Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

36 Pháp Đối Trong Pháp Bảo Đàn Kinh


36 Pháp Đối Trong Pháp Bảo Đàn Kinh
"Nay ta dạy các ngươi thuyết pháp chẳng đánh mất bản tông: Trước tiên phải y theo pháp môn Tam Khoa, dùng 36 pháp đối, ra vào (khai thị bằng lời nói hay cử chỉ) thường lìa nhị biên, tất cả pháp chẳng lìa tự tánh. Ví như có người hỏi pháp, ý nghĩa lời nói song song, đến và đi làm nhân với nhau, đều dùng pháp đối. Nếu không có đối đãi thì hai pháp "Nhị biên và trung đạo" đều dứt, chẳng còn chỗ để nương tựa.
Pháp môn Tam Khoa là: Ấm, Giới, Nhập. Ấm là ngũ ấm, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; Nhập có mười hai: Bên ngoài lục trần gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, bên trong lục căn gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.
Giới có mười tám, gồm lục căn, lục trần, lục thức.
Tự tánh bao gồm vạn pháp, gọi là Hàm tạng Thức. Nếu khởi niệm suy lường tức là chuyển thức, khiến sanh lục thức, ra cửa lục căn, tiếp xúc lục trần. Như vậy mười tám giới đều từ tự tánh khởi dụng, tự tánh nếu tà thì khởi mười tám tà, tự tánh nếu chánh thì khởi mười tám chánh, niệm ác dụng tức chúng sanh dụng, niệm thiện dụng tức Phật dụng. Dụng bằng cách nào? Là do tự tánh lập ra pháp đối:
- Ngoại cảnh vô tình có năm đối: Trời đối đất, nhựt đối nguyệt, sáng đối tối, âm đối dương, thủy đối hỏa, ấy là năm đối.
- Pháp tướng ngôn ngữ có mười hai đối: Ngữ đối pháp, hữu đối vô, hữu sắc đối vô sắc, hữu tướng đối vô tướng, hữu lậu đối vô lậu, sắc đối không, động đối tịnh, thanh đối trược, phàm đối thánh, tăng đối tục, già đối trẻ, lớn đối nhỏ, ấy là mười hai đối.
- Tự tánh khởi dụng mười chín đối: Dài đối ngắn, tà đối chánh, si đối huệ, ngu đối trí, loạn đối định, từ đối độc, giới đối quấy, trực đối khúc, thật đối hư, chông gai đối bằng phẳng, phiền não đối bồ đề, thường đối vô thường, bi đối hại, hỷ đối sân, bố thí đối bỏn xẻn, tiến đối lui, sanh đối diệt, pháp thân đối sắc thân, hóa thân đối báo thân, ấy là mười chín đối vậy.
Sư bảo: "Ba mươi sáu pháp đối này nếu biết vận dụng thì thấu đạo và tất cả kinh pháp, ra vào thường lìa nhị biên. Dụng của tự tánh chẳng cần tác ý, nói năng với người, ngoài thì ở nơi tướng lìa tướng, trong thì nơi không lìa không. Nếu trọn chấp tướng thì sanh trưởng tà kiến, nếu trọn chấp không thì sanh trưởng vô minh.
Nếu chấp tướng bên ngoài mà vọng lập phương pháp để cầu chơn, hoặc rộng lập đạo tràng, nói các lỗi lầm của Có và Không, những người như vậy nhiều kiếp chẳng thể kiến tánh. Các ngươi phải dạy người theo pháp tu hành, lại chớ nên trăm điều chẳng nghĩ, làm cho đạo tánh bị ngăn ngại. Nếu thuyết pháp dạy người, chớ nên nói "Tự tánh vốn chẳng cần tu chứng", nói như vậy e rằng kẻ mê chẳng hiểu, lại sanh tà kiến. Chỉ nên dạy người theo pháp tu hành, hành pháp thí mà chẳng trụ nơi pháp tướng. Các ngươi nếu ngộ thì thuyết như vậy, dụng như vậy, hành như vậy, tác như vậy tức không đánh mất bản tông.
Nếu có người hỏi nghĩa Có thì đáp Không, hỏi "không" thì đáp "có" hỏi thánh thì đáp phàm, hỏi phàm thì đáp thánh, nhị biên làm nhân với nhau, sanh nghĩa trung đạo. Hỏi nào đáp nấy, tất cả các câu hỏi khác đều đáp như thế thì chẳng mất cái chánh lý vậy. Như có người hỏi "thế nào là tối?" thì đáp "sáng", hỏi "thế nào là sáng?" thì đáp "tối". Vì sáng mất thì tối, tối mất thì sáng, dùng sáng để tỏ sự tối, dùng tối để tỏ sự sáng, trở đi trở lại làm nhân với nhau thành nghĩa trung đạo, tất cả câu hỏi đều phải như thế. Về sau các ngươi truyền pháp, phải y đây mà dạy bảo, chớ đánh mất tông chỉ."
Lược Giải :
Nếu có người hỏi pháp, ý nghĩa lời nói song song, đều dùng pháp đối; dùng Vô phá Hữu, dùng hữu phá vô, dùng sáng phá tối, dùng tối phá sáng, đến và đi làm nhân với nhau, nếu không có đối đãi thì hai pháp "Nhị biên và trung đạo" đều dứt, chẳng còn chỗ để nương tựa (vô sơ trụ). Dù nói đến và đi làm nhân với nhau, thành nghĩa trung đạo, cũng chẳng trụ nơi trung đạo, do hai đầu đã dứt thì không còn chính giữa vậy. Nên ngài Lục Tổ nói "Lấy Vô Trụ làm gốc" (Thể); Duy Ma Cật nói "Từ gốc vô trụ lập tất cả pháp" (dụng), thể dụng bất nhị vậy.
Vô Trụ là thể dụng của tự tánh, thuyết pháp chẳng lìa tự tánh cũng như nghĩa ba câu của Kinh Kim Cang, nghĩa sắc không của Tâm Kinh cũng là chẳng lìa vô trụ của tự tánh vậy.
Lại, như Thiền sư Tần Bạt Đà nghe nói ngài Đạo Sanh thuyết pháp khiến tảng đá còn phải gật đầu, bèn đến thăm hỏi rằng:
- Chẳng biết Pháp sư thuyết nghĩa sắc không như thế nào?
Sanh nói: "Chúng vi (nhiều hạt bụi) tụ lại gọi là sắc, chúng vi chẳng tự tánh gọi là không"
Tần hỏi: "Lúc chúng vi chưa tụ gọi là cái gì?"
Sanh không trả lời được. Tần cầm cây quạt hỏi: "Thấy chăng?"
Sanh đáp: "Thấy."
Hỏi: Thấy cái gì?
Đáp: Thấy Thiền sư tay cầm cây quạt.
Tần buông tay, cây quạt rơi xuống đất, hỏi: Thấy chăng?
Đáp: Thấy.
Hỏi: Thấy cái gì?
Đáp: Thấy cây quạt của Thiền sư rơi xuống đất.
Tần nói: "Thế là kiến giải của ông chưa ra ngoài lẽ thường, làm sao có thể danh tiếng khắp thiên hạ!" Bèn bỏ đi.
Môn đồ của Sanh đuổi theo hỏi: Thầy con thuyết nghĩa sắc không có gì sai ư?
Tần đáp: Chẳng phải nói thầy của ngươi sai, nhưng thầy ngươi chỉ biết quả của sắc không mà chẳng biết nhân của sắc không.
Hỏi: Thế nào là nhân của sắc không?
Đáp: Nhất vi (một hạt bụi) không, nên chúng vi (nhiều hạt bụi) không, chúng vi không, nên nhất vi không; trong chúng vi không chẳng có nhất vi, trong nhất vi không chẳng có chúng vi.
Lời của Ngài Tần Bạt Đà cũng như ngài Lục Tổ nói "Đến và đi làm nhân với nhau, nhất với nhiều phá nhau, cứu kính nhị biên đều tuyệt, chẳng còn chỗ để nương tựa vậy.
  • Tuyết Ngân Huỳnh và 3 người khác thích điều này.
  • Minh Nguyễn Đây chính là chổ linh động, uyển chuyển của Bản ngã. Thấy được điều đó, sẽ thấy được muôn pháp, lãnh hội được tinh hoa của vạn pháp. Nhỏ như nơi đầu chấm mũi cây kim, nhưng lại lớn bằng cả 1 sân bóng đá. Ra vào, đến đi vô ngại, lúc thì dâng trào như sóng biển ồ ạt, lúc thì im hơi lặng tiếng như mặt hồ phẳng lặng, trong mát.
    16 giờ · Thích · 2
  • Filong Levan Minh Nguyễn, Như thị! Như thị! Khakahkahakha!!!!!
  • Nhan Pham

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét