Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Nhà sử học Bùi Thiết: “Truyện Kiều xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại” (03/11/2011) - (ĐĐK)


Hôm nay (3-11), Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam chính thức ra mắt tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Như vậy đã có một hội riêng biệt nghiên cứu và đề cao một kiệt tác văn học Việt Nam với bạn đọc trong nước và thế giới. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã phỏng vấn nhà sử học Bùi Thiết – Thành viên Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam.

 
Nhà sử học Bùi Thiết
 
Thưa nhà sử học Bùi Thiết, ông có thể nói rõ về mục đích của Hội Kiều học Việt Nam?
- Nhà sử học Bùi Thiết: Truyện Kiều – Đoạn trường tân thanh, tác phẩm văn học bất hủ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820), ngay từ lúc chào đời xuất thế đã được đông đảo công chúng bạn đọc ngưỡng mộ đón chào nhiệt liệt. Đã hơn 200 năm nay, sức sống, sức lan tỏa của Truyện Kiều ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn, những người yêu mến Truyện Kiều không chỉ là giới trí thức say mê văn chương, mà là bao quát mọi tầng lớp lao động, từ nông thôn đến thị thành, khắp mọi miền đất nước, ai biết tiếng Việt là có thể yêu mến Truyện Kiều.
Tuy nhiên, sau hơn 200 năm, vì nhiều lý do mà nguyên tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du chưa khôi phục hoàn toàn, có một số câu chữ do người đời sau san nhuận chưa thật sát với sáng tác của Tố Như. Do vậy ít nhiều có ảnh hưởng đến sự phổ biến, truyền bá những giá trị của Truyện Kiều đương đại; tuy rằng từ lâu nay nhiều người yêu mến Truyện Kiều, am hiểu Truyện Kiều đã dày công sưu tầm các văn bản – dị bản Truyện Kiều, chú thích đối chiếu làm sáng rõ từng câu chữ, tích truyện, điển cố văn chương mà Nguyễn Du đưa vào trong Đoạn trường tân thanh.
10 năm trở lại đây, khi Nhà nước nâng cấp khu lưu niệm Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) du khách yêu mến Truyện Kiều về thăm viếng ngày càng đông. Với mong muốn của đông đảo du khách, bạn đọc như vậy, một số người nảy ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Truyện Kiều hay Trung tâm nghiên cứu Truyện Kiều, để tập hợp lực lượng của nhiều người, giải quyết dần những tồn nghi về Truyện Kiều do lịch sử để lại. Và rồi sau nhiều năm suy tính, một số người yêu mến Truyện Kiều đã nhất trí thành lập Hội những người nghiên cứu Truyện Kiều, gọi tắt là Hội Kiều học Việt Nam.
Công tác chuẩn bị Đại hội do Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam (được thành lập bởi QĐ số 1794-QĐ-BVHTTDL ngày 23-5-2010 của Bộ VHTTDL. Ban vận động gồm 14 thành viên, do TS. Phan Tử Phùng làm Trưởng ban.
 
 
Ảnh: Đức Nguyên
 
Ông có thể cho biết tính chất của Hội Kiều học Việt Nam là gì?
- Hội Kiều học Việt Nam chính thức được thành lập theo Quyết định số 1400/QĐ-BNV ngày 14-7-2011 "về việc cho phép thành lập Hội Kiều học Việt Nam”, Quyết định ghi rõ: "Điều 2, Hội Kiều học Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ của Hội Kiều học Việt Nam, được Bộ trưởng Bộ Nội Vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL và các bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực hội hoạt động. Hội Kiều học Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự do kinh phí và phương tiện hoạt động”. Điều lệ Hội Kiều học Việt Nam nói rõ và quy định rõ mọi vấn đề về hoạt động, tổ chức, mục đích... của Hội, nhưng chủ yếu nhất là vấn đề nghiên cứu làm sáng tỏ văn bản và các giá trị của Truyện Kiều, đồng thời với mọi hoạt động thiết thực ngày càng quảng bá sâu rộng hơn Truyện Kiều đến với các thế hệ bạn đọc trong và ngoài nước.
Tại Đại hội thành lập này, số lượng hội viên là bao nhiêu. Thưa ông?
- Ngay từ khi Ban vận động được thành lập, đông đảo người yêu thích Truyện Kiều nhiệt liệt hưởng ứng. Số lượng hội viên vẫn đang tiếp tục cập nhật đến nay, danh sách hội viên sáng lập có khoảng 300 người bao gồm mọi lứa tuổi, lĩnh vực hoạt động xã hội và nghề nghiệp khắp cả nước và kiều bào nộp đơn tự nguyện gia nhập Hội.
Ông có thể cho biết công việc nào sẽ được Hội ưu tiên thực hiện trước?
- Trong 5 năm đầu, Hội đặt trọng tâm chuẩn bị để hoàn thiện nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du với một văn bản Truyện Kiều chữ Nôm và một văn bản Truyện Kiều phiên âm quốc ngữ, văn bản đó sẽ là cơ sở cho mọi người đánh giá và truyền bá Truyện Kiều. Trên cơ sở nguyên tác và phiên âm quốc ngữ này Hội sẽ đệ trình Nhà nước làm văn bản đề nghị UNESCO xét công nhận Truyện Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Thắng (thực hiện)
 
"Truyện Kiều chú giải” – công trình nghiên cứu gần tròn 50 năm của học giả Vân Hạc Lê Văn Hòe vừa được xuất bản. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh học giả Lê Văn Hòe (1-11-1911 – 1-11-2011), ngày 1-11, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và gia đình học giả Lê Văn Hòe đã tổ chức lễ kỷ niệm nhằm ôn lại lược sử sáng tác, tác phẩm của ông. "Truyện Kiều chú giải” của học giả Vân Hạc Lê Văn Hòe đã đề cập nhiều về các vấn đề: Chú giải những tiếng Nôm khó hiểu; Chú giải ý nghĩa từng câu; Chú giải văn phạm, văn pháp; Chú giải điển cố văn chương, chữ Hán, ca dao, tục ngữ; Sửa chữa chữ in lầm do tam sao thất bản; Sửa những lời chú giải sai lầm của các nhà chú giải trước đó của cả Pháp và Việt Nam; Nêu rõ những chỗ hay, dở trong văn lý và kỹ thuật; Phê bình lướt các nhân vật truyện về mặt luân lý và nghệ thuật. Như vậy, "Truyện Kiều chú giải” là một tác phẩm giá trị cho các nhà nghiên cứu và các học sinh khi nghiên cứu, tìm hiểu và học về Truyện Kiều. Đức Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét