Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Quá tải vì... bồi dưỡng học sinh giỏi

10/11/2011 | 06:46


(Dân Việt) - Ngoài lịch học thêm kín mít, học sinh ở nhiều trường còn phải “chạy đua” học các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, mặc dù có em chỉ đạt học lực trung bình.

Cả lớp đi học bồi dưỡng
Mãi đến đầu tháng 4.2012 kỳ thi học sinh giỏi các cấp mới bắt đầu, nhưng ngay vào đầu năm học (tháng 8.2011), các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ở Trường Tiểu học và THCS xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã bắt đầu.
Học sinh tiểu học bị quá tải với nhiều môn học (ảnh minh hoạ ).
Ngoài lịch học thêm 3 môn chính toán, văn, Anh vào 3 buổi chiều trong tuần, em Nguyễn Ngọc Dung (học sinh lớp 6, Trường THCS An Đồng) còn theo lớp bồi dưỡng văn tất cả các ngày còn lại. Em cho biết: “Cô giáo nói bạn nào thích môn gì thì cứ đến lớp học”.
Chị Phạm Thị Huế - mẹ Dung chia sẻ: “Thấy con về bảo được đi bồi dưỡng học sinh giỏi mà giật mình vì lực học của con ở cấp I chỉ trung bình. Giờ ngày nào con tôi cũng ngập trong bài tập cô giao, không có thời gian nghỉ ngơi. Gia đình vừa mừng lại vừa lo con quá sức”.
Chị Nguyễn Thị Lan có 2 con học lớp 3 và lớp 9 Trường Tiểu học và THCS An Đồng cũng than phiền vì lịch học bồi dưỡng của con. Con gái học lớp 3 của chị được bồi dưỡng những 4 môn: Toán, tiếng Việt, máy tính và luyện chữ đẹp, còn con trai theo 2 môn là toán và sử. Chị Lan cho biết: “Bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng vẫn phải đóng 4.000 – 5.000 đồng/buổi/môn. Bồi dưỡng nhiều môn quá, gộp lại cũng là một số tiền không nhỏ”.
Tình trạng này cũng phổ biến ở nhiều trường tiểu học, THCS khác trong cả nước. Tại Hà Nội, nhiều em cũng tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi như một hình thức học thêm đặc biệt để nâng cao kiến thức. Em Nguyễn Thu Hằng (học sinh lớp 9 Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ) theo bồi dưỡng môn hoá cho biết: “Đầu năm cô giáo nói ai thích môn nào thì làm đơn xin tham gia bồi dưỡng, học tại nhà cô mỗi tuần 2 buổi, mỗi tháng 150.000 đồng. Ngoài một số bạn thực sự giỏi thì những bạn học lực khá như em chỉ xác định là đi học thêm thôi”.
Rất nhiều học sinh từ lớp 1 - 5 của Trường Tiểu học Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) sau giờ học cũng được giáo viên chủ nhiệm dẫn về nhà tiếp tục học bồi dưỡng với mức học phí 200.000 đồng/ học sinh/tháng. Nhiều phụ huynh bức xúc với lịch học dày đặc của con nhưng không dám kêu ca vì cả lớp ai cũng đi học.
“Bồi dưỡng nhầm còn hơn bỏ sót”
Theo thầy Nguyễn Văn Khởi – giáo viên Trường THCS Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ, Thái Bình): “Mấy năm nay nhiều trường trong huyện đều duy trì việc lựa chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi theo mô hình tuyển chọn từ lớp 3, kết hợp hình thức kiểm định, chọn nguồn và thi học sinh giỏi qua nhiều vòng, vì vậy giáo viên thường gọi rất nhiều học sinh đi học với tâm lý “bồi dưỡng nhầm còn hơn bỏ sót”.
Phụ huynh cần định hướng cho con em mình biết lượng sức mình, không học theo phong trào, vô tình làm quá tải chương trình học vốn đã không nhẹ nhàng gì ở những cấp học này.

Ông Bùi Minh Đức
Thầy Đinh Văn Hoà – giáo viên tiểu học ở Yên Khánh, Ninh Bình thì cho biết: “Gần 1 năm được bồi dưỡng, các em sẽ đủ thời gian để bộc lộ năng khiếu và rèn luyện tố chất...”.
Ngược lại với quan điểm này, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Học sinh giỏi phải là những “tinh hoa”, phải có tố chất, bồi dưỡng học sinh giỏi nếu cứ “đại trà” thì chẳng khác nào học thêm, gây căng thẳng.
Còn ông Bùi Minh Đức – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GDĐT) phân tích: “Theo tôi, bồi dưỡng học sinh giỏi là việc làm cần thiết nhưng quan trọng là ở cách làm, không luyện tủ hay luyện đại trà, không chạy theo phong trào mà cần luyện tinh hoa tinh tuý. Lựa chọn đúng, dạy trọng tâm mới có thể có hiệu quả thực sự được”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét