Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Quá nhiều bất cập (05/04/2012)
Bạo lực học đường gia tăng, học sinh tự tử vì bị la mắng, học sinh không hứng thú trong học tập, bị xâm phạm, bị lợi dụng...là do các em không có khả năng ứng phó với các căng thẳng, không biết giải quyết xung đột, không tiết chế được cảm xúc bản thân. Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân sâu xa là các em thiếu kỹ năng sống.



Trẻ em rất cần được trang bị kỹ năng sống
Ảnh: Thiên Bình

Tại hội thảo Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh- Thực trạng và giải pháp vừa được tổ chức tại quận Phú Nhuận- TP. HCM, Tiến sĩ Ninh Văn Bình- Trưởng phòng GDĐT quận Phú Nhuận cho rằng các em học sinh chưa được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống, như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém...

Cùng suy nghĩ đó, Phó Bí thư quận ủy quận Phú Nhuận Trần Thị Hóa phân tích: Giáo dục Việt Nam lâu nay chú trọng dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người”, dạy học sinh sống đúng, sống đẹp. Tính nhân văn ngày càng mờ nhạt thể hiện ở hành vi ứng xử chưa đẹp giữa các em và với thầy cô, cha mẹ, cộng đồng. Khiếm khuyết nhân cách còn thể hiện ở việc các em sống thiếu trách nhiệm với chính mình. Tồn tại này thuộc trách nhiệm nhà trường, gia đình và xã hội chưa giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Năm 2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 40 về việc phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Năm 2010 Bộ tiếp tục ra công văn số 3408 về việc bồi dưỡng cho giáo viên về tổ chức hoạt động giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng theo Thạc sĩ Phan Tấn Chí- Phó trưởng khoa quản lý giáo dục của trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP. HCM việc triển khai còn nhiều rào cản. Nội dung giáo dục hiện tại nặng về lý thuyết hơn thực hành. Học sinh từ chỗ nghỉ hẳn 3 tháng hè dần dần chỉ còn hai tháng rưỡi và bên cạnh việc học chính khóa còn lịch học thêm dày đặc mà vẫn chưa hết kiến thức thầy cô truyền thụ.

"Chúng ta đã đưa vào giáo dục trong nhà trường nhiều nội dung nhưng luôn nghĩ là chưa đủ, để thêm nội dung này lại phải bớt nội dung kia hoặc phải thêm thời gian. Về phía giáo viên muốn rèn luyện cho học sinh kỹ năng thì họ phải là người thuần thục kỹ năng mình sẽ dạy. Nhưng chương trình đào tạo giáo viên lâu nay nặng về khoa học cơ bản hơn là khoa học sư phạm. Kỹ năng mà học sinh được rèn luyện chủ yếu là kỹ năng học tập, còn kỹ năng sống không được rèn luyện đủ để có thể truyền thụ cho người khác. Đây là một trong những rào cản lớn nhất”, TH.S Chí nói.

Kết quả khảo sát của trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP. HCM cho thấy giáo viên rất có nhu cầu được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để giảng dạy kỹ năng sống, song chương trình, nội dung, thời gian, phương pháp và cả người bồi dưỡng cho giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu. Các trường công lập tại thành phố đều đang thực hiện việc giáo dục kỹ năng sống lồng ghép theo chương trình của Bộ GDĐT và thông qua hoạt động ngoài giờ, nhiều nơi giáo dục kỹ năng sống không khác gì giáo dục đạo đức. Ưu tiên hàng đầu của các trường vẫn là học văn hóa, là kết quả thi cuối cấp, vì nó liên quan đến thành tích chứ chưa phải là học sinh có nhiều kỹ năng sống hay không.

Việc giáo dục là nhằm "học để làm người, học để cùng chung sống” chứ không chỉ đơn thuần "học để biết, học để làm”. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, nhưng dư luận luôn cho rằng nhà trường có trách nhiệm lớn trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Giáo dục kỹ năng sống phải bắt đầu từ chính cuộc sống, vì thế những kỹ năng sống mà nhà trường giáo dục cho học sinh chỉ có thể được xem là thành công khi có thể giúp các em áp dụng có hiệu quả ở gia đình, trong xã hội.

BẢO HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét