Phản ứng của các nhà khoa học về vụ Nhã Thuyên
Chu Mộng Long – Ngay từ đầu, khi vừa “nổ” ra sự vụ Nhã Thuyên, tôi đã viết bài cảnh báo về những việc không nên làm, tỉnh táo, thận trọng, vì xem chừng có những thứ không “nguy hiểm” lại trở thành “nguy hiểm”. Bây giờ thì sự vụ đã dấy lên làn sóng phản ứng từ trong nước lẫn ngoài nước làm mất thể diện quốc gia hơn là chuyện chính trị chính em mà một số người đã thổi vống lên.
Các đơn thư trong và ngoài nước đều lên tiếng chính đáng về sự nhất thiết phải thượng tôn pháp luật. Không thể chấp nhận một lối hành xử tùy tiện, phản giáo dục ngay trong môi trường giáo dục. (Tại đây),(Tại đây), (Tại đây).
Cho đến thời điểm này, có nói cách gì cũng không thể biện bạch về một việc làm đầy khuất tất trong quyết định của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Cứ cho việc tước bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên là đúng thì về nguyên tắc, mọi việc đều phải thực hiện đúng quy trình, công khai minh bạch để đảm bảo tính giáo dục, nếu không sẽ thành phản giáo dục.
Việc báo chí phê bình, đánh giá về một luận văn là chuyện bình thường nếu chỉ xoay quanh việc đối thoại, trao đổi học thuật. Nhưng cách làm của người quản lí chạy theo dư luận hay áp lực của một nhóm người nào đó để ra quyết định lập Hội đồng thẩm định phủ nhận kết quả của một Hội đồng hợp pháp và tước văn bằng của một cá nhân bất chấp quy chế, quy định là hoàn toàn bất bình thường.
Giả định việc làm của ông Nguyễn Văn Minh được chấp nhận thì chuyện gì sau đó sẽ xảy ra? Nó tạo nên một tiền lệ rất nguy hiểm. Rằng, với cách làm như ông Minh đã làm, nếu có quyền hoặc có tiền, người ta có thể tước học hàm, học vị của bất cứ ai mà người ta muốn. Đơn giản, anh chỉ cần tìm hoặc thuê một ê kip 5, 7 người lập nên cái gọi là Hội đồng thẩm định là mọi việc có thể kết thúc theo ý muốn?
Cách làm đó chỉ có thể là công việc của một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật chứ không thể là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước!
Trong khi, chính ông Minh cũng thừa biết, khi nhậm chức Hiệu trưởng, người ta tố ông man khai lí lịch vào đảng, man khai hồ sơ khoa học, (tại đây) nhưng cơ quan chức năng vẫn thận trọng làm đúng quy trình chứ không thể hồ đồ. Đâu phải vì những tố giác một chiều mà dễ dàng xóa tên ông ra khỏi Đảng và tước đoạt học hàm học vị của ông. Đúng không?
—————————————
Thư của các Giáo sư nổi tiếng: Ngô Bảo Châu (Hoa Kỳ), Hồ Tú Bảo, Trần Văn Thọ (Nhật Bản), Cao Huy Thuần (Pháp) về vụ Nhã Thuyên
Ishikawa, Chicago, Tokyo và Paris, ngày 18 tháng 4 năm 2014
Thư gửi ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội
Kính gửi Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Thưa ông Hiệu trưởng,
Chúng tôi được các bạn đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở ngoài nước cho biết xúc động của họ về việc tái thẩm định luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan và hậu quả khắc nghiệt mà việc đó đã đem lại cho cô giáo Đỗ Thị Thoan và bà Nguyễn Thị Bình, người đã hướng dẫn luận văn của cô. Là những người đã từng làm việc lâu năm trong các đại học ở nước ngoài, chúng tôi chưa thấy một trường hợp nào tương tự đã xảy ra, và cũng không hình dung được khả năng nào có thể xảy ra hiện tượng đó về mặt khoa học. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi xúc động chính đáng của các đồng nghiệp ở trong nước và bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi đối với hiện tình của nền học thuật đại học tại Việt Nam qua sự cố này.
Trong sự việc đang làm dấy lên phản ứng, chúng tôi thấy cần phải phân biệt rõ ràng hai chỗ đứng khác nhau: một đằng là một hiện tượng văn học, một đằng là việc nghiên cứu hiện tượng đó. Nghiên cứu một hiện tượng không có nghĩa là người nghiên cứu đồng ý với hiện tượng ấy. Giá trị của luận văn, vì vậy, không thể căn cứ trên xét đoán chủ quan của người này người nọ về tính cách đúng sai của hiện tượng mà chỉ duy nhất căn cứ trên những tiêu chuẩn khoa học liên quan đến công trình nghiên cứu. Và người thẩm định duy nhất về giá trị khoa học đó không có ai khác hơn là hội đồng giám khảo. Khi một hội đồng giám khảo (do nhà trường lập ra theo đúng quy trình) đã tuyên bố kết quả của việc thẩm định rồi thì không có cơ quan nào khác có thẩm quyền truất phế kết quả ấy. Tất nhiên ai cũng có quyền phê bình luận văn, nhất là trên những sách báo chuyên môn, nhưng phê bình là một chuyện mà trừng phạt là chuyện khác. Sự “trừng phạt” duy nhất mà các luận văn kém chất lượng khoa học phải chịu là sự phê phán của giới khoa học trong ngành, và bất lợi trong các cuộc tuyển chọn giáo chức. Nhưng dù bị loại trong các cuộc tuyển, tác giả cũng không bị mất danh vị tiến sĩ, thạc sĩ. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc trừng phạt đau xót và bất nhẫn như hình phạt mà cô Đỗ Thị Thoan và, gián tiếp, bà Nguyễn Thị Bình đã phải chịu.
Chúng ta hằng mong muốn chứng tỏ đại học của chúng ta xứng tầm với các đại học trên thế giới tiên tiến. Muốn thế, chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản của đại học, trong đó phê phán chỉ có thể dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy khoa học là một nguyên tắc tối thiểu.
Cuối cùng, chúng tôi cũng mong muốn rằng thái độ cư xử giữa các đồng nghiệp với nhau, cũng như giữa giáo sư và sinh viên trong đại học của ta, không khác với tinh thần trong các đại học của thế giới văn minh: rộng mở, tự do, bình đẳng, nhân ái.
Chúng tôi cám ơn sự chú ý mà ông Hiệu trưởng dành cho bức thư này.
Chúng tôi cám ơn sự chú ý mà ông Hiệu trưởng dành cho bức thư này.
Trân trọng kính chào ông Hiệu trưởng
Hồ Tú Bảo, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Ishikawa, Nhật Bản.
Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.
Cao Huy Thuần, nguyên Giáo sư Đại học Picardie, Paris, Cộng hoà Pháp.
Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.
Cao Huy Thuần, nguyên Giáo sư Đại học Picardie, Paris, Cộng hoà Pháp.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét