác "bình thường" ấy thể hiện rõ trên nét mặt, tư thế của từng người  - đại biểu, thầy cô, học trò...
Cái tâm trạng và tư thế đó đã đi vào trong ngôn ngữ của từng người từ anh dẫn chương trình buổi lễ đến người đại biểu đọc thư của CTN Trương Tấn Sang, phát biêu của bí thư Đảng uỷ Xã, rồi bài cảm tưởng của học sinh...cái thì đọc như một cái máy, cái thì thủ tục thưa gửi tối thiểu cũng không có, lời cảm tạ thì gượng gạo (người dẫn chương trình còn "quên" mất phút mặc niệm), nhất là bài đọc (phát biểu cảm tưởng) của học sinh (em HS đó lầm tưởng mình cũng "phát biểu ý kiến" như ông Bí thư Xã , khi em đọc là "...thay mặt các bạn học sinh toàn trường, em xin có ý kiến..."),...Đến hồi trống khai trường cũng không còn ai chú ý khi thầy HT lên đánh thì "bị" phân tán và pha loãng bởi tiết mục "cắt" bong bóng bay của cô PHT và khách Xã Đoàn (đáng lý ra, phải để cho "hồi trống hiệu" kết thúc vuông vức, rõ ràng (chú ý là "trống hiệu khai trường" còn phải thêm 3 hay 6 tiếng nữa) sau đó mới "thả" bong bóng bay ! Có thể người dẫn chương trình "quên" nên gây ra sự thể như vậy (?) . Mà việc "cắt" bong bóng bay của cô PHT cũng lúng túng đến nỗi cắt xong đã "bỏ lại" câu khẩu hiệu nơi cột cờ khi cả chùm bong bóng cứ thẳng hướng trời xanh...Thật uổng công mấy thầy Giám thị đã "vất vả" đi bơm bong bóng, cột thành chùm và chạy in ra cái câu khẩu hiệu trên tờ giấy A4 để gọi là "gói trọn tâm tình của thầy và trò toàn trường" đối với ngày trọng đại của năm học.

Đấy là những cái lỗi không đáng để xảy ra trong môi trường giáo dục, trong nhà trường, khi mà ngày nào chúng ta vẫn hô hào cổ vũ cho những điều cao xa... Đừng để nó cứ lập đi lặp lại đến ...nhàm, là không nên.
Hình ảnh ngày khai giảng , tựu trường là quan trọng lắm và sẽ đồng hành mãi với thời gian , với ký ức trong sáng của lứa tuổi học trò từ bao đời. Ai không tin điều đó, mặc họ, nhưng với tớ, những hình ảnh trong mỗi một ngày khai trường là một hồi ức đẹp, vô cùng nhân văn ...

Khi bọc bạch được những dòng tâm sự này, bỗng như nghe văng vẳng đâu đây những lời của Thanh Tịnh năm nào : ..."hôm nay tôi đi học" ./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét