Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Tin nóng: Hiệu trưởng ôm tiền "biến mất"; Hiệu phó bị ném "bom bẩn"

Thứ ba 24/04/2012 16:00
(GDVN) - Nhiều giáo viên, bảo vệ, nhân viên tạp vụ... của Trường THPT Nguyễn Văn Xiện rơi vào cảnh phải đứng ra gánh nợ cho hiệu trưởng; Còn tại Hà Nội, Hiệu Phó một trường trung cấp y dược bị ném "bom bẩn" vào nhà.
Nhà Hiệu phó bị ném bom bẩn

Ngày 12/1/2009, UBND TP. Hà Nội chính thức có Quyết định số 149/QĐ-UBND cho phép thành lập Trường TCYDPNT, trụ sở chính đặt tại số 192 phố Đức Giang, quận Long Biên. Ngày 24/2/2009, Quyết định số 892/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội đã chính thức công nhận bà Nguyễn Thị Cát là Chủ tịch HĐQT của trường, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch HĐQT và bà Phùng Thị Thu Hương là Ủy viên HĐQT. Thời hạn công nhận HĐQT là 5 năm. Tiếp đó, ngày 7/5/2010, trong Quyết định số 4785/QĐ- SGD&ĐT do ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo ký cũng chính thức công nhận bà Nguyễn Thị Cát là Hiệu phó Trường TCYDPNT.

Ngay trong năm đầu tiên thành lập, trường đã tuyển sinh được 1000 sinh viên và sóng gió cũng bắt đầu từ đây. Ngày 1/6/2010, trong khi không có những bằng chứng về chuyên môn quản lý của bà Cát thì ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT đã tự ý soạn thảo văn bản nhân danh Công ty cổ phần hóa dược Việt Nam (CPHDVN) gửi tới UBND Thành phố và dựng chuyện cho rằng: “HĐQT cùng các sáng lập viên, các thành viên góp vốn đã thống nhất về việc đồng chí Cát thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT…”. Văn bản này cũng tiến cử người khác vào chức Chủ tịch HĐQT nhà trường thay bà Cát.


Làm việc với báo chí, bà Cát cho biết: "Có lẽ nhìn vào số doanh thu hàng năm lên đến hơn 10 tỷ đồng thông qua việc tuyển sinh nên ông Châu đã tìm cách cho tôi ra khỏi trường như liên tiếp quy kết tôi thiếu chuyên môn quản lý. Việc điều hành trường là công việc của cả một tập thể, trong đó có cả ông Châu. Nhưng rõ ràng đây là những quy kết không có căn cứ bởi số lượng sinh viên đầu vào vẫn đủ chỉ tiêu, việc giảng dạy vẫn bình thường không có gì xáo trộn".

"Không hiểu có sự ngẫu nhiên nào không mà gia đình tôi bị đối tượng xấu ban đêm lén đổ phân vào nhà, lần thứ nhất vào thời điểm tháng 8/2010 và lần thứ hai là thời điểm cuối năm 2011. Tất cả những lần này đều trùng với việc tôi đang quyết liệt gửi đơn đề nghị các cấp của thành phố vào cuộc làm sáng tỏ sự việc Trường TCYDPNT. Do quá căng thẳng nên ngày 25/8/2010 tôi đã bị ông Châu gây sức ép buộc phải làm đơn xin thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT nhưng sau đó tôi đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng khẳng định mình bị ép buộc và hiện giờ vẫn là Chủ tịch HĐQT và Hiệu phó của trường”. Đến nay, TP vẫn chưa có hồi âm về việc bà Cát xin từ chức. Như vậy, theo pháp luật thì cho tới thời điểm này bà Cát vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu phó Trường TCYDPNT. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là trong suốt thời gian dài từ tháng 8/2010 tới nay bà Cát hoàn toàn bị cách ly khỏi trường và không được bảo vệ cho vào. Câu hỏi đặt ra, sau hơn một năm bà Cát không được bước chân vào trường thì những công việc liên quan đến con dấu và chức danh Chủ tịch HĐQT ai sẽ là người ký và chịu trách nhiệm?.

Được biết, ngày 3/6/2011, UBND TP. Hà Nội chính thức có công văn số 1943/VP-VHKG gửi tới Sở Nội vụ với nội dung: “Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có ý kiến như sau: Giao Sở Nội vụ xem xét giải quyết, trả lời bà Nguyễn Thị Cát theo quy định, báo cáo kết quả với UBND Thành phố”.

Điều trớ trêu là gần 1 năm qua vẫn chưa có một hồi âm nào của Sở này tới bà Cát hay UBND Thành phố cho dù ngay từ thời điểm tháng 5/2010, bà Cát đã có đơn gửi tới Sở Nội Vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo.


Hiệu trưởng ôm tiền bỏ trốn

Trường THPT Nguyễn Văn Xiện thuộc diện hẻo lánh nhất nhì của tỉnh Kiên Giang nhưng thời gian gần đây thu hút sự chú ý của dư luận khi có tin hiệu trưởng trường bỏ trốn. Tin từ trường này cho biết, Hiệu trưởng Lê Văn Hoàng đã vắng mặt không phép từ ngày 23.12.2011. Nhà trường nhiều lần gửi thư và cử người đến trực tiếp tìm, nhưng đến nay, cả người nhà và cơ quan cũng không thể liên lạc được với ông.

Ngày 13/2, Chi bộ nhà trường tiến hành liệt kê các khoản tiền mà ông này đã chiếm giữ. Từ tiền nhà hảo tâm ủng hộ học bổng cho học sinh, quỹ phụ huynh học sinh, quỹ khuyến học, đến tiền bán vỏ máy đưa rước học sinh, tiền học phí, rồi các khoản vay ngân hàng mang tên ông… Đặc biệt, bằng nhiều cách khác nhau, vị hiệu trưởng này đã “kịp” mượn tên của trên chục giáo viên, nhân viên bảo vệ, tạp vụ của trường để vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng ở Kiên Giang. Ngoài ra, một số chủ trại tôm, nhân viên ngân hàng… cũng đến trình báo bị ông Hoàng dùng lời lẽ thuyết phục để họ cho vay tiền. Qua thống kê ban đầu, tổng các khoản nợ (có chứng từ) mà ông Hoàng chiếm đoạt đã trên 600 triệu đồng.

Gia đình chị Tuyền đang rơi vào bế tắc sau khi ông Hoàng bỏ trốn

Chị Trần Thị Bích Tuyền, nhân viên tạp vụ của trường, là một trong những người cho ông Hoàng mượn tên vay nợ, hiện đang rơi vào hoàn cảnh cùng cực, đang tính đến chuyện cho đứa con duy nhất (đang học lớp 9 tại trường) thôi học. Tiếp xúc với chúng tôi trong căn chòi lụp xụp ở khu nhà “ổ chuột” ven xóm biển, chị Tuyền nói, không thể tin được thầy Hoàng lại có thể để cho chị phải gánh nợ. Mấy tháng trước, ông Hoàng nói với chị Tuyền là ông có đứa cháu bệnh tim, phải cần số tiền lớn để phẫu thuật. Tin sếp, chị Tuyền đồng ý đứng tên vay giùm 20 triệu đồng, thời hạn trả nợ là 36 tháng. Ông Hoàng hứa 2 tuần sẽ hoàn lại số tiền này, nhưng sau đó ông biến mất. Giờ mỗi tháng trừ hết tiền lương, chị còn phải bù thêm trên 200.000 đồng mới đủ trả tiền vay…

Ông Ninh Thành Viên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết khi vụ việc vỡ lở, làm việc với lãnh đạo sở, ông Hoàng trình bày nguyên nhân thiếu nợ dẫn đến mất khả năng thanh toán là do làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, theo ông Viên, ngay từ đầu ông Hoàng đã quanh co, không thành thật. Ngày 9.1, Sở GD-ĐT có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Hoàng. Hiện Công an H.An Minh đã thụ lý vụ việc và đang tiến hành các bước để khởi tố vụ án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét