Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Đề thi “trinh tiết” của ĐH FPT không tri thức, không giáo dục, thẩm mỹ

Thứ hai 16/04/2012 05:59
(GDVN) - GS.Trần Đình Sử: “Đề thi của ĐH FPT không đạt yêu cầu của một đề thi tuyển sinh nghiêm chỉnh vì thiếu cả ba yếu tố quan trọng nhất: Tri thức, giáo dục và thẩm mỹ…”.
3 sai sót không thể chấp nhận của đề thi "trinh tiết"

GS. Trần Đình Sử, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nổi tiếng (Ảnh Thu Hòe)

Đứng trên lập trường một người thầy, một nhà nghiên cứu, nhà lý luận – phê bình văn học, với kinh nghiệm nhiều năm ra đề thi… GS.Trần Đình Sử lấy làm tiếc cho một đề thi tuyển sinh của ĐH FPT thiếu đi những yếu tố căn bản, sơ đẳng đến nỗi một đề thi kiểm tra bình thường cũng phải thỏa mãn.

GS.Trần Đình Sử cho biết: “Tác giả của đề thi đã nhầm lẫn rất căn bản, không hiểu Truyện Kiều, không biết được hai trích dẫn đó là hai câu nói của hai nhân vật trong hai trường hợp vô cùng đặc biệt chứ không phải lời khẳng định của Nguyễn Du.

Đề thi này đã hiểu hai câu nói đó thành hai quan điểm trái ngược, một bên là không nhất thiết phải giữ chữ trinh, một bên nhất nhất phải lấy trinh tiết làm đầu và lấy đó làm “cái cớ” để bắt thí sinh bình luận, bày tỏ quan điểm.

Sai sót thứ hai, tác giả đề thi đã “tầm thường hóa” trinh tiết của người con gái. Thực chất vấn đề ở đây là “trinh tiết” nhưng đã bị chuyển thành“cái màng trinh”. Hai chữ trinh tiết có nội dung rất rộng lớn mang tính chất là thuần phong mỹ tục, là phẩm chất, đạo đức nhưng lại bị biến thành “cái màng trinh”, một bộ phận trên cơ thể người phụ nữ, rất dung tục, tầm thường.

Người ra đề đã không ý thức được về thẩm mỹ và đạo đức khi làm “dung tục hóa” một vấn đề đạo đức thiêng liêng, tốt đẹp. Đề thi này dung tục ở mọi góc độ và dưới góc độ nào cũng không thể chấp nhận được.

Sai sót thứ 3, đề thi cho thí sinh bình luận vấn đề dưới dạng mở nhưng thực chất đáp án chỉ có một chiều thôi. Học sinh là những người trẻ tuổi. Tất nhiên, họ không bao giờ muốn mình rơi vào là một trong những người có quan niệm “cổ hủ” về tình dục. Họ buộc phải trả lời theo hướng “cấp tiến”. Cấp tiến đồng nghĩa là buông thả, là chấp nhận tình dục trước hôn nhân.

Do đó, đề thi này về mặt giáo dục là không có lợi, thậm chí là đang “vẽ đường cho hươu chạy”, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của đất nước khi tác động của cơ chế thị trường, làn sóng văn hóa phương Tây đang xâm nhập vô cùng mạnh mẽ hiện nay. Cái đó không đáp ứng được mục tiêu giáo dục của chúng ta. Luật giáo dục cũng đã nêu rõ vấn đề này, cấm mọi hoạt động lợi dụng giáo dục để phá hoại thuần phong mỹ tục của đất nước…

Từ những sai sót đó, GS.Trần Đình Sử khẳng định: “Đề thi của ĐH FPT không đạt yêu cầu của một đề thi tuyển sinh nghiêm chỉnh. Tôi rất tiếc cho các trường ĐH coi nhẹ những yếu tố về tri thức, thẩm mỹ và giáo dục trong cách ra đề thi. Và đề thi của ĐH FPT thiếu cả 3 yếu tố ấy. Đó là điều không thể chấp nhận được…”.

Trường ĐH FPT đang có biểu hiện “yếu kém” về quan điểm thẩm mỹ

Theo GS.Trần Đình Sử, vấn đề không chỉ ở cá nhân người ra đề mà còn ở cả hội đồng ký duyệt đề thi. Và với trường hợp của ĐH FPT, vấn đề không chỉ là năng lực cá nhân của một số người mà còn là vấn đề quan điểm.

Ông cho biết: “Quan điểm đổi mới, ra những đề thi để học sinh hứng thú, bộc lộ được những ý nghĩ riêng của mình là rất cần thiết và là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sáng tạo đến mức lôi 'cái màng trinh' dung tục ra để cho học sinh bình luận là điều rất không nên chút nào. Những vấn đề nhạy cảm gắn liền với đời sống hiện nay có thể mang ra trao đổi ở các cuộc thảo luận, các giờ sinh hoạt ngoại khóa…”.
Bạn có cho rằng đề thi bàn về trinh tiết của ĐH FPT yếu kém về mặt thẩm mỹ?
  • Không

GS.Trần Đình Sử cũng nhấn mạnh: “Đề mở cũng như đề đóng đều phải thỏa mãn những yêu cầu về tri thức, tính giáo dục và yếu tố thẩm mỹ. Đề thi của ĐH FPT gọi là đề mở nhưng thực chất là đề có tính định hướng. Người ra đề cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng với việc ra những đề thi 'chông chênh' đi giữa ranh giới đúng và sai, vấn đề nhạy cảm và thuần phong mỹ tục… để thỏa mãn về tri thức, giáo dục và thẩm mỹ mà đề thi đưa ra…”.

Cũng theo GS. Trần Đình Sử, trường học là công cụ của Nhà nước, để đào tạo thế hệ trẻ. Dù nó là trường công hay trường tư thì nó vẫn phải là công cụ của Nhà nước để giáo dục tri thức, đạo đức cho thế hệ trẻ. Không có ai có quyền phá vỡ cái đó.

"Trường FPT dường như có những vần đề về quan điểm, về thẩm mỹ khi liên tục có những biểu hiện khiến dư luận phản ứng và bản thân tôi thấy lo lắng về điều đó. Những biểu hiện của ĐH FPT (cho sinh viên nhảy múa khỏa thân trong lễ kỷ niệm 1 năm thành lập trường, in vào sách những lời hát chế các bài hát cách mạng nổi tiếng…) là những hành vi rất lệch lạc thể hiện quan điểm, lối sống buông thả, thiếu lành mạnh, không có chuẩn mực. Và dường như ngôi trường này đang có biểu hiện yếu kém về quan điểm thẩm mỹ…”, GS Trần Đình Sử kết luận.

 

Thu Hòe
Nóng trong ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét