Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Xác định vị trí việc làm của CBCC trong khối cơ quan nhà nước: Sẽ hết tình trạng “sống lâu lên lão làng” (03/04/2012)
Một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Cải cách tiền lương được Bộ Nội vụ soạn thảo, trình Hội nghị Trung ương sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Trả lương theo vị trí việc làm sẽ chấm dứt cơ chế xin-cho trong tuyển dụng cũng như cảnh "sống lâu lên lão làng” của nền công vụ hiện nay.

Gần 70% cán bộ làm việc không hiệu quả

Một lãnh đạo của Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) nhận định: "Thực tế hiện nay chỉ có hơn 30% công chức làm được và đúng việc, điều này đồng nghĩa với việc có gần 70% công chức làm giả, hưởng lương thật”. Để xảy ra thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lương công chức có một mẫu số chung duy nhất, hay nói một cách khác là lương được cào bằng giữa những công chức hoàn thành tốt công việc của mình với công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai, cơ chế tuyển dụng của chúng ta biểu hiện "khô cứng” về nhân sự, khó vào và cũng khó bị đào thải, dẫn đến sự thiếu năng động của bộ máy công quyền. Có thể nói cơ chế tuyển dụng "có vào nhưng khó ra” đã khiến chất lượng CBCC đang là vấn đề được nhiều người mang ra để mổ xẻ.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại UBTV Quốc hội, nhiều đại biểu đã chỉ ra một thực tế: Nhiều cán bộ cầm tay chỉ việc nhưng vẫn chưa biết việc hay chất lượng công chức khen có, chê có nhưng chê nhiều hơn khen.... Giải thích về chuyện có tới gần 70% CBCC không làm được việc trong nền công vụ, trong khi lý ra đội ngũ này phải là "tinh hoa” của cả nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: Thực tế chất lượng CBCC có yếu kém, điều này trong chương trình tổng kết 10 năm CCHC giai đoạn 2000-2010 đã chỉ ra. Tuy nhiên, con số có 30% CBCC làm việc không hiệu quả, hơn 30% CBCC hầu như không làm gì cả thì chưa có thống kê rõ ràng, đó chỉ là cách nói định tính thôi chứ không phải định lượng.

Để cải thiện nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Bộ Nội vụ đang thực hiện Đề án Cải cách chế độ công chức. Đây là một Đề án rất quan trọng và xuyên suốt nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII nhằm xây dựng đội ngũ CBCC có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ; cơ cấu công chức theo ngạch, theo chức năng nghề nghiệp... cũng như sửa đổi chức danh, tiêu chuẩn công chức, viên chức theo ngạch, theo quản lý... Đề án cũng đưa ra các hình thức thi tuyển công chức theo hướng minh bạch, khách quan để "lọc” được những người có đủ phẩm chất năng lực đứng trong đội ngũ công chức nhà nước. Hy vọng trong quá trình thực hiện Đề án này, sẽ giảm thấp nhất tình trạng cán bộ không làm được việc trong nền hành chính công vụ.

Xác định vị trí việc làm: Gỡ nút thắt chất lượng CBCC

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Cải cách tiền lương được Bộ Nội vụ soạn thảo, trình Hội nghị Trung ương sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm. Đây sẽ là căn cứ để bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thông qua các hoạt động tuyển dụng, thi nâng ngạch đối với công chức, thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.

Nếu như trước đây việc tuyển dụng biên chế được làm thông qua chỉ tiêu từ trên rót xuống thì nay việc xác định vị trí việc làm sẽ là bảng mô tả công việc, khung năng lực của việc làm cụ thể của từng đơn vị. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá một cách chính xác, khách quan, công bằng đối với công chức, viên chức. Qua đó, khẳng định và phân biệt được đúng người làm tốt và người làm chưa tốt. Từ đó mới phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người tài.

Thứ trưởng Tuấn cũng nói thêm: Hiện Bộ Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã, đang thí điểm Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch. Kết quả là, Bộ Nội vụ đã xác định được vị trí việc làm của các đơn vị thuộc khối cơ quan bộ (17 vụ) là 84 vị trí; của khối các cơ quan trực thuộc bộ (tám cơ quan, tổ chức) là 88 vị trí. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ xác định được số biên chế cần có là 1.979 người. Kết quả xác định vị trí việc làm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ở khối trung ương là 174 vị trí việc làm; khối cấp tỉnh là 53 vị trí việc làm; và cấp huyện là 13 vị trí việc làm. Từ đó xác định số lượng biên chế cần bổ sung cho ngành là 6.513 người. Có thể nói, kết quả thí điểm này đã được đánh giá cao và Bộ Nội vụ đang nghiên cứu hướng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Ông Tuấn hoàn toàn tin tưởng, trả lương theo bảng mô tả công việc sẽ xóa bỏ cơ chế xin - cho từ khâu đầu vào là tuyển dụng đến đầu ra là đánh giá chất lượng, hiệu quả lao động của chính công chức ấy. Thực tế, bảng mô tả vị trí công việc được ví như một công thức chuẩn để chấm điểm công chức. Bởi, tính hiệu quả của bản mô tả là thước đo định lượng về chất lượng công chức mà không dựa trên sự bằng lòng hay qua những yếu tố khác. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người quản lý giao việc cho công chức một cách chính xác hơn, hiệu quả hơn. Ông Tuấn cũng cho biết, Chính phủ đã xác định lộ trình thực hiện xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phấn đấu đến năm 2015, 50% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

L.Bình

Gui cho ban be Gửi cho bạn bè print Bản in



Gửi bình luận của bạn

Họ tên:
Email:
Nội dung:
Mã an toàn* Ma an toan





Xem các bài viết theo ngày calendar






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét