Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Khác biệt giữa đại học Úc và Việt Nam

Thứ Ba, 01/11/2011, 08:19 (GMT+7)

TT - 22 triệu dân với 39 trường đại học. 88 triệu dân với hơn 300 trường đại học. 7 trong số 39 trường thuộc top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Chưa có trường nào lọt vào top 200 của các bảng xếp hạng quốc tế.
Trường đại học trẻ tuổi nhất được thành lập vào năm 1990 và trường đại học mới ra đời: có lẽ... tuần trước. Đó là một vài dữ kiện so sánh giữa giáo dục đại học Úc và Việt Nam.
Trường ĐH đầu tiên của Úc là ĐH Sydney được thành lập vào năm 1851. Để đạt đến con số 39 trường đại học, Úc đã mất gần 140 năm. Khi Úc bắt đầu đón sinh viên quốc tế vào thập niên 1980, chỉ có vẻn vẹn chín trường đại học được thành lập mới vào những năm 1987-1990 và phân bố đều trên khắp lãnh thổ Úc.
Ngày nay, ngành công nghiệp giáo dục là một trong những ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của Úc, mỗi năm Úc có thể thu được đến 18 tỉ USD từ học phí và sinh hoạt phí của gần 500.000 lượt sinh viên quốc tế (trừ năm nay, con số này có giảm đi). Vậy nhưng không có bất kỳ trường đại học nào được thành lập mới từ 21 năm trở lại đây.
Đặc biệt hơn, chỉ có hai trong số 39 trường đại học ở Úc là trường tư thục, không có ngành công nghiệp nào có riêng trường đại học của mình. Hằng năm, Chính phủ Úc dành khoảng 70% ngân sách nghiên cứu cho các trường thuộc nhóm tám trường đại học hàng đầu ở Úc (Go8), nơi tập trung những giáo sư, những nhà nghiên cứu giỏi và các trung tâm nghiên cứu quy mô lớn. Chính vì vậy, các trường thuộc Go8 luôn có tên trong bảng xếp hạng những trường đại học hàng đầu thế giới.
Với những thay đổi mới đây trong chính sách visa dành cho sinh viên quốc tế theo hướng dành nhiều quyền lợi hơn cho người học đại học và sau đại học, Úc được dự báo sẽ là tâm điểm của nền giáo dục đại học thế giới nhưng không vì vậy mà trường đại học được lập mới dễ dàng.
Ở nước ta, nơi mà thủ tục hành chính vẫn bị kêu là rắc rối, nhiêu khê nhưng số trường đại học thành lập mới, nâng cấp lên đại học lại tăng nhanh bất ngờ. Thay vì mở trường đại học bằng lối tư duy trường lớn, chúng ta lại tư duy theo hướng trường nhiều khiến nguồn lực nhỏ lại càng trở nên manh mún.
Trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn nhân lực thiếu thốn, chiến lược đào tạo nhằm vào mục đích đáp ứng nhu cầu của những-cá-nhân-sinh-viên, trường đại học khó mà thực hiện được những vai trò cơ bản của mình: lưu trữ kiến thức, chuyển giao kiến thức và tạo ra những kiến thức mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Chúng ta vẫn đặt tham vọng có trường đại học lọt vào danh sách các trường đại học hàng đầu khu vực hoặc thế giới nhưng cho đến khi nào chưa thực hiện lối tư duy trường lớn, phát triển tập trung vào một số trường đại học có chất lượng, đầu tư thích đáng cho nghiên cứu thì điều này vẫn chỉ là tham vọng.
KIỀU NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét