Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bất ngờ xuất hiện trên đường phố SG - Trong những ngày nóng ở Biển Đông

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bất ngờ xuất hiện trên phố SG


Sau 32 năm vắng bóng, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” lại bất ngờ được hát vang lên trong các cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam tại Sài Gòn.

Bản hùng ca một thời

Ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác năm 1966, được giới thiệu lần đầu năm 1967, và trở thành nổi tiếng trong giới sinh viên, thanh niên Sài Gòn một thời. Đến ngày 30/4/1975, bản nhạc hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam.
Rồi bỗng nhiên, vào trung tuần tháng 12 vừa qua, người ta lại được nghe lại “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” công khai trên đường phố Sài Gòn trong các buổi biểu tình chống Trung Quốc.
Tập thể người trẻ Việt Nam, đa số sinh trưởng sau ngày cuộc chiến kết thúc, đã cùng nhau cất tiếng hát, hát chung bản nhạc từng có thời quen thuộc, và được xem là có ảnh hưởng lớn với thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam trước 1975.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi bài hát này được cất lên tại Sài Gòn - bây giờ mang tên thành phố Hồ Chí Minh - cả phần nhạc và lời đã xuất hiện trên nhiều blog's - một loại nhật ký cá nhân - trên internet.
Bản hùng ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, được trình diễn trên sân khấu Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 1967, nhân dịp Đại Hội Du Ca Toàn Quốc và nhanh chóng trở thành một trong những bản nhạc rất quen thuộc với tập thể thanh niên, sinh viên học sinh miền Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, một Huynh Trưởng phong trào du ca, hiện đang sống tại miền Nam California cho biết, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” là chung khúc của tập Trầm Ca gồm 10 nhạc phẩm ông viết cho thanh niên. Bản nhạc ra đời để phản ánh suy tư của lớp thanh niên Sài Gòn thời bấy giờ, trong một đất nước thời chiến tranh, bị chia cắt, và chịu quá nhiều đau khổ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang
Huynh Trưởng Đồng Sáng Lập Viên Phong Trào Du Ca Việt Nam.
Vẫn theo ông, bản hùng ca mang tên “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” nói lên tâm thức bi hùng của người Việt Nam, của đất nước Việt Nam: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ khó khăn nào, dưới bất kỳ nỗi thống khổ nào, người Việt Nam, cuối cùng cũng vượt qua, và thống nhất trong một ý chí, ý chí làm vẻ vang cho dân tộc.
Nhận định về ảnh hưởng của nhạc phẩm Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ trong giới thanh niên, sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, ông Phạm Phú Minh, một giáo chức hoạt động trong Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường thuộc Bộ Giáo Dục nói rằng, bài hát đã đưa ra một hình ảnh hào hùng, ngạo nghễ, một gợi ý về lý tưởng để thanh niên hướng theo.
Ông nói rằng, khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tung ra bản nhạc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, thanh niên đã say mê hát theo, và chợt nhận ra mình tự hào là con dân của một quốc gia có truyền thống.

Hát vang trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Điều khiến người ta ngạc nhiên là trong những cuộc biểu tình liên tục diễn ra ở Sài Gòn trong 3 cuối tuần vừa qua, những người còn rất trẻ sinh ra sau năm 1975, lại sử dụng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” cùng nhiều bản nhạc tranh đấu khác.
Một thanh niên yêu cầu không nêu tên, nói rằng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” được yêu thích là vì bản nhạc thể hiện được cả nét bi thương lẫn niềm tự hào của tất cả những ai hãnh diện là người Việt Nam.
Nói về cảm tưởng khi biết tin bản nhạc của mình bất ngờ xuất hiện tại Sài Gòn sau 32 năm, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nói rằng, bài hát cũng như vận nước nổi trôi; lúc được tán dương, lúc bị bỏ đi, phải hát lén lút trong không gian hạn hẹp. Nhưng điều khiến ông hạnh phúc, là ông lại được có dịp chia sẻ những đóng góp cho cuộc đấu tranh này.
THIỆN GIAO 
Nghe ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
LỜI CA KHÚC "VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ"
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về thuở xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét