Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Không hiểu gì về truyện dân gian, mới đòi đổi kết Tấm Cám!


Thứ năm 10/11/2011 11:12
(GDVN) - Nên chăng có thể bổ sung kiến thức về đặc trưng thể loại truyện cổ tích vào chương trình Ngữ văn 10 trước phần đọc hiểu truyện “Tấm Cám”?
Truyên cổ tích không xây dựng tính cách riêng nhân vật

Về việc thay đổi kết thúc của truyện cổ tích Tấm Cám, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Huệ, giảng viên môn Lí luận Văn học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, bất cứ một văn bản nào (văn bản nghệ thuật - tác phẩm văn học) thì cần đặt nó vào trong một văn cảnh cụ thể, một hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã sản sinh ra nó. Không thể lấy quan niệm đạo đức và tư duy của ngày hôm nay để áp đặt vào nội dung của một câu chuyện ngày xưa.

Hơn nữa, về mặt lí luận văn học, khi tìm hiểu một truyện cổ tích, ít khi người ta phân tích nhân vật trong truyện mà chỉ phân tích khi cần thiết. Bởi trọng tâm của thể loại văn học này là dồn vào sự kiện và xung đột chứ không phải con người. Một điều cần chú ý là nhân vật trong truyện cổ tích là nhân vật chức năng - nhân vật “mặt nạ”.

Loại nhân vật này thường mang những đặc điểm chung về diện mạo, nhân cách, số phận; nó không được xây dựng thành những tính cách riêng như trong văn học hiện đại. Sự tồn tại và hoạt động của nó chỉ nhằm thực một số chức năng nhất định trong truyện và trong việc phản ảnh đời sống, nó là nơi tác giả dân gian gửi gắm quan niệm nhân sinh của mình. Ví dụ nhân vật Tấm thực hiện chức năng một chiều có ý nghĩa tượng trưng cho cái Thiện; Cám, dì ghẻ tượng trưng cho cái ác.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Lí luận Văn học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ điều quan trọng nhất là giáo viên phải định hướng phân tích kết truyện Tấm Cám cho học sinh bằng kiến thức Lí luận Văn học.
“Với cách tiếp cận truyện từ đặc trưng thể loại và đặc điểm nhân vật chức năng, tôi thấy kết thúc ban đầu của truyện là hợp lý, có thể giữ nguyên” – TS Huệ nhấn mạnh.

Cũng theo TS Huê, vẫn nên đưa truyện Tấm Cám vào chương trình ngữ văn lớp 10 để không phá vỡ hệ thống chương trình giảng dạy học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, TS Huệ nhấn mạnh: “Với một truyện có những vấn đề nhạy cảm trong thưởng thức và đánh giá như Tấm Cám thì cần trang bị nhiều hơn kiến thức lí luận văn học cho các em. Khi giảng về truyện này,  giáo viên phải có một sự định hướng cho học sinh thấy đó là các nhân vật hoàn toàn mang ý nghĩa tượng trưng, đồng thời nhấn mạnh theo quan niệm mỹ học mà tác giả dân gian đã gửi gắm trong các nhân vật đó như thế nào.

Với nhà biên soạn sách, nên chăng có thể bổ sung kiến thức về đặc trưng thể loại truyện cổ tích vào chương trình Ngữ văn 10 trước phần đọc hiểu truyện “Tấm Cám”? Nên kết hợp hai yếu tố trên, nhưng yếu tố định hướng của giáo viên vẫn là quan trọng nhất.

Tấm là hiện thân sự đấu tranh quyết liệt của dân tộc VN

Bạn nguyễn Thanh Thùy, lớp Văn học K53 CLC, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia HN: Ở nhiều truyện cổ tích khác, các nhân vật đại diện cho cái xấu, cái ác đều bị trừng trị, song thường không trực tiếp do nhân vật chính diện gây ra. Tấm Cám thì khác hẳn. Sự quyết liệt trong hành động ở đây đã chỉ ra một điều: mâu thuẫn giai cấp trong xã hội phong kiến xưa, thời Tấm Cám, đã lên tới đỉnh điểm, và nhân dân đã cho thấy sự đấu tranh một mất một còn, không khoan nhượng với kẻ thù của mình.

Vì thế, họ đã để cho Tấm trả thù Cám như trong kết thúc truyện. Phải thấy được đó là khát vọng sống, là nghị lực sống, đấu tranh cho cuộc sống của quần chúng lao động xưa; và nếu như có thấy một chút hả hê trong truyện, thì cũng phải thông cảm, rằng, họ đã đau khổ như thế nào khi hết đời nọ sang đời kia bị bóc lột, bị đè nén, bị đe dọa tới tính mạng, cuộc sống… bởi thế lực của cái Ác…

Cũng chính ở đây, tinh thần đấu tranh quyết liệt, tinh thần lạc quan của quần chúng xưa mới được thể hiện rõ nhất: trong những cảnh sống đau khổ nhất vẫn không ngừng nuôi hi vọng, mơ ước về một tương lai tốt đẹp. Chẳng phải đây là những điều người ta yêu nhất ở truyện cổ tích – ở tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt của con người?

Trên thực tế, “Tấm Cám” là truyện cổ tích được xếp vào hàng hay nhất trong kho tàng truyện cổ tích dân tộc. Nhân dân ta nhiều đời đã thưởng thức tác phẩm này như một câu chuyện cổ tích hoàn mỹ mà không hề cho rằng kết thúc của truyện đã làm cho hình tượng Tấm không nhất quán. Đó là bởi vì hoàn cảnh sống và cơ chế tâm lý, tinh thần của họ dường như không xa lạ với các tác giả dân gian của “Tấm Cám”.

 Nếu muốn tiếp cận tác phẩm văn học một cách khách quan để hiểu tác phẩm một cách chân thực nhất, người đọc cần phải trang bị một vốn kiến thức cơ bản về thời đại lịch sử, những đặc trưng thẩm mỹ của văn chương, nghệ thuật thời kỳ đó… mới có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá thích đáng.

Chính vì sự cách biệt về mặt văn hóa, lối sống của người xưa và con người thời hiện đại mà không ít người đã lấy những thước đo đạo đức, đạo lý và phương thức tư duy của thời đại mình để lên tiếng phê phán những giá trị văn học cổ xưa. Điều đó dĩ nhiên là không nên và bất hợp lý.

Truyên cổ tích không xây dựng tính cách riêng nhân vật


Việc trả thù của Tấm giống “cái hầm chông nhân đạo”

Đặng Thị Dinh, lớp Văn CLC K59, Đại học Sư Phạm Hà Nội cho rằng, việc trả thù truyện “Tấm Cám” như thế vẫn còn là bình thường. Trong thơ văn thời kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh kẻ thù còn được coi là chó, là thú vật man rợ…

Nếu đặt kết thúc truyện “Tấm Cám” trong hệ thống sự trừng phạt thời trung cổ thì sự trả thù ấy không có gì quá ghê gớm. Ở Đức, sau khi chiến thắng, người ta phải cắt bằng được cái đầu của thủ lĩnh đối phương,  luộc lên, gỡ da thịt đi làm cốc uống rượu trong tiệc mừng chiến thắng.

Ở Nhật, người ta mổ bụng kẻ  cầm đầu, chia nhau ăn hết bộ lòng của nó mới được coi là chiến thắng tuyệt đối… Tất cả nhằm thỏa mãn triết lí “ác giả ác báo”, “hại nhân, nhân hại”, nó khiến mọi người hả hê vì chiến thắng “tận bờ sát gốc” với kẻ thù.

Nói như Chế Lan Viên thì đó là “cái hầm chông nhân đạo” – cái hầm chông là thứ giết người, là sự hủy diệt nhưng đối với kẻ thù thì nó mang ý nghĩa về công bằng.

Kiểu nhân vật Tấm có mặt ở nhiều truyện cổ tích trên thế giới như hình ảnh cô bé Lọ Lem. Tuy nhiên tất cả các truyện ấy đều kết thúc khi cô gái nghèo khổ lấy được hoàng tử, sống hạnh phúc.

Chỉ có truyện “Tấm Cám” của Việt Nam mới có những chi tiết Tấm chết và hóa thân nhiều lần để đấu tranh giành lấy hạnh phúc cho mình. Nó thể hiện quan niệm riêng của ông bà ta về hạnh phúc, hạnh phúc phải có đấu tranh mới bền vững và đáng quý…

Thà giữ sai nhưng có được niềm tin còn hơn…

Trần Thị Lơ, lớp Văn CLC K59, Đại học Sư phạm Hà Nội: Mình nhớ trong buổi học môn Lí luận Văn học gần đây, khi thầy La Khắc Hòa (Phó giáo sư - Tiến sĩ Văn học) hỏi lớp mình: “Ai đồng ý giữ nguyên kết truyện “Tấm Cám””, hầu như tất cả các bạn đều giơ tay.

Thầy phân tích: xét về mặt giáo dục, bây giờ chúng ta sửa kết truyện “Tấm Cám” cho hay, cho phù hợp với tính giáo dục học sinh, nhưng sau này không tránh khỏi việc các em đọc được cái kết ban đầu ở đâu đó.

Khi đã đủ trưởng thành để nhìn nhận lại vấn đề, các em sẽ nghĩ rằng: thì ra truyện “Tấm Cám” mình học trước kia không phải là nguyên tác, thì ra người lớn lừa mình. Các em sẽ nghi ngờ cách giáo dục của chúng ta. Mình cũng thấy hợp lí khi thầy trích dẫn câu nói của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, đại ý rằng  thà làm sai nhưng giữ được niềm tin còn hơn là sửa cái sai ấy thành đúng.
Vũ Quỳnh
SGK lớp 10 sửa đoạn kết Tấm Cám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét