Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Sau năm 2015, thi tốt nghiệp THPT còn 2 môn và bỏ thi Đại học

Sau năm 2015, thi tốt nghiệp THPT còn 2 môn và bỏ thi Đại học

29/10/2013 20:14 pm

Theo dự thảo mới nhất của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ còn 2 môn, kỳ thi đại học xóa bỏ, các trường tự tổ chức thi.

Dang ky nhan diem chuan dai hoc nam 2014
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ còn hai môn. Kỳ thi đại học như hiện nay sẽ được xóa bỏ, các trường đại học có thể tùy chọn tổ chức thi hoặc xét tuyển… Đó là những điểm quan trọng trong dự kiến đổi mới thi và kiểm tra đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau năm 2015.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá, thi cử này được coi là giải pháp đột phá trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam.
Xóa bỏ kỳ thi lạc hậu
Chương trình giáo dục sau năm 2015 sẽ có sự thay đổi căn bản theo hướng chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ nặng kiến thức hàn lâm khoa bảng hiện nay sang hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng người học.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, cho biết khi chuyển sang dạy học theo chương trình mới kéo theo việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực khách quan theo năng lực người học.
Theo ông Thống, các kỳ thi của Việt Nam đã có nhiều cải tiến nhưng nhìn chung còn lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lý, sử dụng kết quả, coi việc đánh giá kết quả học tập chỉ là việc cho điểm các bài thi, bài kiểm tra.
Đề thi coi trọng ghi nhớ kiến thức, ít chú ý đến đánh giá năng lực vận dụng, dẫn đến tình trạng dạy học theo lối đọc-chép, mở lò luyện thi, học tập đối phó. 

Giáo dục Việt Nam trước đề án được kỳ vọng nhất
Khắc phục những yếu điểm trên, ban soạn thảo đề xuất đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng không chỉ tập trung vào việc đánh giá học sinh biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá học sinh làm được gì từ những điều đã biết. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… của học sinh.
Việc đổi mới được nhấn mạnh vào hai kỳ thi đang gây bức xúc nhất trong dư luận là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo đó, sau năm 2015, công nhận tốt nghiệp tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng giảm số môn thi tốt nghiệp và trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường đại học.
Cụ thể, với bậc phổ thông, học xong môn nào thì đánh giá luôn kết quả đạt chuẩn đầu ra môn đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội-nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi hai môn toán và ngữ văn.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tự tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, có thể kiếm tra thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.

Sau nam 2015, thi tot nghiep THPT con 2 mon va bo thi Dai hoc
Sự thay đổi này được khá nhiều người đồng thuận

Sẽ giảm áp lực cho xã hội
Hướng đổi mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được khá nhiều sự đồng thuận của các chuyên gia cũng như người dân.
Là người vừa và vất vả thi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi thi đại học năm 2013, em Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ nếu thực hiện như đề án đưa ra thì học sinh sẽ nhàn hơn rất nhiều.
“Ôn thi tốt nghiệp 6 môn, sau đó một tháng tiếp tục thi đại học là quá căng thẳng với người học. Chúng em phải học ngày, học đêm, có khi muốn ngủ cũng không ngủ nổi vì lo lắng, áp lực,” Hạnh cho biết.
Đồng cảm với những tâm sự của người học, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng hàng năm đến mùa thi, không  chỉ có học sinh, phụ huynh đi thi mà toàn xã hội đi thi. Hai kỳ thi liên tiếp tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Vì thế, theo giáo sư Tụy, với việc đơn giản hóa thi tốt nghiệp và xóa bỏ kỳ thi đại học “ba chung” hiện nay sẽ giảm gánh nặng lớn cho xã hội.
[Tranh luận nóng về chương trình giáo dục sau 2015]

Đồng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định hướng đánh giá học sinh với nhiều hình thức, xét cả quá trình học và thi cử như đề xuất trên là khá đúng đắn.
“Dự kiến thi tốt nghiệp hai môn văn toán là hai môn công cụ tiêu biểu cho khối chuyên môn tự nhiên và xã hội đồng thời môn khác được kiểm tra trong suốt qua trình học sinh học, tôi thấy được. Tôi cho rằng với định hướng này băn khoăn của xã hội được giải toả, học trò học tốt hơn,” giáo sư Thuyết nhận định.
Cũng theo giáo sư Thuyết, việc trao lại quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng là hợp lý, các trường có thể xét tuyển, có thể thi. Điều này sẽ giúp cho các trường tuyển được người học phù hợp với đặc thù đào tạo của mình đồng thời phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, giải trình trước xã hội về chất lượng đó.
Thống nhất việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học nhưng theo giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, việc mở rộng đầu vào cần phải đi đôi với vấn đề kiểm định chất lượng và thắt chặt đầu ra, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
[Dạy tích hợp, chương trình mới tăng hay giảm tải?]
Nhìn vấn đề một cách tổng thể, giáo sư Nguyễn Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, việc đổi mới thi cử có ý nghĩa quyết định với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. “Thi thế nào sẽ quyết định việc học. Muốn thực hiện triết lý giáo dục hướng tới năng lực người học thì việc thi cử cũng phải đáp ứng được yêu cầu này,” giáo sư Hạc chia sẻ.
Đây cũng là băn khoăn của ông Nguyễn Văn Khôi, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo ông Khôi, việc thực hiện phân ban ở bậc trung học phổ thông thời gian qua thất bại có nguyên nhân do không có đổi mới trong thi cử.
Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận những thất bại trong các yếu tố đổi mới giáo dục trước đây như đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học… chưa đạt hiệu quả mong muốn do thiếu sự đổi mới đồng bộ, cách dạy và học mới nhưng thi cử, kiểm tra đánh giá không mới nên cuối cùng lại quay về lối cũ.
Theo ông Hiển, lần này sẽ tiến hành đổi mới đồng bộ. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định hàng loạt khó khăn phía trước khi thực hiện như khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp, thói quen và tâm lý học ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề… Do đó, cần phải có quyết tâm và các giải pháp phù hợp của các cấp quản lí, các cơ sở giáo dục và của giáo viên thì việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá theo định hướng trên mới có hiệu quả.
Sau năm 2015, học sinh THPT cần phải học những môn gì? Xem thêm tại đây: http://tin.tuyensinh247.com/hoc-sinh-thpt-sau-nam-2015-se-hoc-nhung-gi-c21a13710.html
Theo Phạm Mai (Vietnam+)

 
 


Vui lòng để lại nguồn link bài viết: http://tin.tuyensinh247.com/sau-nam-2015-thi-tot-nghiep-thpt-con-2-mon-va-bo-thi-dai-hoc-c24a13702.html#ixzz39IMALGwm
Cảm ơn bạn! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét