Hiệu trưởng không giảng dạy vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp
(Dân trí) - Căn cứ vào thời khóa biểu và bảng
lương không khó để phát hiện ra hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Thái
Bình) không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng vẫn hưởng phụ cấp đứng
lớp. Bản thân ông hiệu trưởng này cũng đã thừa nhận vụ việc với phóng
viên.
>> Nhiều sai phạm ở Trường THPT Lê Quý Đôn
>> Nhiều sai phạm ở Trường THPT Lê Quý Đôn
Mặc dù thừa nhận không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng trao đổi với Dân trí
chiều ngày 3/4, ông Nguyễn Bá Nam - hiệu trưởng (HT) Trường THPT Lê Quý
Đôn (Thái Bình) thanh minh cho việc mình được hưởng phụ cấp đứng lớp:
Tôi là Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ nhà trường cấp I nên theo quy định
được giảm 4 tiết/tuần. Trong khi đó đối với bộ môn Văn ở chương trình
phân ban thì chỉ có 3 tiết/tuần (hiệu trưởng Nam tốt nghiệp chuyên ngành
Văn học - PV). Ngoài ra đối với chương trình phân ban thì có tiết giáo
dục ngoài giờ lên lớp với số lượng 4 tiết/tháng. Là HT nên tôi phải làm
việc này, và coi như đó là giáo dục ngoài giờ lên lớp, tức là giảng dạy.
Từ thời khóa biểu và bảng lương, không khó để xác định hiệu trưởng Nguyễn Bá Nam không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp.
"Không phải cứ đứng ở trên bục giảng mới gọi là giảng dạy" - HT Nguyễn Bá Nam phân trần
Tuy nhiên, những lời thanh minh của HT
Nam hoàn toàn “đối nghịch” với quyết định số 224/2005/QĐ-TTG của Thủ
tướng Chính phủ ban hành ngày 6/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với
nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo quyết định này, mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực
tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm kỹ thuật tổng hợp -
hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở
đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy
nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành
phố trực thuộc tỉnh.
Ngoài ra theo tại điểm c khoản 1 thông liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg cũng nói rõ: Cán
bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập,
trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền mới
được hưởng phụ cấp đứng lớp
Trong
quá trình chúng tôi thực hiện bài viết này, nhiều giáo viên ở tỉnh Thái
Bình đã liên hệ và cho biết: không chỉ có Trường THPT Lê Quý Đôn xảy ra
hiện tượng Hiệu trưởng không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng vẫn
được nhận phụ cấp đứng lớp mà nhiều trường THPT khác thuộc địa bàn Thái
Bình tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra. Thông qua báo điện tử Dân trí,
các giáo viên này bày tỏ hi vọng các cơ quan chức năng của tỉnh Thái
Bình sẽ vào cuộc để chấn chỉnh những sai phạm này, đồng thời truy hồi
toàn số tiền chi sai quy định để nộp lại ngân sách nhà nước.
|
Chưa dừng lại ở đó, theo thông tư
49/TT-GD quy định chế độ công tác của giáo viên (GV) trường phổ thông và
sau này được thay thế bằng thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT (ban hành ngày
21/10/2009) đều nhấn mạnh HT, Phó HT trường phổ thông có nhiệm vụ
giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và
tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác
quản lý. Cụ thể HT dạy 2 tiết/tuần. Phó HT dạy 4 tiết/tuần.
Việc HT Nguyễn Bá Nam cho rằng mình kiêm Bí
thư chi bộ nhà trường hạng I nên theo thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT
thì được giảm 4 tiết/tuần là toàn toàn không đúng so với quy định.
Cụ thể, tại điều 9 của thông tư này có đưa ra chế độ giảm định mức tiết dạy đối với GV kiêm nhiệm
công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường. Nghĩa là
quy định này chỉ áp dụng đối với GV trực tiếp giảng dạy (không làm công
tác quản lý), còn HT Nguyễn Bá Nam lại thuộc diện GV làm công tác quản
lý. Nói cách khác Điều 9 không áp dụng đối với HT, Phó HT trường phổ
thông. Còn nếu lần theo thông tư số 49/TT-GD trước đó thì khái niệm
về GV kiêm nhiệm được nêu rất rành mạch và rõ ràng.
Như vậy việc HT Nam “lầm tưởng” mình
được giảm 4 tiết/tuần là khó có thể chấp nhận được bởi thời điểm gây
hiểu lầm (nếu có) chỉ có thể xuất phát từ khi Thông tư số
28/2009/TT-BGDĐT ra đời. Song sự “lầm tưởng” này lại kéo dài cho đến
thời điểm hiện tại thì không thể có lời biện minh nào hợp lý bởi vào
ngày 24/9/2010 Bộ GD-ĐT đã có công văn số 6120/BGDĐT-NGCBQLGD gửi giám
đốc các Sở GD-ĐT các địa phương phúc đáp việc hỏi về Thông tư số
28/2009/TT-BGDĐT. Trong công văn này Bộ GD-ĐT đã khẳng định: “Các Điều
8, Điều 9 của thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT không áp dụng đối với HT,
Phó HT trường phổ thông, GV làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong
Hồ Chí Minh trường hạng I”.
Qua các chứng cứ và sự phân tích từ các
quyết định của Bộ GD-ĐT, có thể khẳng định việc HT Nguyễn Bá Nam nhiều
năm không trực tiếp giảng dạy nhưng vẫn được nhận phụ cấp đứng lớp là
hoàn toàn sai so với quy định. Không có một lời bào chữa nào cho việc
sai phạm này. Số tiền thất thoát sai quy định này cần phải được truy hồi
theo đúng quy định của pháp luật.
Việc hiệu trưởng Nguyễn Bá Nam cho rằng mình kiêm Bí thư chi bộ nhà trường cấp 1 nên được giảm 4 tiết/tuần là không đúng so với quy định.
Một điều mà chúng tôi chưa thể tìm ra lời
giải đáp đó là theo lời HT Nguyễn Bá Nam thì trước tết Thanh tra Sở
GD-ĐT Thái Bình đã vào cuộc để kiểm tra vụ việc nhưng sau đó lại khẳng
định việc vị HT này được hưởng phụ cấp đứng lớp là đúng.
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ làm việc với
Sở GD-ĐT Thái Bình để làm sáng tỏ khúc mắc trên nhưng bất thành bởi các
lãnh đạo đều bận đi công tác cho đến hết tuần. Còn về phía Chánh văn
Phòng của Sở GD-ĐT Thái Bình, mặc dù đã hẹn với phóng viên lịch làm
việc vào chiều ngày 4/4 nhưng khi chúng tôi có mặt thì lãnh đạo này lại
rời khỏi cơ quan. Khi được phóng viên nhắn tin nhắc đến cuộc hẹn thì
lãnh đạo phản hồi: “Tí anh về quê làm Thanh minh. Cuối tuần giám đốc mới
về”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra những sai phạm của Trường THPT Lê Quý Đôn để thông tin đến với độc giả.
Nguyễn Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét