Trung Quốc tuyên bố Hải Dương-981 đã khoan xong đợt đầu tiên
Dân trí - Nhà điều hành giàn khoan Hải Dương-981, công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), cho biết giàn khoan đã hoàn thành đợt khoan đầu tiên và di chuyển tới một địa điểm khác gần khu vực hạ đặt đầu tiên.
COSL là một nhánh của Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) - cơ quan sở hữu giàn khoan 1 tỷ USD Hải Dương-981. Trong tuyên bố được phát ra ngày 27/5, COSL cho biết việc khoan thăm dò sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở gần quần đảo Tây Sa theo cách gọi của Trung Quốc, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực. Tuyên bố cho thấy giàn khoan Hải Dương-981 sẽ không di chuyển cách quá xa khu vực hạ đặt đầu tiên.
Cũng theo COSL, giàn khoan đã hoàn thành “suôn sẻ” đợt làm việc đầu tiên.
COSL còn cho biết đã thu được dữ liệu địa lý liên quan trong đợt khoan vừa qua, song cơ quan này không nói rõ chi tiết dữ liệu đó là gì và vị trí cụ thể của giàn khoan hiện nay.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo chiều 27/5, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Lúc 5h30 phút ngày 27/5, giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 di chuyển được 3 đến 4 hải lý, với vận tốc 4,5 hải lý/giờ về phía Đông Đông Bắc. Đến 10h cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 33 phút 38 giây N - 111 độ 34,62 phút E, cách đảo Tri Tôn của Việt Nam về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.
Cũng theo ông Hà Lê, song song với việc di chuyển giàn khoan, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng quân sự, tàu hải giám, hải tuần bằng cách sử dụng những tàu lớn hơn, công suất cao hơn.
Trước đó, trong bản tin sáng ngày hôm qua 27/5, Đài truyền hình Việt Nam VTV cho biết, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo qua Đài Hải sự, tỉnh Hải Nam cho biết: Giàn khoan Hải Dương-981 được hai tàu Hải Dương 612 và 613 kéo, với tốc độ dịch chuyển 4 hải lý/giờ. Giàn khoan 981 khi đó dự kiến di chuyển về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý.
Trước những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc được di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 27/5/2014 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hoạt động, rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống, tàu dịch vụ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời không để tái diễn các hành vi tương tự”.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu tháng 5/2014, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Gần đây nhất, vào lúc 16h ngày 26/5/2014, tại khu vực có tọa độ 15 độ 16 phút 42 giây N-111 độ 01 phút 30 giây E, ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị khoảng 40 tàu cá Trung Quốc bao vây và sau đó một trong những tàu này của Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá Đà Nẵng. 10 ngư dân đã được lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển cứu vớt và đưa lên tàu an toàn.
Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin chính phủ nước này lại lớn tiếng lật lọng rằng tàu cá Đà Nẵng bị lật sau khi “quấy nhiễu và đâm” vào một tàu cá Trung Quốc! Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương còn trắng trợn nói rằng hoạt động của công ty dầu khí Trung Quốc nằm trong "vùng lãnh hải không thể tranh cãi của Trung Quốc" và kêu gọi “phía Việt Nam ngừng các hoạt động phá hoại” đối với Trung Quốc!
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ những phát biểu sai sự thật của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, việc chiếm giữ bằng vũ lực không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa”.
Ngày 27/5/2014, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.
Vũ Quý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét