Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

"Không thể nhoằng một cái là thay đổi tất cả!"

GS.VS Đào Trọng Thi:
02/11/2011 10:20:10

- Dự thảo Luật Giáo dục Đại học chuẩn bị được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Dù rất được kỳ vọng nhưng khi trò chuyện cùng KH&ĐS, GS.VS Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy  ban Văn hóa Giáo Dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội cho rằng, không thể coi nó như cây đũa thần để nhoằng một cái là thay đổi được tất cả.

Có giải quyết được hay không thì phải chờ

Thời điểm này dư luận  đang có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Theo ông thì liệu nó có khắc phục được những bất cập trong giáo dục đại học hiện nay hay không?

Vấn đề giáo dục đại học là vấn đề luôn luôn được xã hội quan tâm vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều gia đình, nhiều cá nhân. Sự quan tâm đó cũng dễ hiểu. Hiện nay, có rất nhiều bức xúc nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta đang cần đến một hành lang pháp lý tốt, thông thoáng, để phát triển giáo dục đại học. Tôi nghĩ rằng thời điểm này là phù hợp. Còn nó có giải quyết được hay không thì còn phải chờ vào thời gian.

ư
Ông Đào Trọng Thi

Theo ông thì vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, cần phải giải quyết nhất của giáo dục đại học hiện nay là gì?

Trước tiên là vấn đề giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, xem đây là một biện pháp quan trọng để nới cơ chế, tạo ra sự thông thoáng để các cơ sở giáo dục đại học chủ động, sáng tạo và năng động hơn. Thứ hai là vấn đề xã hội hóa giáo dục đại học. Chính sách xã hội hóa giáo dục của chúng ta phải như thế nào để động viên khuyến khích được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Nhưng lại phải vận động nhà đầu tư không vì mục tiêu vụ lợi. Vừa kêu gọi đầu tư lại vừa kêu gọi không vì lợi nhuận. Đây thực sự là bài toán khó.

Bài toán này sẽ được giải quyết trong luật như thế nào thưa ông?

Sẽ có một hành lang pháp lý rộng rãi hơn, những chính sách ưu đãi nhiều hơn.

Còn về chất lượng giáo dục và quy mô giáo dục, tình trạng ồ ạt mở trường mới rồi lại đóng cửa vì không có thí sinh thì sao thưa ông?

Chúng ta đã chạy theo số  lượng mà quên mất chất lượng. Do vậy mà chất lượng đào tạo thấp vì đầu tư yếu. Muốn khắc phục phải giải quyết vấn đề đầu tư. Muốn làm được điều đó, chúng ta chỉ còn trông vào sự đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học.

Tôi nghĩ là ai cũng có quyền hy vọng

Sự "quên chất lượng" của giáo dục đại học hiện nay được đổ lỗi một phần là do ta chưa có một công cụ kiểm định tốt, ông nghĩ sao?

Đúng vậy. Phải có giải pháp mang tính hiệu quả chặt chẽ hơn để kiểm soát chất lượng. Trong dự thảo luật lần này thì chúng ta sẽ tạo ra cơ chế kiểm định có độ tin cậy lớn. Để từ đó, các cơ sở giáo dục đại học chăm lo phát triển chất lượng chứ không chạy theo số lượng, không chạy theo lợi nhuận.

Tôi cho rằng, một trong những bước đột phá để giải quyết bài toán phát triển kinh tế, xã hội đất nước là đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, sự phân tầng các cơ sở đào tạo phải được đặt ra cấp bách. Thay vì đánh đồng các trường với nhau hay chạy đua theo số lượng, chúng ta nên phân loại và tập trung đầu tư vào một số đơn vị trọng điểm.

Nếu nói như ông thì phải chăng các giải pháp từ trước đến nay có mà như không?

Tôi muốn thể chế hóa rõ ràng hơn nữa. Phải đưa ra những chính sách ưu tiên rõ ràng, hiệu quả hơn nữa để xã hội hóa giáo dục. Rồi cũng phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng đào tạo. Rồi những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giảng viên, đối với người học, chúng tôi sẽ quy định trong luật chứ không giao cho các văn bản dưới luật.

Thông thường thì khi soạn thảo luật, đòi hỏi người làm luật phải có cái nhìn dự báo tốt vì thực tế thay đổi rất nhanh chóng, có khi luật phù hợp tại thời  điểm này nhưng 5 hay 10 năm nữa nó lại trở nên lạc hậu. Đối với Luật Giáo dục Đại học thì sẽ có những dự báo gì thưa ông?

Trách nhiệm đặt lên vai người soạn luật là phải làm sao để 50 năm sau nó vẫn còn phù hợp với thực tế. Việc xây dựng luật chắc chắn cũng sẽ làm sao để đáp ứng với trạng thái động, lên xuống của giáo dục. Những nội dung dự kiến bao quát ở tầm nhìn xa chứ không phải trước mắt nhưng đồng thời luật cũng lại phải cụ thể để có thể áp dụng ngay được. Vì thế, phải cân nhắc xem yếu tố nào đã ổn định rồi thì phải đưa ngay vào luật để triển khai ngay vào cuộc sống.

Có quá nhiều bức xúc, nan giải, bất cập, quá nhiều kỳ vọng mà  cả xã hội đặt vào chỉ một bộ  luật, theo ông nó có nặng quá hay không?

Tôi nghĩ là ai cũng có  quyền hy vọng. Nhưng Luật Giáo dục Đại học không phải là cây đũa thần để nhoằng một cái là thay đổi tất cả. Nhưng nó cũng sẽ là cây đũa thần mà thực trạng giáo dục đang cần để thay đổi từng bước một.

Bức tranh vá víu không hoàn thiện

Gần đây dư luận nói nhiều về thực trạng phải đóng cửa của nhiều trường đại học ngoài công lập, quan điểm của ông thế nào?

Nó như một bức tranh vá víu không hoàn thiện, một nền giáo dục thiếu chuyên nghiệp. Điều này phải dần loại bỏ.

Ý ông là người ta đã sai lầm khi khuyến khích mở trường hàng loạt?

Chủ trương thì đúng nhưng thực hiện thì sai. Hậu quả là trường mở ra nhưng không có người học dù nhu cầu rất nhiều. Trường đóng cửa là lẽ tự nhiên.

Phải chăng do nguồn nhân lực của chúng ta chất lượng chưa cao, thiếu thầy giỏi nên không thể thu hút trò?

Không phải hoàn toàn như thế nhưng rõ ràng nhu cầu phải có nguồn nhân lực cao đang rất cấp bách rồi, trong khi giáo dục vẫn giữ theo cách mô phạm, ít đổi mới, đào tạo ra các thế hệ học trò thụ động. Đã đến lúc phải có sự dịch chuyển thay đổi. Nhất là ở bậc giáo dục đại học, là khâu đào tạo trực tiếp ra nhân lực cho các ngành nghề thì lại càng phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.

Xin cảm ơn ông về  cuộc trò chuyện này!

Hiện Nhà nước đang rất cố gắng đầu tư cho giáo dục đại học với mức 20% ngân sách giáo dục, 8% GDP. Tỷ lệ này khá cao nhưng con số tuyệt đối còn nhỏ, chưa  đáp ứng được nhu cầu học tập của thanh, thiếu niên vốn đang rất căng thẳng. Nếu tính số học sinh vào đại học, hiện nay ta có tỷ lệ khoảng 200 sinh viên/1 vạn dân. Theo cách tiếp cận này thì quy mô chưa cao vì chưa đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như nhu cầu phát triển của xã hội.
Tô Hội (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét