Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Cán bộ, công chức cũng phải nhập ngũ như con em nông dâ

Cán bộ, công chức cũng phải nhập ngũ như con em nông dân

(Dân trí) - Ngày 15/8, luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được đưa ra UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Thu hẹp diện đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển cán bộ, công chức, viên chức để nhập ngũ… là những nội dung mới được đề cập.

Trình bày tờ trình về dự án luật, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội từng giám sát việc thi hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
Cơ quan giám sát nhận định, một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ, công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94%) và có xu hướng giảm. Con em nông dân, người chưa có việc làm nhập ngũ chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khái quát, cán bộ công chức, viên chức phục vụ tại các cơ quan tổ chức không được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng trong quá trình tuyển quân vừa qua không tuyển nhóm đối tượng này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng, thời gian tới chắc chắn sẽ cân nhắc lại vấn đề này.
“Từ năm sau nên tuyển, phải tuyển cán bộ là công chức, viên chức, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội thì rất tốt, chất lượng quân đội sẽ nâng lên ngay. Nếu cán bộ, công chức sau này tự nguyện sẽ được phục vụ lâu dài trong quân đội. Hơn nữa, điều này sẽ bảo công bằng hơn, tránh để như hiện nay số nhập ngũ có tới 90% con em nông dân, còn số có điều kiện học hành cơ bản, làm cán bộ công chức trong hệ thống chính trị gần như không tuyển” – Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu quan điểm.
Những nụ cười trong ngày hội tòng quân.
Những nụ cười trong ngày hội tòng quân.
 
Nhiều con số khác cũng cho thấy thực trạng việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên hiện nay. Cơ quan chức năng nhận định, trong điều kiện số công dân nhập ngũ hàng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18-25 nhưng vẫn có địa phương cho phép điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để bù cho đủ chỉ tiêu được giao…
Tỷ lệ công dân có trình độ cao đẳng, đại học tham gia nghĩa vụ quân sự chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số thanh niên nhập ngũ hàng năm trong khi tổng số sinh viên trung bình trong các năm gần đây luôn ở khoảng trên 1,5 triệu người (chiếm 50% tổng số công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự”.
Từ thực tế này, Bộ Quốc phòng đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng thắt lại quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học vì phạm vi quá rộng.
Do yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu học tập của công dân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân phát triển rất đa dạng; với nhiều loại hình đào tạo, nhiều ngành nghề đào tạo chỉ thực hiện xét tuyển nên số lượng công dân tham gia học tập ngày càng tăng. Hàng năm, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt gọi nhập ngũ.
Việc gọi công dân tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ trong quân đội không nhiều. Một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, gây bất bình trong nhân dân và ảnh hưởng đến chất lượng tuyển quân.
Cơ quan soạn thảo đề xuất chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Việc thu hẹp diện đối tượng được tạm hoãn này là để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ.
Còn công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi xuất ngũ được các nhà trường tiếp nhận lại.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ, có nhiều ý kiến cho rằng không nên không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Ý kiến khác thì đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Dù đa số ủy viên thường trực UB Quốc phòng An ninh đồng ý việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo công bằng xã hội nhưng cũng đề nghị nghiên cứu khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập thực tế đã nêu tại tờ trình dự án luật.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật giáo dục.
Một điểm mới khác của dự luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi lần này là quy định chung thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của tất cả đối tượng nhập ngũ là 24 tháng, trong khi quy định của luật hiện hành là hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng.
Theo giải trình của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, hiện nay Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.
“Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao, như cứu hộ, cứu nạn phòng chống thiên tai, công tác dân vận…, đã ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới” - Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh.
P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét