Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

HS giải Nhất Quốc gia Văn: Đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT "thô thiển"

Thứ hai 16/04/2012 11:59
(GDVN) - Đề thi luận bất ngờ, táo bạo, gai góc nhưng không đánh giá được kỹ năng, cách diễn đạt của học sinh và không phù hợp với một đề thi đại học.
Sau khi kỳ thi sơ tuyển Đại học FPT kết thúc, nhiều thí sinh và cư dân mạng “sốt” với đề thi luận bàn về “trinh tiết” của người phụ nữ, bộc lộ quan điểm “sống thử”, “sống thoáng trong tình yêu” và “quan hệ tình dục trước hôn nhân”. Đã có nhiều luồng ý kiến đồng tình hay phản đối cách ra đề thi “có một không hai” này.

Trần Anh Đức (HS 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam), giải Nhất môn Văn Quốc gia năm 2012 có vài lời nhận xét về đề thi và thẳng thắn bộc lộ quan điểm “sống thử” của giới trẻ hiện nay.

Trần Đức Anh (12 Văn chuyên Hà Nội Amsterdam), giải Nhất Văn Quốc gia năm 2012 nhận xét đề thi luận ĐH FPT gai góc, mới mẻ, sáng tạo nhưng hơi "thô thiển". Đức Anh còn thẳng thắn bộc lộ quan điểm về trinh tiết của người con gái, quan niệm sống thử.


Đề hay, táo bạo, mới mẻ nhưng hơi “thô thiển”

Anh Đức cho rằng, đây là đề thi của một trường tư nhân nên việc ra đề không chịu quá nhiều áp lực và Trường FPT “có tiếng” với cách ra đề viết luận táo bạo, sáng tạo và mới mẻ trong những năm gần đây.

"Tuy nhiên khi đọc đề thi, em khá bất ngờ vì nội dung đưa ra cho học sinh là luận bàn quan niệm về 'cái màng trinh' của người phụ nữ. Mặc dù đây là vấn đề gai góc, 'nóng' trong đời sống giới trẻ hiện nay, tuy nhiên bản thân em cho rằng vấn đề này lên báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng không sao cả, còn để là một đề thi đại học cho học sinh cấp 3 thì không phù hợp.

Em luôn hoan nghênh cách ra đề táo bạo, mới mẻ, tuy nhiên có nhiều vấn đề gần gũi với học sinh hơn mà đâu nhất thiết phải nhắc đến quan niệm về 'cái màng trinh' của con gái?!”, Anh Đức bày tỏ.

Theo Đức thì đề thi táo bạo ở chỗ đề cập đến vấn đề nhạy cảm, tế nhị, khi nhắc đến nhiều người còn đỏ mặt. Và để làm được đề này điều quan trọng là đưa ra quan điểm đồng ý hay không đồng ý. Và cần kiến thức về quan niệm người phụ nữ, cũng như vấn đề tình cảm hôn nhân gia đình, tình yêu đôi lứa… “Và đáp án của Trường ĐH FPT cũng phải thực sự cởi mởi, chấp nhận mọi cách suy nghĩ chứ không gò bó theo một cách nào cả. Tuy nhiên, bài thi này không đánh giá được kỹ năng, cách diễn đạt của học sinh mặc dù có tư duy, sáng tạo…”, Anh Đức khẳng định.

Anh Đức cũng cho rằng, đề thi của Trường ĐH FPT là cách thi quốc tế, nước ngoài dưới hình thức bài luận, toán logic để đánh giá cả kiến thức xã hội của thí sinh. Tuy nhiên, nền giáo dục Việt nam vẫn có hệ thống thi cử cũ, cách dạy xơ cứng, học sinh chưa năng động và chương trình dạy chưa theo sát tâm lý của học sinh nên việc áp dụng cách ra đề “táo bạo” này chưa thực sự phù hợp.

“Nếu muốn giao đề tài như thế này phải thay đổi từ chương trình dạy để học sinh làm quen với những vấn đề mang nhiều kiến thức xã hội?”, Anh Đức chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi luận của Trường FPT chấp nhận được nếu cách diễn đạt kín đáo hơn, thanh nhã, nhẹ nhàng hơn và bớt thô thiển hơn.
Nguyễn Thị Giang (HS lớp 11 Chuyên Lý, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội): Em ủng hộ hình thức ra đề mới mẻ, nội dung hay, thực tế của Trường FPT, nhưng không nên đề cập đến vấn đề 'màng trinh' mà chỉ đặt vấn đề quan niệm của học sinh về “sống thoáng” của giới trẻ hiện nay, về “sống thử”; “quan hệ tình dục trước hôn nhân”.

Đề thi phù hợp với lứa tuổi nhưng chỉ nên đặt trong chương trình giới tính chứ không nên làm đề thi đại học vì thẳng và thô quá! Hy vọng FPT tiếp tục ra những đề sáng tạo, phá cách, nhưng nhẹ nhàng hơn. Theo em đây là vấn đề “nóng”, cần phải nhìn nhận thẳng thắn bởi nó thực sự cần thiết với lứa tuổi học trò. Và theo như câu hỏi của đề thi luận thì mình không ủng hộ quan điểm: “ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”.


Không đồng tình với quan niệm “sống thử”

Bên cạnh việc bộc lộ ý kiến về đề thi luận, Trần Anh Đức còn bày tỏ quan điểm “sống thử”, quan hệ tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ hiện nay. Là một học sinh đang học lớp 12, Đức nói rằng không đồng tình việc sống thử vì đó đi ngược với nền văn hóa lâu đời, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đức giải thích rằng: “Sống thử - thử xem có sống được với nhau hay không, rất nhiều cái thử rồi nhiều trường hợp dẫn đến chia tay và ít bền vững. Bởi yêu nhau không có nghĩa là hiểu nhau hoàn toàn, khi sống chung thì tính cá nhân và không gian riêng của mỗi người bị phá vỡ. Và khó có thể hòa hợp, thông cảm cho nhau được”. Tuy nhiên, Đức thừa nhận rằng đấy là quyền tự do của mỗi người, bản thân mình không có quyền phán xét, ép buộc hay kết tội họ.

Đưa ra ý kiến về trinh tiết của người con gái là gì, Đức bày tỏ thẳng thắn: “Nói như Nguyễn Du thì Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường, mình nghĩ rằng trinh tiết của người con gái quan trọng nhất vẫn là con người, là tâm hồn, chứ không chỉ là thể xác. Có một câu nói của dân teen là: “Đàn ông thì hay muốn mình là người đầu tiên, nhưng phụ nữ muốn mình là người cuối cùng”. Vì vậy, trinh tiết là thứ quan trọng nhất đối với người phụ nữ, người con gái tốt nhất nên giữ gìn sự trong trắng của họ trước khi lấy chồng, đừng nên đánh đổi cái ngàn vàng của mình một cách dễ dàng để xảy ra hiện tượng “ăn cơm trước kẻng”.

Liên hệ với thực trạng hiện nay nhiều học sinh cấp 3, cấp 2 có suy nghĩ “thoáng”, “thả” với quan hệ tình dục, Đức khẳng định nếu xét về mặt pháp luật thì đó là phạm pháp, còn xét về đạo đức thì đi ngược với truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, điều đó khó trách được bởi học sinh có nhiều sự thay đổi tâm sinh lý trong tuổi dậy thì.

Có nhiều ý kiến trái chiều, quan niệm khác nhau trong vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử, sống thoáng trong tình yêu. Có nhiều luồng ý kiến ủng hộ đề thi được coi là nhạy cảm và tế nhị đối với học sinh và bày tỏ hy vọng trường ĐH FPT tiếp tục ra những đề thi mới mẻ, sáng tạo như vậy. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là "Liệu giáo dục Việt Nam có đủ cải cách, đổi mới để có thể ra đề theo cách của nước ngoài hay chưa?" thì vẫn còn phải bàn!

Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét