Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Sự thật về chuyện Luật Nhà văn qua tờ trình - PL. TPHCM)

06/11/2011 - 00:19

LTS: Những ngày qua, dư luận xôn xao bởi đề xuất xây dựng Luật Nhà văn của ĐBQH Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An).
Nhiều người thắc mắc vì sao một sáng kiến pháp luật quá chỏi với thực tiễn cuộc sống như thế lại lọt qua cửa cơ quan thẩm định để có mặt trong dự thảo Chương trình lập pháp của QH? Pháp Luật TP.HCM tìm hiểu từ tờ trình đề xuất xây dựng Luật Nhà văn của vị ĐBQH này…
Ngày 25-7-2011, ĐBQH Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) có tờ trình dài 2,5 trang gửi UBTVQH và Ủy ban Pháp luật của QH đề xuất xây dựng “Luật cho các hoạt động của nhà văn” và “xin được thông qua tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII”.
Ban hành để… hướng dẫn Luật Xuất bản
Cụ thể, ông Hồng đề xuất lựa chọn một trong ba tên gọi: Luật Phát triển văn học, Luật Nhà văn hoặc Luật Văn học. Về sự cần thiết phải ban hành văn bản này, ông Hồng cho rằng: “Văn học là nòng cốt của văn hóa. Chúng ta đã có Luật Di sản, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh, nên rất cần có Luật Nhà văn…”. Mặt khác, theo ông Hồng, “thực trạng văn học đang đặt ra nhiều vấn đề: Viết về các nhân vật lịch sử như thế nào; nhiều tác phẩm viết về lịch sử gây tranh cãi vì bóp méo, xuyên tạc, biến dạng các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử; nhiều tranh chấp về bản quyền, về hồi ký, người kể, người ghi; các hiện tượng đạo văn trắng trợn; quyền sở hữu trí tuệ; quyền thừa kế; chế độ nhuận bút...”
Đặc biệt, ông Hồng còn lý giải ban hành Luật Nhà văn vì cần cụ thể hóa bốn điều cấm quy định tại Luật Xuất bản (?!). “Điều 10 của Luật Xuất bản có bốn điều cấm đó, nhà xuất bản không được xuất bản nhưng người tạo ra sản phẩm vi phạm bốn điều cầm đó thường hay gặp trong lĩnh vực của viết văn và người viết văn không cần qua nhà xuất bản vẫn có sách truyền tay” - ông Hồng phân tích.
Nhờ Ủy ban Pháp luật soạn giùm
Theo ông Hồng, đối tượng áp dụng của luật này là “mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ VN tạo ra sản phẩm văn học”. Ở phần phạm vi điều chỉnh của văn bản, ông Hồng nêu: “Luật này quy định đối với cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn học. Hoạt động văn học gồm: sản phẩm văn học truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca, lý luận phê bình, kịch bản, hội họa, âm nhạc… thuộc Hội Nhà văn quản lý”.
Về cơ quan soạn thảo, ông Hồng đề xuất “Ủy ban Pháp luật của QH cùng Hội Nhà văn soạn thảo nhưng Ủy ban Pháp luật chủ trì vì “Hội Văn học nghệ thuật VN bao gồm cả Hội Nhà văn chỉ có một đại biểu duy nhất trúng cử đó là nhà văn Nguyễn Minh Hồng”…
Đánh giá tác động sơ bộ của văn bản, ông Hồng nêu đây là một luật rất có ý nghĩa đối với nền văn học VN; có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của dân tộc VN trên mọi lĩnh vực; văn học VN đi đúng hướng sự lãnh đạo của Đảng; tạo điều kiện cho các nhà văn hoạt động đúng hướng…
Lý lẽ của cơ quan thẩm tra
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy ban Pháp luật khi giúp UBTVQH dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII đã căn cứ vào Luật Ban hành VBQPPL, đề xuất của những chủ thể có quyền trình sáng kiến luật, dự thảo luật để xây dựng dự thảo chương trình.
“Về cơ bản, chúng tôi phải tôn trọng các sáng kiến, đề xuất ấy, cho dù là từ các tổ chức như Chính phủ, hay từ một cá nhân như ĐBQH. Đấy là quyền hiến định. TVQH chỉ có thể loại khỏi danh sách, nếu việc đề xuất sáng kiến lập pháp ấy không đúng trình tự, thủ tục luật định. Đối với Luật Nhà văn thì ĐBQH cũng có tờ trình như quy định nên không thể gạt ra ngoài. Nhưng đây cũng mới chỉ là dự thảo, còn quyết định cuối cùng là ở QH” - ông Thông lý giải.
Nhưng liệu có phải hễ ĐBQH đề nghị xây dựng pháp luật và gửi văn bản theo đúng trình tự, thủ tục thì đương nhiên sẽ được chấp thuận đưa vào dự thảo Chương trình lập pháp của QH?
Quá nhiều "sạn"
Tờ trình của ĐB Nguyễn Minh Hồng có đầy đủ các đề mục như yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL đối với việc ĐBQH đề nghị xây dựng luật như: Sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, những quan điểm và chính sách cơ bản, dự kiến nguồn lực, đánh giá tác động của văn bản…
Tuy nhiên, nhiều nội dung trong đó lại cho thấy người đề xuất hiểu không nhiều về quy trình làm luật hiện nay. Chẳng hạn, nếu thấy cần thiết phải cụ thể bốn điều cấm tại Điều 10 Luật Xuất bản thì Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản chứ không ai đi làm một luật mới để giải thích cả. Tương tự, các vấn đề ông Hồng nêu ra trong hoạt động văn học như tranh chấp về bản quyền, đạo văn, quyền thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ… cũng đã được điều chỉnh bởi các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ.
ĐBQH trình sáng kiến luật là một xu hướng tốt, cần ủng hộ. Nhưng trong trường hợp Luật Nhà văn, chưa xét đến tính cấp thiết cần phải có dự luật này mà chỉ với tờ trình có quá nhiều “sạn” như thế, dư luận đã có quyền nói “không”!
THANH HOA

Ủy ban Pháp luật phải thẩm tra
Theo quy định tại Điều 23 Luật Ban hành VBQPPL 2008, ĐBQH có quyền trình dự án luật, gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến UBTVQH và đồng thời gửi đến Chính phủ. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; những quan điểm, nội dung chính của văn bản; dự báo tác động kinh tế-xã hội; dự kiến nguồn lực bảo đảm thi hành và điều kiện bảo đảm cho việc soạn thảo văn bản…
Tuy nhiên, không phải cứ hễ ĐBQH làm theo đúng đủ trình tự thủ tục là đương nhiên được chấp thuận mà còn phải qua bước thẩm tra. Điều 25 luật này quy định rõ trách nhiệm thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh là thuộc Ủy ban Pháp luật của QH. Nội dung thẩm tra tập trung vào sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chính sách cơ bản của văn bản, tính đồng bộ, tính khả thi, thứ tự ưu tiên, điều kiện bảo đảm để xây dựng và thi hành văn bản.
GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG, chuyên gia cao cấp Văn phòng QH
N.NAM ghi
Tôi nghĩ nhà văn không ai cần luật này cả!
Tôi nghe nói có ý kiến đưa ra trong QH về cái gọi là “Luật Nhà văn”, cứ ngỡ chuyện bịa, sau mới biết là người ta có ý định nghiêm túc. Nếu làm Luật Nhà văn thì đây là lần đầu tiên có luật cho một hạng người đặc biệt, hạng người nằm trong phạm trù sáng tác. Nhà văn là những công dân bình thường do vậy cũng phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Nếu họ sáng tác văn học thì đã có Luật Xuất bản và các quy định pháp luật về bản quyền. Nếu xây dựng Luật Nhà văn thì sẽ phải có Luật Nhà thơ, Luật Nhạc sĩ, Luật Họa sĩ... Nói chung cả bảy loại hình nghệ thuật đều sẽ phải có luật cả?!
Tôi chưa biết luật này sẽ điều chỉnh cái gì. Chẳng lẽ lại quy định nhà văn không được viết tiểu thuyết dài quá 300 trang. Không được viết truyện dưới 10 câu, hay không được viết cái này cái nọ?... Tôi nghĩ nhà văn không ai muốn có Luật Nhà văn cả. Điều nhà văn cần là không gian tự do sáng tạo, bởi văn chương là sản phẩm tinh thần sáng tạo.
Nhà văn PHẠM XUÂN NGUYÊN, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong số ra ngày 5-11)
NHÓM PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét