(Dân trí) - Chuyện ngồi nhầm lớp cứ ngỡ như chỉ
có ở xã Ia Kreng, nhưng thực ra nó lại là chuyện rất phổ biến với các
học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Păh, Gia Lai mà lâu nay
chưa ai phát hiện, hoặc chưa ai dám nói…
>> Bi hài chuyện ngồi nhầm lớp ở xã vùng sâu
>> Bi hài chuyện ngồi nhầm lớp ở xã vùng sâu
Học sinh lạ lẫm với tiếng Việt, phải học thêm Anh văn!
Với những học sinh (HS) người dân tộc J’rai và Bahnar trên địa bàn huyện Chư Păh nói chung và xã Ia Kreng nói riêng, vốn tiếng Việt của các em còn rất hạn chế, các em sinh ra đều được nói tiếng mẹ đẻ và khi đến trường mới bắt đầu làm quen với tiếng Việt. Mặt khác, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại ở vùng núi, nhiều nơi để tiếp xúc được với người Kinh là chuyện không dễ và việc học của các em còn nhiều hạn chế khi một buổi đi làm, một buổi đến trường. Đó là những nguyên nhân khiến việc ngồi nhầm lớp của các em phổ biến.
Học tiếng Việt đã khó nhưng các em học sinh nơi đây lại phải "gánh" thêm môn ngoại ngữ là tiếng Anh.
Theo giáo viên Đặng Ngọc Sự, chủ nhiệm lớp 5B, điểm trường làng Díp, sức học của các em HS rất yếu, khả năng tiếp thu bài chậm, ham chơi. 100% HS ở đây là người J’rai, các em HS mầm non và tiểu học ở những năm đầu tiên đều chưa biết tiếng Việt phổ thông. Đây chính là trở ngại lớn cho ngành giáo dục, gây khó khăn cho giáo viên khi truyền đạt kiến thức văn hóa cho HS.
Ngoài việc truyền dạy kiến thức, đạo đức cho HS, các giáo viên nơi đây còn phải có thêm nhiệm vụ đến từng nhà vận động HS đến lớp để duy trì sĩ số HS.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Huy - phó hiệu trưởng Trường THCS Ia Kreng cho biết: Do địa bàn xã Ia Kreng là xã xa và khó khăn nhất huyện Chư Păh nên trong năm học này, trường có 341 HS, trong đó có 228 HS tiểu học, 113 HS THCS, duy chỉ có 4 em là HS người Kinh. “HS ở 3 làng Díp Duch 1, Duch 2 của xã Ia Kreng tiếp thu bài học rất kém. Đây không phải lỗi của các em mà do vốn tiếng Việt quá ít, các em 1 buổi đi học, một buổi đi làm. Trong khi các em lại phải học chương trình giống như những HS ở thủ đô và trên cả nước, nên bài giảng của giáo viên các em không tiếp nhận được như các vùng khác”.
Điểm trường làng Díp khá khang trang nhưng ở đây có nhiều học sinh ngồi nhầm lớp.
Với HS nơi đây, do ít có điều kiện tiếp xúc với tiếng Việt, nên đây cũng như là một môn… ngoại ngữ với các em, nhiều em dù đã lên đến lớp 7 nhưng vẫn chưa biết đọc. Chính vì vậy, việc đưa môn Anh văn vào trong chương trình học của các em như là chuyện rất kì cục mà có thể nói là quá “lố”. Ở đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều em HS cấp 2 mà vẫn chưa biết đọc thông thạo tiếng Việt, chứ đừng nói đến các môn học khác như Toán, Lý, Hóa, Sử… và khi hỏi về tiếng Anh thì các em đều lắc đầu, ngay cả từ thông dụng là Hello các em cũng “bó tay” không biết nghĩa của nó là gì.
Khi PV Dân trí đề cập đến vấn đề đưa tiếng Anh vào giảng dạy với HS nơi đây, ông Đặng Quang Vinh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Păh đồng ý rằng thật quá “lố” khi đưa môn Anh văn chương trình THCS cho các em. Ông Vinh cũng thừa nhận, đây là môn học quá sức với các em HS nơi đây, quá sức của ngành giáo dục.
“Thực tế không thể phủ nhận được”
Bản thân ông Vinh đã phải thốt lên rằng “Chuyện ngồi nhầm lớp của các em HS ở Ia Kreng mà các em (các PV) vừa phát hiện được đó là một thực tế không thể phủ nhận được”.
Ông còn cho biết thêm, chuyện ngồi nhầm lớp không chỉ
có riêng ở xã Ia Kreng mà còn phổ biến ở toàn huyện Chư Păh, mà không
riêng gì ở huyện Chư Păh mà là ở các em HS dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Ông Vinh cho biết, với các HS nơi đây, khả năng tiếng
Việt của các em rất hạn chế, các em hầu như chỉ được tiếp xúc với tiếng
Việt ở trên lớp còn về nhà lại nói tiếng dân tộc mình, nên các em tiếp
thu tiếng Việt rất chậm. Trong khi đó, các em lại phải học chương trình
học chung của cả nước như HS ở thủ đô và các tỉnh, thành khác.
Các em học sinh ở Gia Lai rất cần một chương trình cải cách dành riêng cho học sinh dân tộc.
Ia Kreng lại là vùng khó, nên việc bố trí giáo viên từ trước đến nay đều dựa vào giáo viên làng, bám bản. Tuy rằng họ không được chuẩn về mặt kiến thức nhưng lại có vốn tiếng địa phương. Được mặt này thì mất mặt kia.
Với những đặc thù trên, khó khăn lớn của giáo viên nơi đây chính là giữa việc duy trì sĩ số và chất lượng giáo dục, và thứ phải chọn đầu tiên đó là duy trì sĩ số: “Nếu làm theo tiêu chuẩn đặt ra thì HS sẽ chán học, sẽ bỏ học vì phải ở lại lớp, HS đến trường là chúng tôi mừng rồi. Đây cũng chính là bài toán nan giải giữa phổ cập và chất lượng. HS Hà Nội, TPHCM học như thế nào thì HS ở Ia Kreng cũng phải học như vậy. Cái bất cập như vậy chúng tôi cũng phải chấp nhận”.
Và lỗi chính của việc ngồi nhầm lớp của HS nơi đây là trình độ dân
trí của người dân còn kém, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Nhất là
chương trình sách giáo khoa cho các em chưa phù hợp, và giáo viên cũng
có lỗi trong này khi nhiều giáo viên trình độ vẫn còn hạn chế.
Theo ông Vinh, việc cần nhất cho nền giáo dục nơi đây đó là một chương trình cải cách riêng cho HS dân tộc thiểu số. Cần có một chương trình của người dân tộc riêng, một chương trình song ngữ cho HS lớp 1, 2, 3 để các em vừa học tiếng Việt vừa học tiếng dân tộc, rồi sau đó mới giảm dần tiếng dân tộc xuống, tăng tiếng Việt lên thì mới giải quyết được tận gốc tình trạng ngồi nhầm lớp.
“Cần phải cải tiến về nội dung chương trình, giảm tải thật nhiều hơn nữa, dạy những vấn đề gì cần thiết riêng của vùng dân tộc thôi. Ví dụ như trong chương trình sách giáo khoa mới của HS lớp 2, có bài khi nghe điện thoại là phải a lô, nhưng HS dân tộc mình đã nhìn thấy cái điện thoại bao giờ đâu mà cũng phải học như vậy”, ông Vinh bày tỏ.
Trước tình trạng trên, ông Vinh cũng không khỏi lo lắng: “Chương
trình tiếng Anh đến năm 2020 của Thủ tương phê duyệt, tỉnh Gia Lai cũng
đã duyệt luôn, tức tiếng Anh phải học 10 năm, HS từ lớp 3 bậc tiểu học
đã phải học rồi. Nhưng trong đề án này không nói gì đến HS dân tộc hết,
nên HS dân tộc phải học ngoại ngữ là một cực hình đối với giáo viên khi
phải chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi sang tiếng dân tộc”.
Thiên Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét