Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thầy giáo 9 tuổi
Trong con hẻm số 3 nằm trên đường Phạm Huy (TP.Vinh, Nghệ An) có một lớp học rất đặc biệt. “Thầy giáo” ở đây là một cậu bé 9 tuổi, đang học lớp 3.
Lớp học nằm trên tầng 3 ngôi nhà của bà Chu Thị Thanh Hà, bà ngoại cậu bé “thầy giáo” Trần Lê Hữu Giỏi. Ba chiếc bàn được kê gần với tấm bảng viết. Lớp học đặc biệt này do cậu bé Giỏi mở tháng 9 năm ngoái. Mỗi tuần Giỏi dạy 2 buổi vào chiều thứ tư và thứ sáu. Bà cậu rất vui khi nói về lớp học của đứa cháu ngoại.    
Lớp học hồn nhiên
Buổi chiều, giờ tan tầm. Đám trẻ vừa đi học về đến nhà đã lục tục kéo đến nhà “thầy Giỏi”. Gặp Giỏi cũng vừa từ trường trở về, chúng khoanh tay “chào thầy” ríu rít dù có đứa hơn “thầy” đến hai lớp. “Thầy giáo” cũng “chào các em” một cách rất tự nhiên. Thấy tôi ngạc nhiên khi đám trẻ xưng hô rất lễ phép với “thầy”, bà Hà cười, nói chúng cứ gọi hồn nhiên như thế từ khi lớp học hình thành.
 
“Thầy giáo” Giỏi hồn nhiên nhưng rất chững chạc trên “bục giảng”  - Ảnh: Khánh Hoan 
Buổi học bắt đầu lúc 17 giờ kém 10. Học trò gồm 11 em đang học từ lớp 2 đến lớp 5 ngồi quanh ba chiếc bàn. “Thầy giáo” Giỏi có khuôn mặt trông thông minh với cặp kính cận dày cộm, trễ đến xuống tận cánh mũi, mở giáo án ra và bắt đầu buổi dạy. Đầu tiên là kiểm tra bài cũ. Cậu bé gọi tên từng “học trò” rồi kiểm tra bài hôm trước. Đó là các từ vựng về tên một số nước: Nga, Nhật Bản, Hà Lan... và cách ghép câu, kiểu “He/she is from Japan”... “Thầy giáo” Giỏi đặt câu bằng tiếng Việt, “học trò” trả lời bằng tiếng Anh. Đám “học trò” tranh nhau giơ tay xin được kiểm tra khiến lớp học rất rộn ràng. Kiểm tra xong mỗi đứa, “thầy Giỏi” lại cho điểm vào sổ và không quên kèm theo lời khen: “Tốt lắm”.
“Bây giờ chúng ta học bài mới. Hôm nay, ta học về từ chỉ người các nước”, “thầy giáo” Giỏi nói sau khi đã kiểm tra xong bài cũ. Để cho đám “học trò” dễ nhìn, “thầy Giỏi” trèo lên trên cái ghế đẩu, viết lên bảng ngày, tháng bằng tiếng Anh và những từ vựng về tên gọi người của một số nước: Scottish, French, Russian... rồi phiên âm và lấy thước chỉ lên từng từ, đọc to cho đám “học trò” đọc theo.   
Đọc qua đọc lại cỡ mươi lần, cậu bé gọi từng “học trò” đứng lên đọc thử để kiểm tra cách phát âm và “chỉnh” giúp những học trò phát âm chưa chuẩn. Sau khi kiểm tra miệng xong, cậu bé xóa hết những từ đã viết trên bảng rồi yêu cầu “học trò” viết lại trong 5 phút. Đám “học trò” lấy vở và bút ra hí hoáy làm bài, vừa viết vừa trò chuyện vui vẻ, “thầy giáo” thì tranh thủ ngồi tót lên ghế hồn nhiên góp chuyện.
Sau khi “thầy” thông báo hết giờ, đám “học trò” nộp vở lên cho “thầy” chấm điểm. Cậu bé chấm điểm vào vở của “học trò”, vừa chấm vừa đọc tên rồi xướng điểm luôn và cũng không quên kèm theo lời khen “Tốt lắm”. 
Chấm xong, trả bài, cậu bé lấy thước gõ vào cái ống tuýp dựng ở góc tường cạnh tấm bảng mấy tiếng “keng, keng, keng, keng...” rồi nói “đến giờ ra chơi”. Đám học trò reo hò, đứng dậy lôi mấy quả bóng để ở góc phòng ra. Cả “thầy” và “trò” cùng chia phe tranh nhau mấy quả bóng và hò hét inh ỏi.
 
“Thầy giáo” Giỏi đang chấm bài kiểm tra cho học trò
Buổi học lại tiếp tục sau khi cả “thầy” và “trò” đều đã mệt lử. “Thầy giáo” tiếp tục viết lên bảng các câu bằng tiếng Việt liên quan đến những từ vựng vừa học để học trò tự dịch ra tiếng Anh, những câu bằng tiếng Anh khuyết từ để học trò điền vào chỗ trống. Đám “học trò” sau giờ chơi lại chăm chú học. Cuối giờ học là phần bài tập về nhà.
Lớp học tan khi trời đã nhá nhem tối. “Học trò” trước khi ra về lại ríu rít “Chào thầy, em về”.
Cậu bé ham sách
Bà ngoại của cậu bé kể, hồi mới 2 tuổi rưỡi, Giỏi đã đọc được sách báo. Khi Giỏi 3 tuổi, bà (bà Hà nguyên là giáo viên dạy tiếng Anh Trường CĐ Sư phạm Nghệ An) dạy cho cậu học tiếng Anh. Cậu học rất nhanh và tỏ ra rất thích thú. Tháng 9 năm ngoái, khi vừa lên lớp 3, có đứa bạn học cùng lớp với cậu bé đến nhờ cậu “phụ đạo” môn tiếng Anh. Sau đó, một số em khác cũng đến nhờ. Bà Hà bảo đám trẻ lên tầng 3 để học. Một hôm, bà và mẹ cậu (cũng là giáo viên dạy tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh) ngạc nhiên thấy cậu cầm cuốn vở và cái thước đứng rất chững chạc, gõ lên bàn nói: “Hôm nay, chúng ta làm bài kiểm tra”. Bà Hà hỏi thì cậu bé nói cháu đang dạy học. Không nghĩ rằng cậu bé “dạy học” thật mà sợ cháu lo chơi, không tập trung học bài nên bà nói với bố mẹ cậu cấm cậu chơi trò chơi dạy học. Cậu bé khóc. Vài bữa sau, có một phụ huynh đến xin cho con “nhập học” lớp “thầy Giỏi” khiến bà và bố mẹ cậu rất bất ngờ. Sau khi kiểm tra “giáo án” mà cậu bé đưa, bà ngạc nhiên thấy cậu làm rất bài bản như một tiết học ở trên lớp. Thấy Giỏi cứ nằng nặc đòi “dạy học”, không cho thì khóc nên cuối cùng cả nhà đồng ý cho cậu “mở lớp” dạy tiếng Anh, tuần 2 buổi. Ban đầu, mẹ cậu chỉ dẫn cho cậu cách bố trí một tiết dạy và sửa “giáo án”, sau đó thì cậu tự làm.  
Từ vài ba “học trò” ban đầu, ít bữa lại có thêm phụ huynh đến xin cho con “nhập học” và nay thì số “học trò” đã hơn chục em. 
“Tôi nói với phụ huynh các cháu là các anh chị đừng kỳ vọng chi lớn lao ở lớp học này mà hãy cứ coi như đây là trò chơi của bọn trẻ. Họ vui vẻ đồng ý. Mấy ngày qua cũng có một số người gọi điện đến xin gửi con học nhưng tôi phải nói khéo để từ chối vì không có bàn ghế cho các cháu ngồi”, bà Hà kể. Nhận xét về “thầy giáo” của mình, em Trần Thị Quỳnh Anh (lớp 5) nói: “Thầy Giỏi dạy dễ hiểu, học ở đây lại vui nên con rất thích”.          
Ngoài giờ học và “dạy học”, sở thích của cậu bé là đọc sách và học tiếng Anh trên mạng. “Các môn học khác cháu cũng học bình thường, riêng tiếng Anh thì cháu học tốt và đam mê. Ngày sinh nhật, hỏi con muốn bố mẹ tặng gì, cháu đều xin mua sách. Những cuốn tiểu thuyết như Chiếc lều bác Tom, Không gia đình... tôi để trong tủ cháu đều lôi ra đọc hết. Ngay cả cuốn Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer nguyên bản tiếng Anh, tôi đưa để thử thì cháu đọc rất chăm chú và nói con hiểu được nội dung”, chị Lê Thị Sao, mẹ cậu bé, kể.
Ông nội và ông ngoại cậu bé cũng là những giáo viên có tiếng ở vùng đất học. Bố cậu cũng đang công tác trong ngành giáo dục. “Con muốn sau này sẽ thành thầy giáo dạy tiếng Anh”, Giỏi nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét