Tôi tiếp được hàm (?) và sách của quý xã cho tôi, lẽ nên (kịp) thời đáp phúc, sở dĩ chầy trễ đến bây giờ, là vì có mấy cớ:
1. Tôi sợ ý kiến của tôi đối với vấn đề ở bây giờ chưa được thập phần thỏa đáng.
2. Đối với tôi chỉ quý xã chưa được thập phần minh liệu. Vì mấy duyên cớ đó nên tôi chưa dám trả lời. Gần mấy tháng nay, thân tôi bị bệnh ma xíu xít (?) vào chiếc thuyền con tôi ở, thời lại mưa sập sìu, ngó ra ngoài trời, thời mây đen như mực, ngó trên mặt nước thời khói bịt như màn, tình tự vô liệu cũng không hứng vị gì ở bút mực, hoàn cảnh tôi bắt buộc tôi như thế, nên tôi phải đắc tội cũng quý xã. Quý xã đã đôi phen thôi giục, tôi phải cố làm dạm xin công hiến mấy lời.
Nhân tình thế thái ở nước ta bây giờ và xã hội gia đình ở nước ta bây giờ, nam giới còn chẳng gì, huống gì nữ giới. Ngó ra phía Bắc, gửi hồn mộng lên mấy ngàn năm xưa “gió Trưng Vương hiu hắt, sông Nhị Hà lặng ngắt sóng anh thư, tăm Triệu Ẩn mịt mù, đá Thanh Hoa ủ ê hồn nữ tướng”. Nghĩ càng buồn, buồn càng tức, món mày râu đã hèn hạ như mình cả, họa may mà phường khăn ướm, mà có một vài người định sinh giáng xuất chăng?
Người xưa có câu rằng: “Minh tri vô ích sự, do tác hữu tình si” đành hay việc đó là vô dụng, nhưng sao tình kia luống ngần ngơ! Thôi thì cũng giở cái phụ nữ vấn đề bàn cho vui chuyện. Theo nguyên lí nhân sinh mà nói ra, trời rung đất nấu, núi chứa sông thai nếu đã loài người thời ai cũng như ai. Người nước ta cũng là loài người, đàn bà nước ta cũng là loài người; bà Ran - Đa(1), La - Lan(2) há phải của riêng gì nước Đại Pháp đâu! Bà Thu Cận, cô Trịnh Dục Tú há phải nòi giống riêng gì nước Trung Hoa đâu!
Có sao đàn bà nước người ta như thế kia? Đàn bà nước của mình như thế này?... (mất một số dòng do giấy nát không đọc được). Có hạn chế riêng cho người ta nước ta hay sao? Không phải! Không phải! Nhưng mà xét lịch sử tập quán của phụ nữ nước ta, càng xui cho ta chán ngán buồn rầu, mà không thể nói đặng.
Cái thứ nhất là những hạng người hay thờ chồng, hay nuôi con, biết tơ tằm bông vải, biết nấu nước rượu cơm. Bập bẹ được mấy tiếng tam tòng tứ đức, đã kể cho là gái thánh vợ hiền, nhưng mà một bước không ra khỏi cửa buồng, một hơi nói không thoát khỏi hơi thiếp phụ.
Hạng thứ nhất tài cán, là tranh quyền với ông chồng, đánh ghen với cậu rể. Mấy câu “ông ăn chả, bà ăn nem” với câu “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” thời đầu miệng thuộc lóe loe, trong óc nhớ làu làu, thế mà vẫn thèm nữ quyền! Thế mà vẫn khoe phụ đạo! Còn một hạng nữa thời lại là xuất sắc ở đời bây giờ; mặt không phai nét phấn, đầu không bao giờ ngớt nước bông! Được ông Tham, ông Đốc ghé mắt liếc qua, đã tự vị là thần thánh, nghe mét-xì, bông-rua được đôi tiếng, thời đã khoe mình là văn minh, kể tấn bộ thì chỉ thấy những lên xe ô tô, vào nhà hát, xem hát bóng, nghe hát tuồng, thế là rất mực tài danh, kể khai thông thời chỉ biết ăn cao lâu, biết thức Tây, biết thức Tàu, biết mặc đồ đầm, biết đánh tài bàn, tứ sắc, thế là rất mực khôn ngoan; nghĩ tư cách phụ nữ nước ta như thế, so với “món chim lồng cá chậu, phường giá áo túi cơm”, e họ còn hơn chút đỉnh. Bởi vì bọn con trai còn tí năng lực, mà hầu hạ được món gái, còn bọn con gái thì không tí gì năng lực mà cảm hóa được món trai, nhưng nói cho đúng lẽ, thì nhân cách của phụ nữ nước ta hèn hạ đến thế, há phải tội tại phụ nữ đâu! Mà tại lịch sử nước ta là lịch sử vô giáo dục, mà thứ nhất lại là giáo dục của phụ nữ, thiệt không một tí gì?
Đời xưa, quyền vua chuyên chế, cách giáo dục là để ngu dân, mà đối với con gái đàn bà lại ngăn ngừa, cấm chế! Thời những phường phụ nữ thì tất phải (… mất chữ) nhỏ từ việc làng việc họ, lớn đến việc triều đình, không một tí gì kể đến đàn bà (…). Thường xem đàn bà con gái là một bầy gà mái, cũng không muốn dạy dỗ, mà cũng không cần dạy gì? Tích tụ lâu ngày, trùng trùng điệp điệp (...) lúc bấy giờ thời tệ hại nặng hơn!
Khi trước tuy rằng không giáo dục mà nhờ cái cần thiên nhiên đào tạo, cậy cái phép tổ phụ lưu truyền, vợ tốt dâu hiền, mẹ lành con thảo, ở trong đám phòng the bếp núc, chưa đến nỗi hết thảy là bầy gà.
Khốn khổ nhất là giáo dục đời này, khi mà óc nô lệ nặn vắt từ nên ba nên bảy, là trâu ngựa vun đắp khắp kẻ chợ nhà quê, hình thức bề ngoài tuy là có cái mặt nạ giáo dục, mà tinh thần bề trong cố làm cho tiêu mòn cái chân tính của người, giáo dục giả dối bao nhiêu, thời phụ nữ sa sút cũng bấy nhiêu! Cái họa áp chế ở gia đình, không bằng cái họa bùa mê ở giáo dục giả? Vứt hết máu mủ tiền bạc vì phấn sáp, nước bông, hao hết thì giờ quý báu vào đua hồng diện lục; mới được một lá bằng tốt nghiệp, thời xem cha mẹ, chú bác không đáng một đồng xu, mang được cái lốt ma-đam, thời xem dân nước quê hương không bằng sợi tóc, thế mà nữ sĩ này, nữ sĩ nọ, danh hiệu um sùm, thế mà nay nữ quyền, mai nữ quyền, kêu rêu xao xác. Phụ nữ như thế, còn vấn đề gì mà bàn nữa đâu! Những người còn có tâm huyết, còn có can trường, xét đến tình trạng phụ nữ xã hội ta, bảo không buồn rầu chán ngán sao đặng! Than ôi! Đời xưa quân quyền chuyên chế, thời chôn hết phụ nữ vào cái mồ vô giáo dục. Ngày nay, nhớ cái ơn khai hóa, thời lại chôn sống phụ nữ vào cái hầm ngụy giáo dục. Chúng ta đã không quyền giáo dục, còn bàn gì được phụ nữ vấn đề nữa đâu! Tuy nhiên, ví như người mắc bệnh (…). Chị em ta có lẽ ngồi mà chờ chết hay sao? Ở trong khi gần chết, thời gấp tìm một cách sống, thời tôi nghĩ một phương pháp rất thần hiệu, xin cống hiến với các chị em.
Phương pháp gì đây? Thời chỉ nhờ sức tự động của chị em mình, mình giáo dục lấy mình, ấy là thượng sách; mắt chị em vẫn hay thấy, tai chị em vẫn hay nghe, miệng lưỡi chị em vẫn hay nói, óc thiêng chị em vẫn hay tư tưởng, tay chân chị em vẫn hay hành động; nếu các chị em mình không tự mù lấy mình, mà ai bắt mình mù đặng? Mình không tự điếc lấy mình, mà ai bắt mình điếc đặng? Mình không tự câm lấy mình, mà ai bắt mình câm đặng? Mình không tự ngu lấy mình, mà ai bắt mình ngu đặng? Mình không tự xiềng trói lấy mình, thì ai xiềng trói được mình; đua khôn khéo ở trong trường ưu liệt, ta quyết bay trên chạy trước, cho đạt món râu mày, phần tinh thần ở giữa hội Á - Âu, ta cũng chỉ bền gan, sẽ trỗi danh cân-quắc. Hễ những sự nghiệp gì rất khó khăn, rất to lớn, món trai không làm nổi, chị em là quyết chí làm nên. Sách Tây có câu rằng: “Mình tự giúp lấy mình thì trời giúp cho”. Chị em muốn giữ quyền người, muốn tranh quyền gái, cũng chỉ bấy nhiêu.
Nói tóm lại chỉ một câu: chị em tự giáo dục lấy chị em, óc khôn ta là thầy, chí khí ta là thợ, tay chân khí phách ta là đội ngũ quân lính, ta có gánh gì cất chẳng nổi, có quyền gì ta tranh chẳng hơn! Bà Trưng, Bà Triệu ở dưới suối vàng chắc cũng vỗ tay mà hô rằng: “Việt Nam phụ nữ vạn tuế!”. Tôi mong vào chị em chỉ ngần ấy.
Tuy nhiên còn có một lời, làm người muốn tự lập, trước phải tự cường, nếu chị em không trước để lòng vào, người ta đi đến ức muốn dặm, mà ta thì không ta khỏi cửa buồng, người ta thay đến bảy tám (…) mà ta thì diễn không rời tấm cũ, áo đã bạc trăm cấp, mà quý báu làm gia truyền, nhà đã đổ tứ tung, mà bảo trì làm thế nghiệp, hư hại đến thế, tồi tàn đến thế, mà không biết bỏ cái cựu mà mưu cái tân, thời non sông gấm vóc này, còn mong gì thêu dệt, dòng họ thần minh ấy, còn mong gì lâu dài; suy cho đến gốc rễ, nguồn tai, là chỉ vì vết nhơ cũ không rửa trong, thời văn minh mới không tăng tấn. Bây giờ muốn tìm đường bay cao bước rộng, thời cần thứ nhất là mở mang tri thức mới, rửa trong mắt người mù, mà khiến cho thấy rộng, phách lỗ tai người điếc mà khiến họ nghe xa, vứt hết giá áo túi cơm, mà thay đổi lấy tinh thần tự trị, cởi hết lốt vai trâu, lưng ngựa, mà tô điểm lấy khí sắc tự cường.
Bản tùng san này sở dĩ chữ thứ hai đầu quyển sách là chữ “tân” (Phụ nữ tân văn - N.T.C). Ý nghĩa là như thế. Ý nghĩa hai chữ “minh tân” đã kể rạch ròi như trên kia rồi; còn một lời mà chúng ta phải phơi gan rạch dạ, mà cống hiến ở trước mặt đồng bào rằng: “Minh tân” đó không phải là minh tân ở bút mực đâu! Mà cốt minh tân ở sự nghiệp, mà cũng không phải là minh tân ở miệng lưỡi đâu! Cốt minh tân ở tinh thần. “Minh tân” về cách mua tiếng hay sao? Không! Không! Những ước nhờ minh tân mà gây hạnh phúc. Minh tân là mồi lặt xu hay sao? Không! Không! Những ước dắc “minh tân” cho đến vĩ đại. Than ôi! Máu quốc trót đêm ngày chan chứa, sáng bao giờ sáng? Mới bao giờ mới? Giọng déo da déo dắt thức đồng bào! Tiếng gà khi mưa gió dập dìu, “minh” cho được “minh”, “Tân” cho được “tân”, tấm lòng vô cùng vô tận phù chủng tộc, tri ngã tội ngã thì nhờ ở tấm lòng ông cha, bác chú, anh chị em ta. Kính phát(3)! r
Nguyễn Thúc Chuyên
(Sưu tầm - giới thiệu)
Chú thích
(*). Đây là bài cụ Phan Bội Châu viết trả lời gợi ý về mục đích tôn chỉ của tờ báo Phụ nữ Tân văn xuất bản ở Sài Gòn tháng 5 năm 1929. Dưới tiêu đề tờ báo có in câu “Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.
Bài này được trích trong di cảo Phan Bội Châu văn tập dày hơn 300 trang chữ Quốc ngữ viết tay, bị rách và rời một số tờ, hiện để tại Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở Huế.
(1). Jeanne d’Are
(2). Rolland
(3). Những chỗ dấu ba chấm trong ngoặc đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét